Bộ phim "Harry Potter" đã thúc đẩy một làn sóng khai thác cú hoang dã để phục vụ nhu cầu tăng đột biến và điều tương tự cũng xảy ra với cá san hô sau bộ phim “Đi tìm Nemo”.

Loài cú bị đe dọa bởi những người hâm mộ Harry Potter

Anh Tú | 06/07/2023, 17:00

Bộ phim "Harry Potter" đã thúc đẩy một làn sóng khai thác cú hoang dã để phục vụ nhu cầu tăng đột biến và điều tương tự cũng xảy ra với cá san hô sau bộ phim “Đi tìm Nemo”.

Tiêu thụ hơn một phần ba số động vật có xương sống trên Trái đất, con người - kẻ đi săn tham lam nhất có tác động sinh thái đáng kinh ngạc.

Nghiên cứu mới cho thấy việc tiêu thụ của con người tạo ra dấu vết lớn hơn 1.300 lần so với bất kỳ loài gì khác mà các nhà nghiên cứu từng ghi nhận. Tuy nhiên, chỉ khoảng một nửa những gì con người săn bắt được là dành cho nhu cầu ăn uống.

Tất nhiên, kẻ đi săn đó chính là chúng ta. Ngạc nhiên thay, người thậm chí còn không được phân loại là động vật chuyên ăn thịt. Phần lớn hoạt động khai thác của con người được thúc đẩy bởi những ý tưởng bất chợt.

Nhà sinh thái biển Boris Worm (Đại học Dalhousie) giải thích: “Hiện tượng văn hóa thúc đẩy việc khai thác quá mức các loài hoang dã". Worm tình cờ bắt gặp một ví dụ điển hình về điều này ở Indonesia, nơi nhu cầu săn bắt cú hoang tăng vọt sau khi loài chim săn mồi xuất hiện rất ấn tượng trong loạt phim Harry Potter.

Worm nói: "Bộ phim đã thúc đẩy một làn sóng khai thác cú hoang dã để phục vụ nhu cầu tăng đột biến" và lưu ý rằng điều tương tự cũng xảy ra với cá san hô sau bộ phim Đi tìm Nemo. Nhà sinh thái biển chua xót: “Vì niềm đam mê của chúng ta với những loài này, đôi khi yêu quá lại thành hại chết chúng".

Ngoài việc cung cấp sản phẩm cho ngành nuôi thú cưng, việc sử dụng động vật làm dược liệu, trang sức và các sản phẩm khác hiện nay quá phổ biến. Những nhu cầu đó là mối đe dọa chính đối với các loài có nguy cơ tuyệt chủng ở nhiều khu vực trên thế giới. Bất kể mục đích là gì, kể cả việc đem động vật hoang dã về nuôi như thú cưng, việc tách bỏ chúng khỏi tự nhiên có tác động giống hệt như săn bắn.

Điều đó không chỉ tác động trực tiếp bằng cách loại bỏ các cá thể mà còn gây ra những thay đổi về hành vi ở những con còn lại, dẫn đến đe dọa hệ sinh thái. Việc tránh bị săn bắt gây ra những căng thẳng về hành vi, sinh lý và nhận thức của động vật hoang dã có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công trong sinh tồn và sinh sản của chúng. Vì vậy, việc săn bắt gia tăng khiến những yếu tố gây căng thẳng này cũng tăng theo.

Hơn nữa, loại bỏ các cá thể là một quá trình chọn lọc phi tự nhiên, không giống như chọn lọc tự nhiên làm thay đổi các đặc điểm của loài theo thời gian. Những nghiên cứu trước đây cho thấy các loài bị con người săn bắt thể hiện một số thay đổi đặc điểm đột ngột lớn chưa từng thấy trong các quần thể hoang dã. Điều này có khả năng thay đổi các đặc điểm chính làm nền tảng cho toàn bộ hệ sinh thái.

Nhà sinh thái học Rob Cooke thuộc Trung tâm Sinh thái và thủy văn Anh giải thích: “Việc chọn lọc động vật phi tự nhiên của con người có thể dẫn đến một loạt tác động đối với các hệ sinh thái; từ khả năng làm mất đi các loài phát tán di truyền lớn, chẳng hạn hồng hoàng mũ cát, đến các loài động vật ăn cỏ lớn như tê giác đen, hay các loài săn mồi di cư như cá mập".

Tất cả điều này góp phần thể hiện thực tế chính con người đang là động lực chính của sự tiến hóa trên Trái đất. Worm nói: "Chúng ta là một kẻ đi săn bất thường nếu nhìn trên danh sách con mồi. Tổng số loài mà chúng ta săn đuổi, chỉ tính riêng động vật có xương sống là 15.000 và chúng ta đang săn nhiều loài trong số đó theo cách không bền vững đến mức đe dọa sự tồn vong của chúng".

"Ổ sinh thái là không gian hoạt động của một loài - nơi nó sinh sống, kiếm ăn, về cơ bản là các điều kiện cần thiết để tồn tại. Vấn đề ở đây là con người săn nhiều, rất nhiều loài, hơn bất kỳ động vật có xương sống nào khác. Chúng ta có một siêu ổ sinh thái và là kẻ săn bắt có ảnh hưởng nhất ở nhiều hệ sinh thái".

Sự đánh giá rõ ràng này thậm chí còn chưa tính đến việc các loài bị con người khai thác trong lịch sử, hoặc vô tình tuyệt chủng do con người phá hủy môi trường sống, thả các loài xâm lấn, và biến đổi khí hậu.

Mặc dù bản báo cáo mới tập trung vào động vật có xương sống, nhưng sự nghiên cứu của các nhà khoa học còn trải rộng trên hầu hết trên các sinh vật, trong đó có nhện, thực vật, nấm...

Tất cả những chuyển biến không được kiểm soát này của động vật cũng tạo nguy cơ khiến con người tiếp xúc với các bệnh tiềm ẩn mới.

Nhưng có nhiều cách để thay đổi điều này. Các nhà nghiên cứu chỉ ra ví dụ về cách mà người dân bản địa một số vùng đã sử dụng để khai thác động vật bền vững trong nhiều thiên niên kỷ.

Worm nói: "Tin tốt là nhân loại hiện đã nhận ra xu hướng phá hoại của chính mình và có nỗ lực thực sự để sử dụng thành tựu khoa học tốt nhất hiện có làm mọi thứ đi theo đúng hướng. Nhiều người bắt đầu có mong muốn được chiêm ngưỡng và trân trọng cuộc sống diệu kỳ và tươi đẹp bất khả xâm phạm của Trái đất”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loài cú bị đe dọa bởi những người hâm mộ Harry Potter