LG, Apple, Foxconn, Panasonic... là những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đang lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam.

Loạt 'ông lớn' công nghệ sang Việt Nam: Cơ hội nâng cao uy tín và vị thế trên trường quốc tế

10/07/2020, 19:07

LG, Apple, Foxconn, Panasonic... là những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đang lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam.

Hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới lên kế hoạch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam - Ảnh: Internet

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm nay cho biết các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam. Cụ thể, LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng.

Trong khi đó, nguồn tin từ Nikkei cho rằng Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới.

Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple cũng đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan.

Hiện Foxconn đã có nhà máy đặt tại Bắc Giang và đề xuất Chính phủ xây 3 dự án nhà ở xã hội tại miền Bắc, cạnh các khu công nghiệp của tập đoàn này với tổng vốn đầu tư hơn 7.400 tỉ đồng. Hiện nay, dự án ở Bắc Giang có quy mô lớn nhất với 16,7ha, vốn đầu tư 3.422 tỉ đồng. Hai dự án còn lại ở Bắc Ninh có quy mô 6,3ha, vốn đầu tư 2.925 tỉ đồng và ở Vĩnh Phúc có quy mô 9,9ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - ông Nguyễn Văn Tùng cũng cho biết đang xin Chính phủ phê duyệt mở rộng một khu công nghiệp để LG mở rộng quy mô đầu tư, sau nhà máy đầu tiên được mở tại đây vào năm 2015. Khu vực được lãnh đạo Hải Phòng xin điều chỉnh là khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, gắn liền mở rộng khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3 với diện tích 687ha.

Bộ Công Thương nhận định đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này. Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới.

Trước thông tin loạt tập đoàn công nghệ chuyển hướng về Việt Nam đầu tư, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong trao đổi với PVMột Thế Giới nhận định đây là một cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam vì thu hút FDI đang trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, tăng thu ngân sách nhà nước, cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Vì vậy, Việt Nam cần chủ động thu hút, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.

Bởi lẽ, theo vị chuyên gia này, dòng vốn FDI đến từ các nước phát triển sẽ là động lực lớn thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam. Điều này xuất phát từ việc các doanh nghiệp này rất coi trọng pháp quyền và có yêu cầu về chất lượng thể chế rất mạnh mẽ. Do đó, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cần khẩn trưởng rà soát và hoàn thiện quy hoạch quốc gia về thu hút FDI, với định hướng ưu tiên thu hút các dự án FDI có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.

"Đây là nội dung trọng tâm, cần được phổ biến và quảng bá rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả các nước phát triển. Cơ quan xúc tiến đầu tư FDI cần được chuyên trách hóa và đưa ra được danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp ở các nước phát triển, nhất là trong các lĩnh vực sở trường của họ là công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao...", TS Nguyễn Minh Phong cho hay.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loạt 'ông lớn' công nghệ sang Việt Nam: Cơ hội nâng cao uy tín và vị thế trên trường quốc tế