Mang trong mình bệnh tim bẩm sinh, sau phẫu thuật bị liệt cả hai chân, gần 10 năm qua, niềm vui, nguồn sống của chị Phạm Thị Lý (ở thị trấn Yên Mỹ, H.Yên Mỹ, Hưng Yên) gắn liền với lớp học nhỏ, với tiếng gọi “mẹ Lý” thân thương của các học trò nhỏ.

Lớp học đặc biệt của 'mẹ Lý'

16/02/2017, 16:06

Mang trong mình bệnh tim bẩm sinh, sau phẫu thuật bị liệt cả hai chân, gần 10 năm qua, niềm vui, nguồn sống của chị Phạm Thị Lý (ở thị trấn Yên Mỹ, H.Yên Mỹ, Hưng Yên) gắn liền với lớp học nhỏ, với tiếng gọi “mẹ Lý” thân thương của các học trò nhỏ.

Chị Phan Thị Lý và trò tại lớp học miễn phí của mình

Lạc quan trước chuyện “sinh tử”

Phạm Thị Lý sinh năm 1983, là con út trong một gia đình có 3 anh chị em. Bố mất khi chị mới lên 5 tuổi, một mình mẹ nuôi 3 chị em chị ăn học. Từ nhỏ, chị Lý luôn mơ ước sau này trở thành cô giáo. Tuy nhiên giấc mơ dở dang khi căn bệnh tim bẩm sinh của chị tái phát và gia đình gặp biến cố.

Không muốn các con theo nghề nông vất vả, mẹ chị Lý dốc sức nuôi các con thành đạt. Nhưng không may, tháng 10.2001, trong một lần đi công việc, mẹ chị Lý bị tai nạn và mất sau đó. Đau buồn chưa dừng lại ở đó, tháng 3.2002, bệnh tim của chị Lý tái phát, phải nhập viện cấp cứu. Trải qua ca phẫu thuật tim, chị Lý phải chịu di chứng, hai chân teo lại không thể di chuyển và trở thành người khuyết tật vĩnh viễn.

Trong thời gian nằm viện và thời gian đầu được về nhà, chị Lý luôn trong trạng thái tuyệt vọng khi thấy mình không thể đi lại và không đỡ đần được mọi người. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ, động viên của người thân, chị đã vượt qua mặc cảm và sống lạc quan hơn.

Cô giáo Phan Thị Lý, người mở lớp dạy trẻ miễn phí tại Hưng Yên - Ảnh Phan Xâm

Gia đình chị sau đó cũng đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc cứu chữa nhưng chị nói rằng sẽ chấp nhận bệnh tình của mình không thể chữa khỏi và quyết tâm sống vui vẻ và có ích.

“Nghĩ thấy mình bất hạnh, nhưng vẫn thấy may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người vì luôn có anh em, bạn bè ở bên động viên, giúp đỡ. Vì thế tôi cố gắng sống tốt và không sa vào thất vọng”, chị Lý chia sẻ.

Hằng ngày, khi thấy khỏe lên một chút chị lại mang những cuốn sách yêu thích ra đọc. Thấy em mình ham học và có năng khiếu sư phạm, chị họ của Phạm Thị Lý đã gửi cô con gái thứ 2 của mình nhờ Lý dạy kèm giúp. Và lúc này, ước mơ làm cô giáo hồi nhỏ lại được nhen nhóm lên, chị Lý bắt đầu viết tiếp ước mơ còn dở dang trong chính ngôi nhà nhỏ của mình.

“Hạnh phúc lớn nhất là dạy được trò ngoan”

Khi bắt đầu kèm dạy một số trẻ quanh nhà, người dân trong làng ít nhiều còn hoài nghi. Tuy nhiên “khóa học” đầu tiên hoàn thành, các em học sinh chăm ngoan và học khá hẳn lên thì nhiều gia đình tìm đến nhà nhờ cô Lý kèm cặp con em mình. Sau khi chứng kiến lớp học, bà con trong xóm đều khen ngợi và khâm phục nghị lực và lòng tốt của chị.

“Tuy bị bệnh tật lại không di chuyển được nhưng chị ấy sống rất lạc quan, lại rất yêu bọn trẻ. Từ sáng đến tối nhà lúc nào cũng có tiếng cười nói của mấy đứa nhỏ. Hàng xóm cũng rất yêu quý chị”, chị Nguyễn Thị Phàn, một hàng xóm có 3 đứa con đều theo học tại lớp học nhỏ của chị Lý từ ngày các cháu còn lớp 1 cho biết.

Không chỉ dạy học, Phan Thị Lý còn chăm sóc cho những học trò của mình từ những điều nhỏ nhặt nhất - Ảnh Phan Xâm

Cứ thế, hết lứa này đến lứa khác, ngôi nhà nhỏ của chị Lý trở thành lớp học được trẻ con và phụ huynh trong vùng rất yêu thích. Cho đến nay, học sinh “kỳ cựu” nhất của chị Lý đang học lớp 7. Điều đặc biệt là dù đã “tốt nghiệp” tại lớp học của cô Lý nhưng các em vẫn thường xuyên qua ăn cơm, ngủ lại và giúp cô xem bài của các em nhỏ hơn.

Lớp học của chị Lý mở cửa cả ngày, tùy thuộc vào lịch học của các em ở trường, nhưng buổi tối là lúc lớp học đông nhất, có 15 đến 20 em, bao gồm từ lớp 1 đến lớp 5. Để đảm bảo việc học đạt hiệu quả, chị Lý chia lớp ra từng nhóm. Nhóm đang học lớp 1, 2 thì tập viết chữ, lớp 3, 4 và lớp 5 thì tập làm toán. Nếu học sinh khá giỏi chị sẽ cho bài tập khó hơn. Ngoài ra, chị còn rèn luyện cho các em cách ứng xử, kỹ năng sống hằng ngày.

Đặc biệt, lớp học của chị hoàn toàn miễn phí. Lý do được chị Lý bộc bạch đơn giản rằng: “Sức khỏe tôi không tốt thành ra làm việc gì cũng khó, nhưng chỉ ở không thì thấy vô nghĩa quá. Tôi nhận kèm cặp mấy đứa nhỏ chỉ mong chúng có kiến thức nền khi bước vào cấp 2, cũng là tạo niềm vui cho cuộc sống của mình”.

Cô giáo Phan Thị Lý bên những học trò của mình - Ảnh Phan Xâm

Được hỏi về khó khăn trong lúc dạy học, chị cho biết khó trước hết ở việc tổ chức, ổn định ý thức cho trẻ và sau là phần kiến thức. “Tôi chưa qua đào tạo chuyên nghiệp nên kỹ năng sư phạm chưa có, chương trình học lại ngày một đổi mới nên khó khăn không ít. Tuy nhiên, đó là công việc yêu thích nên tôi luôn tìm tòi và học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm ”, chị Lý chia sẻ.

Chị Lý cũng cho biết, có chị gái là giáo viên tiểu học ở huyện nên thường được giúp đỡ về kiến thức chuyên môn và các tài liệu tham khảo để dạy học, quá trình dạy học cho các em nhờ đó cũng bớt khó khăn hơn. Ngoài ra, có sẵn mạng internet trong nhà, chị Lý luôn tìm tòi những cách giảng, giải quyết bài toán dễ hiểu nhất cho học sinh.

Một điều đặc biệt của lớp học nhỏ này là các em học sinh đều gọi chị bằng cái tên rất đỗi thân thương: “Mẹ Lý” bởi chị không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn gần gũi dạy cho trẻ những điều hay lẽ phải, có khi chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ khi bố mẹ của các em bận bịu công việc.

Chị Phàn chia sẻ: “Cô Lý là một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Cô giúp rất nhiều cho người dân trong vùng nhưng không đòi hỏi đền đáp. Cô không chỉ dạy cho bọn trẻ kiến thức mà còn dạy những bài học đạo đức”.

Phan Xâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tiếp tục phổ biến câu chuyện về ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy kinh tế số nông thôn
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong quý 2.2024, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các câu chuyện về ứng dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế số, xã hội số tại các vùng nông thôn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lớp học đặc biệt của 'mẹ Lý'