Giá gạo thế giới đang biến động khi Ấn Độ và Nga có lệnh cấm xuất khẩu gạo. Giá lúa gạo ở ĐBSCL bắt đầu tăng từng ngày. Nhiều người lo ngại gạo tăng giá sốc và sẽ thiếu nguồn cung. Liệu chuyện này có xảy ra?

Lúa gạo liệu có tăng giá sốc và thiếu nguồn cung?

Văn Kim Khanh | 02/08/2023, 07:00

Giá gạo thế giới đang biến động khi Ấn Độ và Nga có lệnh cấm xuất khẩu gạo. Giá lúa gạo ở ĐBSCL bắt đầu tăng từng ngày. Nhiều người lo ngại gạo tăng giá sốc và sẽ thiếu nguồn cung. Liệu chuyện này có xảy ra?

lua-dbscl.jpg
ĐBSCL quanh năm đều có lúa thu hoạch - Ảnh: Văn Kim Khanh

Anh Huỳnh Văn Giàu, người canh tác 13 công  (1 công =1.000m2) lúa hè thu ở ấp Thạnh Trí, xã Hòa Thạnh (Tam Bình, Vĩnh Long) cho biết: “Năm nay lúa làm ra thương lái mua giành, mua giựt. Lúa thu hoạch xong còn tươi, cân 6.800 -7.000 đồng/kg. Nghe thông tin gạo lúa sẽ tăng giá, tôi sợ sau này lúa gạo khan hiếm, tăng giá. Vì vậy tôi giữ lại lượng lúa đủ để ăn tới Tết”. Không chỉ anh Giàu, nhiều nông dân lo xa, sợ mai mốt gạo lên giá phải giữ lại lúa để phòng khi khan hiếm.

gao-3.jpg
Nhiều điểm bán gạo ở TP.Cần Thơ  giá tăng và bán đắt hàng - Ảnh: Văn Kim Khanh

Không chỉ nông dân lo giá gạo tăng, công chức ở thành thị nghe thông tin cũng mua 1 vài chục ký để ăn và dự phòng. Ông Nguyễn Thanh Hải, người bán quầy gạo Ngọc Hà ở chợ 586 phường Phú An, quận Cái Răng cho biết: “Khoảng 10 ngày nay giá gạo lên nhưng bán rất đắt. Một gia đình mua 20-30 ký, chủ yếu họ vừa ăn vừa dự phòng. Giá gạo tăng trung bình 2.000 đồng/kg so với trước 20.7. Người dân lo xa cũng có lý do, bây giờ thông tin giá gạo tăng rất nhiều trên mạng. Tuy nhiên, giá gạo lên từ từ chứ không tăng giá sốc”.

Tại quầy gạo của ông Hải giá mỗi ký gạo ngày 1.8 được niêm yết như sau: Thơm Thái 18.000 đồng; Thơm Mỹ 18.000 đồng; Lài Thái 20.000 đồng; Nàng Hương mới 17.000 đồng; Một bụi 17.000 đồng; 504 16.000 đồng; Hàm Châu 16.000 đồng...

gao-2.jpg
Trong 10 ngày nay giá gạo tăng trung bình 2.000 đồng/kg - Ảnh: Văn Kim Khanh

Theo thông tin từ ngành công thương, giá lúa gạo thị trường trong nước ngày 1.8 tại tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó giá lúa gạo tại ĐBSCL biến động trái chiều. Tại kho An Giang, giá lúa IR 504 và OM 5451 giảm 100 đồng/kg xuống còn 6.600 – 6.800 đồng/kg. Với lúa nếp, nếp Long An (tươi) ở mức 6.300 - 6.600 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 6.000 - 6.300 đồng/kg.

Giá gạo nguyên liệu, thành phẩm tiếp tục xu hướng tăng. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 11.150 - 11.250 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg. Gạo thành phẩm ở mức 12.800 – 13.000 đồng/kg, tăng 400 – 500 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Nga, gia đình làm 40ha lúa hè thu ở xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết: “Chưa có năm nào nông dân Thoại Sơn làm trúng mùa, trúng giá như năm nay. Năm nay làm 1ha lúa thu hoạch 10 tấn lúa. Giá bán 6.900 đồng/kg trong khi giá đầu tư khoảng 3.000-3.500 đồng/kg. Hiện nhiều giống lúa tươi vụ hè thu đang bán cao hơn cùng kỳ năm trước từ 1.000 – 1.400 đồng/kg.

xu-ly-rom-ra-1.jpg
Thu hoạch lúa Hè Thu ở Châu Thành A, Hậu Giang - Ảnh: Văn Kim Khanh

Cũng theo chị Nga, một số nông dân thấy lúa tăng giá mỗi ngày và tăng liên tục nên không muốn bán, điều này khiến giá lúa gạo liên tục được đẩy lên cao.

Trên thị trường xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 5 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 563 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 543 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn.

Theo Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT, tổng lượng lúa quy gạo được sản xuất ra của Việt Nam trong cả năm 2023 ước đạt trên 26,3 triệu tấn. Như vậy, sau khi trừ đi phần phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân, chăn nuôi và làm giống, thì tổng lượng gạo có khả năng phục vụ cho nhu cầu chế biến xuất khẩu trong năm 2023 ước đạt hơn 9 triệu tấn. Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ NN-PTNT cho rằng, những con số thống kê về tình hình tiêu thụ gạo nêu trên cũng chỉ ở mức tương đối.

Ngày 31.7 Bộ Công Thương có công văn số 5024/BCT-XNK gởi Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thực hiện trách nhiệm quy định về xuất khẩu gạo. Cụ thể, doanh nghiệp, tổng công ty phải thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về xuất khẩu gạo, đảm bảo cân đối giữa dự trữ, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, góp phần bình ổn giá gạo trong nước; các doanh nghiệp và tổng công ty phải báo cáo tồn kho, hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo quy định xuất khẩu gạo tại Nghị định số 107/ 2018/NĐCP;

Chủ động theo dõi thị trường thương mại gạo toàn cầu, trao đổi với Hiệp hội lương thực Việt Nam, kịp thời báo cáo với Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT tình hình liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo thị trường trong nước và quốc tế.

z4566842676427_f85aabafa093d72a66bf2195e66794e3.jpg
Gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời - Ảnh: Internet

Trước tình hình biến động giá cả gạo, ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Sự điều hành chặt chẽ của Bộ Công Thương về xuất khẩu gạo, cộng với việc ĐBSCL liên tục sản xuất lúa 3 vụ/năm, giá gạo có biến động nhưng không nhiều. Chắc chắn sẽ không có xảy ra việc thiếu nguồn cung lúa gạo trong nước cũng như giá tăng sốc. Ngay ở Đồng Tháp hiện nay, chúng tôi có gần 100.000ha lúa sắp thu hoạch trong vụ 3 năm nay. Nhiều tỉnh trong vùng cũng đều canh tác vụ 3. Vì vậy nguồn cung lúa gạo luôn dồi dào”.

Bài liên quan
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lúa gạo liệu có tăng giá sốc và thiếu nguồn cung?