Lý Hoàng Nam đã không thể vượt qua thử thách cuối cùng ở Giải Bangkok Open 1 Challenger 50 khi thua Valentin Vacherot 0-2 (3.6, 6.7) trong trận chung kết. Thế nhưng, với vị trí Á quân, thành tích này đã vượt ngoài mong đợi của người hâm mộ quần vợt Việt Nam dành cho Hoàng Nam.

Lý Hoàng Nam và hành trình Challenger

Đặng Hoàng | 29/08/2022, 09:18

Lý Hoàng Nam đã không thể vượt qua thử thách cuối cùng ở Giải Bangkok Open 1 Challenger 50 khi thua Valentin Vacherot 0-2 (3.6, 6.7) trong trận chung kết. Thế nhưng, với vị trí Á quân, thành tích này đã vượt ngoài mong đợi của người hâm mộ quần vợt Việt Nam dành cho Hoàng Nam.

Cần biết rằng, chưa có tay vợt Việt Nam nào có được trận thắng ở các giải Challenger. Thậm chí, việc có mặt ở vòng đấu chính thức hệ thống giải Challenger dù là thấp nhất, Challenger 50, là nhờ các tay vợt Việt Nam nhận được suất đặc cách. Nói cách khác, trình độ cao nhất của các tay vợt Việt Nam từ trước đến nay chỉ đủ để tham gia vòng loại Challenger 50.

Nói như thế để thấy và hiểu được năng lực của Hoàng Nam khi đủ chuẩn tranh tài ở vòng đấu chính thức rồi vào đến trận chung kết Challenger 50.

Tốt nghiệp M15 để lên Challenger

M15 là giải thấp nhất trong hệ thống quần vợt chuyên nghiệp và thuộc hệ thống thi đấu của ITF (Liên đoàn quần vợt quốc tế). Chính xác hơn là M15 thấp hơn M25 và giá trị giải của ITF vẫn thấp hơn giải thuộc hệ thống ATP (Hiệp hội quần vợt nhà nghề).

Để dễ hiểu hơn, chúng ta làm phép tính: Nam vô địch 2 giải M15 được 30 điểm thưởng, số điểm cũng chỉ bằng thành tích có mặt ở trận chung kết Challenger 50.

Thế nhưng, chính nhờ thành tích 7 danh hiệu vô địch Giải quần vợt M15 từ tháng 10.2021 đến tháng 7.2022, cùng số điểm tích lũy được trong quãng thời gian này đã giúp Lý Hoàng Nam nhảy từ vị trí 965 ATP với 13 điểm lên hạng 330 ATP với 139 điểm.

Nhờ đạt được thành tích này, Hoàng Nam đã đủ chuẩn tham dự vòng đấu chính thức Bangkok Open 1 Chanllenger 50. Thế nhưng Nam chưa đủ chuẩn nằm trong danh sách 8 tay vợt hạt giống, hoàn toàn khác khi Hoàng Nam là hạt giống số 1 ở cả 3 giải M15 Hải Đăng được tổ chức trong tháng 6.2022 ở Tây Ninh và Hoàng Nam vô địch cả 3 giải này.

Từ những con số trên mới thấy sự cách biệt không nhỏ giữa M15 với Challenger 50, và cũng từ những con số này đã cho thấy: Hoàng Nam đã tốt nghiệp M15 và đã đến lúc Hoàng Nam chinh phục tầm cao mới… Challenger!

lyhoangnam.jpg
Lý Hoàng Nam tại giải Bangkok Open 

Hoàn thiện toàn diện nếu muốn thành công ở Challenger

Nhắc để nhớ lại những con số trên con đường phát triển của Hoàng Nam từ M15 lên Challenger 50, để chúng ta hiểu rằng: loại hai hạt giống số 8 và số 1 ở vòng 1/16 và tứ kết rồi vào chung kết Bangkok Open 1 là kết quả vượt ngoài năng lực thật của Hoàng Nam. Nói đúng từ của thể thao thì đó là kết quả bất ngờ và chưa phản ánh đúng trình độ thật của Hoàng Nam.

Trận chung kết, đối mặt với Valentin Vacherot không phải là tay vợt hạt giống và có thứ hạng thấp hơn Nam 11 bậc (300 so với 289), nhưng Nam thua toàn diện Valentin từ giao bóng, khả năng đánh trên lưới cũng như là cuối sân. Các cú đánh thuận tay cũng như trái tay của Nam không uy lực bằng Valentin, do đó gần như lối đánh của Nam bị động trước Valentin, từ đó Nam luôn phải di chuyển nhiều hơn khi Valentin đánh bóng sâu, mạnh ở hai góc, khác với Nam chỉ có thể trả bóng ngắn do thiếu lực.

Tuy nhiên, ở ván 2, Nam 2 lần bẻ bàn giao bóng của Valentin và chỉ chịu thua Valentine ở loạt tie-break nhờ Nam quyết định chủ động đánh mạnh, đánh sâu ra hai góc sân, riêng phía trái tay của Valentin, Nam vừa trả bóng mạnh vừa có độ xoáy đưa bóng nảy cao buộc Valentin phải di chuyển và mất nhiều sức hơn khi đánh trả bóng tầm cao.

Với lối đánh này, Nam gây khó cho Valentin nhiều hơn nhưng vẫn chưa đủ đánh bại được Valentin vì những cú đánh của Nam chưa đủ mạnh và chưa đạt được điểm rơi như mong muốn.

Phân tích trận chung kết để thấy rằng, nếu muốn chinh phục tầm cao mới ở Challenger, nói thẳng ra là muốn thắng những tay vợt trình độ cao, thì Nam phải hoàn thiện toàn diện từ uy lực, điểm rơi giao bóng cho đến những cú đánh thắng điểm hoặc trả bóng phòng ngự vừa mạnh lại vừa đều, ít tự đánh hỏng.

***

Một chi tiết đáng lưu ý: thi đấu liên tiếp 3 giải M15 trong 3 tuần dưới thời tiết nắng, nóng gay gắt ở Tây Ninh, thế mà Nam chưa một lần than mệt. Nhưng khi thi đấu ở Bangkok Open 1, sau mỗi trận đấu ở giải này, Nam đều mệt mỏi.

Thực tế này phản ánh, thể lực của Nam chưa đủ thi đấu ở Challenger. Cần biết rằng, khi không đủ thể lực sẽ ảnh hưởng đến lối chơi, thành tích thi đấu, bất chấp các tay vợt có bản lĩnh, có ý chí cũng như là có cả tinh thần quyết đấu của một chiến binh.

***

Từ 29.8 đến 4.9, Hoàng Nam sẽ tham gia tiếp giải Bangkok Open 2 và Nam vẫn chưa đủ trình độ trở thành tay vợt hạt giống. Chính vì vậy, với lá thăm không thuận lợi, ngay trận đầu tiên vòng 1/16, Nam sẽ gặp hạt giống số 3 Yasutaka Uchiyama từng xếp hạng 78 ATP. Yasutaka là hạt giống số 2 và đã vào đến bán kết ở Bangkok Open 1.

Đây sẽ là thử thách rất lớn dành cho Hoàng Nam trên con đường dần hoàn thiện khả năng thích ứng và đủ trình độ chinh phục tầm cao Challenger.

Hệ thống Challenger gồm các giải từ thấp đến cao là: 50, 80, 90, 100, 110 và 125. Lên cao hơn nữa là ATP: 250, 500, 1.000; ATP Final (1.500), cuối cùng là Grand Slam (2.000). Những con số gắn với giải là số điểm thưởng dành cho nhà vô địch

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý Hoàng Nam và hành trình Challenger