Muốn phát triển bền vững thì xin đừng biến Lý Sơn thành một đô thị hiện đại, đừng thêm resort, đừng thêm khách sạn 4, 5 sao và đừng khiến cộng đồng bản địa mất bản sắc. Phải thay đổi cách tiếp cận làm du lịch, không cần tăng lượt khách, không cần tăng cơ sở lưu trú, nhưng doanh thu vẫn tăng, thuế vẫn thu đủ và cộng đồng bản địa phải được hưởng lợi. Xin đừng theo “vết chân” Sa Pa (Lào Cai), Bản Lác (Hoà Bình) hay kể cả một bản quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng) gây nhiều tranh cãi…
Liên quan đến việc chính quyền Quảng Ngãi đồng ý với đề xuất làm khu resort rộng 70 ha cả phần trên bờ và mặt biển ở đảo tiền tiêu Lý Sơn đang gây quan ngại trong dư luận, Báo điện tử Một Thế Giới nhận được bài viết của PGS.TS. Võ Văn Minh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Trưởng nhóm Nhóm Nghiên cứu - Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật, Đại học Đà Nẵng (DN-EBR) phân tích về những bất cập hiện nay đảo Lý Sơn đang đối mặt và những cảnh báo đến giới quản lý.
>> Cho làm resort ở Lý Sơn: nhìn từ 2 phía
PGS.TS. Võ Văn Minh - Ảnh: Lê Đình Dũng
Đảo Lý Sơn đã hình thành từ hàng triệu năm, người dân xuất hiện trên đảo cũng khoảng trên 400 năm, nhưng có lẽ người dân Việt Nam biết nhiều đến hòn đảo này cũng chừng 10 năm trở lại đây, khách du lịch quan tâm đến hòn đảo xinh đẹp này cũng chừng 5 năm trở lại. Tuy nhiên, cái xứ sở ít người biết đến cũng buồn, nhưng có khi càng quan tâm thì càng thêm lo ngại! Lý Sơn giờ đây có lẽ vui cũng có, nhưng lo cũng nhiều.
Niềm vui liên tục về với “vương quốc tỏi” trong những năm gần đây
Cách đây chừng chục năm, tỉnh Quảng Ngãi chủ trương phát triển du lịch ở Lý Sơn, nhưng có lẽ chỉ có mấy năm trở lại đây, Lý Sơn mới được nhắc đến trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Lý Sơn càng được quan tâm kể từ tháng 9.2014 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ấn nút khánh thành dự án cấp điện quốc gia bằng hệ thống cáp ngầm xuyên biển; rồi đến tháng 2.2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra thăm và làm việc.
Cũng lạ, đã rất lâu chẳng ai quan tâm, vậy mà kể từ độ ấy, bao nhiêu sự kiện dồn dập đổ về, từ các sinh hoạt chính trị của Đoàn Thanh niên đến các hội thảo, hội nghị các cấp, các ngành… Từ đó kéo theo lượng khách du lịch đến Lý Sơn liên tục tăng lên.
Nếu như năm 2007, chỉ có 2.071 lượt, thì đến năm 2014 tăng lên 36.500 lượt, năm 2015 lên tới 45.000 lượt và vừa rồi số liệu đến tháng 8.2017 đã lên đến 210.000 lượt (tăng gần 50% so với năm 2016).
Đúng là tin vui cho Lý Sơn liên tục được báo giới đưa tin, từ chủ trương đầu tư phát triển đến công tác phát triển cán bộ... Lý Sơn đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm “đầu tư” 1 bí thư trẻ; đầu tư xây dựng công viên địa chất toàn cầu… là những chủ trương đầu tư thích hợp và có tính chiến lược.
Như một định hướng có tính “đột phá”, đầu năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có chủ trương mời chuyên gia Nhật Bản tư vấn lập quy hoạch huyện đảo Lý Sơn để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trong khi chờ đợi bản quy hoạch chiến lược ấy, bất ngờ cuối năm 2017 có thông tin sắp đưa tỏi Nhật vào “vương quốc tỏi” gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, sau đó chừng một tháng, lần nữa Lý Sơn lại đón tin vui. Lần này là tin tỏi Nhật sẽ không có ý định “xâm lấn” loài tỏi bản địa Lý Sơn nữa, sau khi “cầu thị”, lắng nghe ý kiến phản biện.
Nỗi lo “xâm hại” cộng đồng bản địa
Với sự gia tăng “đột biến” lên đến hàng trăm ngàn khách du lịch mỗi năm cùng hàng trăm “du khách” tìm cơ hội đầu tư trên hòn đảo chưa tới 10 km2 này, khiến cộng đồng bản địa không thể không lo lắng.
Lý Sơn là một hệ sinh thái có tính đặc thù cao, nằm độc lập với đất liền, chỉ có chưa đầy 10 km2 mà có đến 22.000 dân, nay tiếp tục gánh thêm hàng trăm ngàn du khách thì rõ ràng rằng áp lực về tài nguyên, môi trường và cả văn hóa truyền thống của cộng đồng khó mà giữ được.
Trong các loại tài nguyên, có lẽ tài nguyên nước ngọt sẽ là áp lực lớn nhất mà Lý Sơn phải đối mặt. Lượng nước ngọt ở Lý Sơn chủ yếu được tích trữ từ nước mưa vào lòng đất. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lượng mưa ngày càng ít đi, rừng cơ bản không còn nữa; ngược lại ngoài cung cấp cho sinh hoạt còn phải cung cấp cho sản xuất hành tỏi với một lượng cũng không hề nhỏ.
Trước đây chưa có điện, khai thác nước cũng còn hạn chế, nay điện đã về khai thác nước càng nhiều hơn. Người dân địa phương cũng sử dụng nước ít hơn du khách… Số giếng khoan gia tăng đồng nghĩa với mực nước ngầm giảm, kéo theo xâm nhiễm mặn cũng ngày càng nhiều hơn.
Với khoảng trên 300 ha đất nông nghiệp chủ yếu trồng hành tỏi và các cây thực phẩm ngắn ngày; với phương thức canh tác truyền thống, tưới tiêu lãng phí, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật thiếu kiểm soát, chắc chắn vấn đề môi trường không thể nào tránh khỏi đối với nước mặt, nước ngầm và môi trường đất.
Điều rất đáng báo động là lượng rác thải liên tục gia tăng, hiện chưa có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả… sẽ tác động rất lớn đến hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước. Tình trạng khai thác cát cho các mục đích nông nghiệp và xây dựng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.
Bên cạnh đó, vấn đề ít thấy bằng mắt thường là nếu như môi trường biển bị ô nhiễm, khai thác cát, kè xây dựng, đánh bắt bằng thuốc nổ vẫn tiếp tục diễn ra… sẽ làm hủy hoại hệ sinh thái san hô xung quanh đảo, từ đó tiềm ẩn một bi kịch rất lớn trong tương lai. San hô phát triển ngoài việc giúp duy trì đa dạng sinh học, cung cấp tài nguyên hải sản còn giúp bảo vệ bờ móng cho đảo vững chắc với thời gian.
Về môi trường xã hội, có thể nói cộng đồng bản địa ở Lý Sơn có một bản sắc riêng, quen với sự yên bình và xem biển như nhà. Tinh thần bám biển của người dân Lý Sơn, nhất là với khu vực Trường Sa, Hoàng Sa chắc chẳng nơi nào trong nước ta sánh nổi. Một kho báu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Lý Sơn cũng thuộc hàng quốc gia, được gìn giữ đến ngày nay chắc cũng nhờ ít bị tác động bởi các cộng đồng “ngoại lai” nhất. Giờ đây, mọi thứ đang đứng trước một thách thức vô cùng lớn bởi sự quan tâm, can thiệp từ bên ngoài, chắc chắn rằng cộng đồng bản địa Lý Sơn sẽ không tránh khỏi “sốc” và nếu không cẩn thận sẽ bị biến đổi rất nhanh chóng và rất khó có kể khôi phục.
Mấy ngày gần đây, Lý Sơn lại tiếp tục được cộng đồng quan tâm về việc lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ‘thống nhất về chủ trương’ cho phép Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam đầu tư dự án resort, khách sạn và thương mại tại khu vực tập trung nhiều danh lam, thắng cảnh của đảo Lý Sơn như chùa Hang, Cổng Tò Vò, miệng núi lửa Thới Lới… trên tổng diện tích khoảng 20 ha.
Có lẽ đây chỉ mới còn là một ý tưởng, nhưng cho dù chỉ là ý tưởng cũng đã nhận thấy “Kho báu Lý Sơn” rất mong manh. Rủi ro không đơn giản nằm ở những dự án, những hành động mà rủi ro đã tiềm ẩn ngay từ trong các ý tưởng!
Phát triển Lý Sơn như thế nào cho hợp lý
Chắc chắn câu trả lời mà lãnh đạo nào cũng biết, cũng nói là phát triển bền vững, nhưng ưu tiên cái gì và thực hiện như thế nào còn tùy thuộc trách nhiệm và viễn kiến của từng người. Cách cắt nghĩa chung và dễ hiểu nhất, phát triển bền vững là phát triển cân bằng giữa 3 mục tiêu Kinh tế - Xã hội - Môi trường.
Với Lý Sơn hiện đã có khu bảo tồn biển và đang xây dựng Công viên địa chất toàn cầu. Vậy chỉ cần hiểu đúng, thực hiện đúng với mục tiêu và quy định về những khái niệm đó, chắc chắn sẽ đi đúng hướng phát triển bền vững.
Xác định kinh tế Lý Sơn là du lịch là hợp lý rồi, nhưng không phải du lịch chạy theo số lượt khách/năm và năm sau cao hơn năm trước. Du lịch Lý Sơn chắc chắn phải gắn với biển, với nghề thủy sản, với thương hiệu tỏi, với văn hóa bản địa.
Cần khẳng định luôn rằng muốn phát triển bền vững thì xin đừng biến Lý Sơn thành một đô thị hiện đại, đừng thêm resort, đừng thêm khách sạn 4, 5 sao và đừng biến cộng đồng bản địa mất bản sắc. Phải thay đổi cách tiếp cận làm du lịch, không cần tăng lượt khách, không cần tăng cơ sở lưu trú, nhưng doanh thu vẫn tăng, thuế vẫn thu đủ và cộng đồng bản địa phải được hưởng lợi. Xin đừng theo “vết chân” Sa Pa (Lào Cai), Bản Lác (Hoà Bình) hay kể cả một bảng quy hoạch tổng thể du lịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng) gây nhiều tranh cãi…
Tự nhiên đã ban tặng cho Việt Nam nhiều đảo, mỗi đảo có 1 nét đặc thù gắn với đặc điểm hình thành và phát triển riêng. Với sự hình thành từ núi lửa phun lên từ lòng biển, tạo hóa đã vẻ nên một Lý Sơn tuyệt đẹp; cùng với những nguyên tố vi lượng trong dung nham hòa vào trong cát san hô đã tạo nên cho tỏi Lý Sơn một hương vị đặc biệt với nhiều dược chất quý.
Bên cạnh những giá trị thiên nhiên quý giá đó, Lý Sơn còn được biết bởi nơi đây còn lưu lại rất nhiều tài sản vô giá, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học về chủ quyền quốc gia. Xin đừng vì những giá trị “chói lòa” trước mắt mà đánh mất các giá trị thiêng liêng, để rồi phải trả với cái giá quá đắt ở tương lai!
PGS.TS. Võ Văn Minh (Trưởng nhóm DN-EBR)