Nhân đọc cái tản văn “Bèo Nhật” trong Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài (tập 2, NXB Trẻ, 2004, trang 148) mới biết “...bèo tây có mấy tên. Mới đầu là sen Nhật Bản, rồi bèo Nhật Bản, bèo Nhật, sau cùng là bèo tây. Ở miền Nam gọi là lục bình... Gọi là bèo tây vì thói quen của người ta: cái gì nơi khác mang đến là của nước khác: vịt xiêm, mãng cầu xiêm, dứa tây, hành tây, bèo tây...”.

Lý thú từ ghép chứa định ngữ 'xiêm, tây, tàu'

26/04/2018, 13:09

Nhân đọc cái tản văn “Bèo Nhật” trong Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài (tập 2, NXB Trẻ, 2004, trang 148) mới biết “...bèo tây có mấy tên. Mới đầu là sen Nhật Bản, rồi bèo Nhật Bản, bèo Nhật, sau cùng là bèo tây. Ở miền Nam gọi là lục bình... Gọi là bèo tây vì thói quen của người ta: cái gì nơi khác mang đến là của nước khác: vịt xiêm, mãng cầu xiêm, dứa tây, hành tây, bèo tây...”.

Là do vật phẩm có nguồn gốc từ đâu, thì ghép tên xứ đó để gọi.

Từ chuyện xiêm

Quả nhiên, theo từ điển thì “Xiêm” là tên nước Thái Lan ngày nay, còn gọi là Xiêm La, là quốc hiệu của Thái Lan trong lịch sử, bắt nguồn từ tiếng Anh Siam. Hiện nay tên “Vương quốc của người Thái” (Ratcha Anachak Thai) đã thay thế cho tên gọi Xiêm ngày trước.

Tìm hiểu thêm thì được biết, nhiều vật phẩm của nước Xiêm thời bấy giờ du nhập vào Việt Nam theo con đường người lao động nước ta thuở ấy tha phương cầu thực sang Xiêm mang về. Cũng có tư liệu cho rằng nhiều sản vật là cống phẩm của nước Xiêm La cho triều đình nước ta dưới thời phong kiến. Điểm lại thấy có khá nhiều tên đồ vật, cây trái, con vật có gắn với định ngữ xiêm, ngoài hai thứ nhà văn Tô Hoài đã kể ở trên là vịt xiêm, mãng cầu xiêm, còn vô số sản vật khác kèm từ xiêm như: dừa xiêm, hồng xiêm, ớt xiêm, chuối xiêm, khoai xiêm, v.v.

Về khoai xiêm (củ sắn/khoai mì), tác giả Ngô Phú Thiện cho rằng xuất xứ giống khoai nổi danh đất Tam Kỳ này lưu lạc từ xứ Xiêm la về đây, theo chân đoàn tù binh quân Xiêm bại trận, bị bắt giải về Quảng Nam, sau chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút lẫy lừng lịch sử của nhà Tây Sơn.

Hoặc một số loài vật như mèo xiêm, chó xiêm, cá xiêm (cá lia thia xiêm/cá chọi xiêm) vốn đều được thuần dưỡng lâu đời ở Thái Lan rồi sau đó lan ra khắp thế giới, nên tên gọi mới gắn với định ngữ “xiêm”.

Món ăn xôi xiêm cũng có nguồn gốc từ Thái Lan và được du nhập vào miền Tây nước ta trong những năm 70 của thế kỷ trước bởi một người Việt gốc Thái, là một loại xôi trắng được nấu chung với nước cốt dừa, ăn kèm với hỗn hợp nước cốt dừa, lòng đỏ trứng, đường và bột được nấu đến khi quyện lại. Có nhiều loại cây trái nước ta chưa có thì khi chúng được di thực vào xứ ta như sầu riêng, măng cụt,... không gắn thêm định ngữ về xuất xứ.

Hiện nay, các sản vật của xứ sở chùa vàng vẫn tiếp tục du nhập vào nước ta, nhưng không còn gắn với định ngữ “xiêm” nữa mà chuyển qua định ngữ “Thái”, như: chè Thái, lẩu Thái, xoài Thái, bưởi Thái, mít Thái, dép tông Thái, nhà mái Thái,...

Đến chuyện tây, tàu

Bên cạnh những từ ngữ kèm định ngữ “xiêm” như vừa nêu trên, trong từ vựng nước ta có khá nhiều từ ghép chứa định ngữ hạn định “tây”, “tàu”.

Trong tiếng Việt, từ tây ngoài nhiều nghĩa khác như chỉ phương hướng, chỉ người Pháp, người châu Âu hay người da trắng, còn là một tính từ chỉ “Theo kiểu phương Tây, hoặc có nguồn gốc từ phương Tây; đối lập với ta”. Có thể kể ra vô vàn sản vật kiểu này như: khoai tây, dưa tây, dâu tây, bèo tây, hành tây, tỏi tây (boa-rô - poireau), đậu tây, me tây, hoa huệ tây (loa kèn), táo tây, chuối tây, gà tây, chó tây, quần tây, bánh tây,...

Người Việt ta thường hay gọi chung các loại bánh với nguyên liệu chính là bột mì và nướng trong lò nướng là bánh tây, như: bánh mì, bánh bông lan, pa-tê-sô (paté chaud), xăng-uých (sandwhich), ga-tô (gâteau), hăm-bơ-gơ (hamburger), bích-quy (biscuit ),...

Quần tây/quần âu là một loại trang phục thông dụng hiện nay. Trước khi quần tây du nhập vào nước ta, người Việt mặc quần luồn thun hoặc luồn sợi dây rút rồi buộc lại ở đằng trước.

Ngoài ra, người Pháp còn du nhập sang nước ta nhiều sản vật khác như dầu tây (dầu lửa), thùng sắt tây (thùng thiếc), thuốc tây, giày tây,...

Tương tự như các tên vật phẩm gắn với định ngữ “tây”, có khá nhiều từ vựng gắn với định ngữ “tàu”. Nghĩa của tính từ “tàu” đứng sau trong các từ ghép là để chỉ những thứ có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc theo kiểu Trung Quốc như mực tàu, táo tàu, trà tàu, chè tàu, (thịt) kho tàu, bún tàu, rau mùi tàu,...

Mực tàu là loại mực màu đen, đóng thành thỏi, dùng mài vào nước để viết chữ Hán bằng bút lông hoặc để vẽ. Nhiều người cho rằng vì nó xuất xứ từ Trung Quốc nên có tên gọi mực tàu, nhưng khá lý thú khi người Anh lại gọi nó là mực Ấn Độ (Indian ink).

Trà tàu là loại trà sản xuất từ búp chè không ủ lên men, cánh nhỏ, nước xanh, có hương thơm, nguyên sản xuất ở Trung Quốc.

Táo tàu, loại táo quả nhỏ, thường phơi khô, dùng ngâm rượu, làm mứt hoặc kèm theo trong thang thuốc bắc.

Cây mùi tàu là loại cây gia vị và làm thuốc, tuy mang tên vậy nhưng nó lại có nguồn gốc từ châu Mỹ.

Bún tàu, một loại thực phẩm thông dụng ở miền Nam có dạng sợi, tiết diện tròn, khác với sợi miến (miền Bắc) có tiết diện vuông, đường kính sợi bún tàu thường nhỏ hơn so với sợi miến.

Riêng cái vụ thịt kho tàu thì còn lấn cấn chút đỉnh, vì bên cạnh quan niệm thịt kho tàu là kho theo kiểu Trung Quốc, còn có ý kiến chưa tán đồng. Theo nhà văn Nam bộ Bình Nguyên Lộc thì kho tàu là kho lạt (nhạt), món này không phải là thịt kho của người Trung Hoa, theo kiểu Trung Hoa vì dân Tàu ít người ăn món này.

Cây chè tàu/trà cọc rào là một loại cây không uống được, thường trồng làm hàng rào ở miền Trung và Nam bộ, nguồn gốc di thực từ Trung Hoa.

Về vấn đề chính tả, có phải viết hoa hay không: hồng Xiêm/hồng xiêm, mực Tàu/ mực tàu, khoai Tây/khoai tây?

Như ta đã biết, trong quy tắc viết hoa tiếng Việt hiện đang tồn tại quy ước “riêng hóa danh từ chung” thể hiện qua một số trường hợp nhằm biểu lộ sự trân trọng như: Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam),... đồng thời ngược lại cũng tồn tại xu hướng “chung hóa danh từ riêng”, nên trong trường hợp các từ ngữ như trên và tương tự - theo quan điểm của chúng tôi - ngoại trừ một số trường hợp cá biệt cần thiết viết hoa như muay Thái, quyền Anh, bắp Mỹ, dép Nhật, thì nên viết thường: gà tây, ngò tàu, vịt xiêm,...

Cuối cùng, cũng cần biết rằng, hiện có nhiều sản vật đồng thời mang nhiều tên gọi, bao gồm cả từ địa phương và từ toàn dân, trong đó có tên kèm định ngữ hạn định vừa tây, vừa tàu hoặc vừa tây vừa xiêm mà chưa rõ nguồn gốc xuất xứ chính thức của nó là từ đâu như ngò gai/ngò tây/mùi tàu; chuối mốc/chuối sứ/chuối tây/chuối xiêm; mãng cầu gai/mãng cầu xiêm/mãng cầu tây;...

Đỗ Thành Dương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý thú từ ghép chứa định ngữ 'xiêm, tây, tàu'