Trước việc Bộ NN&PTNT cấp giấy xác nhận cho một số loại bắp biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phát biểu của Viện trưởng Viện Di truyền NN trên báo chí làm không ít người tiêu dùng giật mình: “Ở Việt Nam chúng ta đã dùng sản phẩm cây trồng biến đổi gene (bắp, đậu nành) hàng chục năm nay mà chưa ai nhức đầu, đau bụng cả”.

Mập mờ dán nhãn biến đổi gene: Người tiêu dùng thành 'chuột bạch'?

Một Thế Giới | 27/08/2014, 06:00

Trước việc Bộ NN&PTNT cấp giấy xác nhận cho một số loại bắp biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phát biểu của Viện trưởng Viện Di truyền NN trên báo chí làm không ít người tiêu dùng giật mình: “Ở Việt Nam chúng ta đã dùng sản phẩm cây trồng biến đổi gene (bắp, đậu nành) hàng chục năm nay mà chưa ai nhức đầu, đau bụng cả”.

Chẳng biết loại nào biến đổi gene, loại nào không

Chị Thu Thủy, nhân viên bán bảo hiểm, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết, do lo ngại nguồn sữa đậu nành trên thị trường không đảm bảo vệ sinh nên chị thường tự mua đậu nành hạt về làm sữa. “Tôi hoàn toàn không biết hạt đậu mình mua về có là sản phẩm biến đổi gene hay không vì hỏi nguồn gốc thì người bán cũng không biết”. 
Chị Thanh Thảo (P.5, Q.Gò Vấp) thắc mắc: “Những loại thịt nhập mà chúng tôi chọn mua, liệu có phải là từ động vật ăn thực phẩm biến đổi gene?”.
Tại nhiều cửa hàng, sạp chợ TP.HCM bán đậu nành, hầu hết những điểm người viết khảo sát đều cho biết họ đang bán đậu nành Mỹ và Ấn Độ, giá bán lẻ dao động từ 30.000-34.000 đồng/kg tùy loại. Chị Chi, chủ cửa hàng gạo trên đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) cho biết, đậu phộng, đậu xanh… còn có hàng trong nước chứ đậu nành lâu nay đa phần là hàng nhập.
Vậy liệu các giống cây trồng biến đổi gene đã ra đến các vùng trồng của Việt Nam hay chưa? 
TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM khẳng định chắc chắn là chưa vì trong nhiều năm làm khảo nghiệm các giống cây này, đơn vị phụ trách quản lý gắt gao tới từng hạt giống. 
“Lượng hạt giống nhập về, sử dụng bao nhiêu, đến khi thu hoạch giữ lại bao nhiêu để làm mẫu. Còn lại sẽ đem luộc tiêu hủy, ngay cả phần thân, lá cây cũng phải đốt thành tro, tránh tuyệt đối phát tán ra môi trường nên không thể có chuyện cây biến đổi gene đã được trồng đại trà…”, TS Xô nói.
Quản lý lỏng lẻo
Dù quy trình thử nghiệm giống biến đổi gene theo TS Xô là hết sức gắt gao, nhưng theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi, việc quản lý các sản phẩm biến đổi gene hết sức lỏng lẻo. 
Về lý thuyết, trước nay Bộ NN&PTNT cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gene, thực tế trên thị trường chưa thấy sản phẩm nào dán nhãn thực phẩm biến đổi gene, trừ một số cửa hàng thực phẩm Nhật có gắn nhãn “thực phẩm không biến đổi gene”. 
Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam lại có hàng triệu tấn bắp, đậu nành, cải dầu… nhập từ các nước sử dụng cây trồng biến đổi gene. Loại thực phẩm này từ lâu đã len lỏi vào bữa ăn của người Việt. 
Trong năm 2013, Việt Nam nhập 2,19 triệu tấn bắp; 1,3 triệu tấn đậu nành. 90% số bắp và đậu nành nhập khẩu là từ Brazil, Mỹ, Argentina, Ấn Độ - có diện tích cây bắp, cây đậu nành BĐG lớn nhất thế giới. Đó còn chưa kể hàng trăm ngàn tấn thịt (gà, bò, heo…) được nhập từ các quốc gia cho phép sử dụng thực phẩm biến đổi gene làm thức ăn chăn nuôi. 
Theo một doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai, việc nhập các sản phẩm trên hoàn toàn theo đường chính ngạch. “Trước nay chưa thấy có quy định về quản lý thực phẩm biến đổi gene dùng làm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm này hoàn toàn không được phía Việt Nam quản lý mà chỉ dựa trên xác nhận của nước xuất khẩu”.
Tại sao cấm mà vẫn nhập? Bộ không thể nói là không biết vì rõ ràng Cục Chăn nuôi cũng khẳng định rằng nước ta đã sử dụng bắp, đậu nành biến đổi gene nhập khẩu cả chục năm nay.

Cần minh bạch vì quyền lợi người tiêu dùng

Theo GS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, các nghiên cứu tác động trực tiếp từ cây trồng biến đổi gene đối với người sử dụng trực tiếp hay gián tiếp vẫn đang được nhiều nước tiến hành. 
TS Leo Gonzales, chuyên gia trong lĩnh vực cây trồng biến đổi gene tại Philippines cho biết, hiện ở Việt Nam vẫn có những nghi ngại về sự mất an toàn của những giống cây trồng biến đổi gene. Nhà nước nên để sản phẩm biến đổi gene tồn tại song song với sản phẩm canh tác truyền thống, nhưng bắt buộc phải để nhãn mác rõ ràng là sản phẩm có biến đổi gene hay không, để người tiêu dùng quyết định sử dụng hay không sử dụng. 
Đây cũng là mong muốn của người tiêu dùng, như ý kiến của chị Thu Thủy: “Khi lợi hại của thực phẩm biến đổi gene còn đang được cân nhắc, có phải người tiêu dùng chúng tôi đang bị biến thành… “chuột bạch”? Thị trường đã có thực phẩm biến đổi gene thì sao không có chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm để chúng tôi có quyền lựa chọn, không thể “ép” chúng tôi sử dụng như vậy được”.
>> Chấp nhận cây trồng biến đổi gen: đã đến lúc nông dân làm ít "ăn" nhiều ?
Thư Hùng/PNO
Map mo dan nhan bien doi gene: Nguoi tieu dung thanh  chuot bach ?
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mập mờ dán nhãn biến đổi gene: Người tiêu dùng thành 'chuột bạch'?