Anh Nguyễn Chí Tâm (45 tuổi, ở P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) than thở, có khi nguyên cả tuần, bữa cơm gia đình thiếu những miếng thịt heo.

Miền Tây Nam Bộ cũng thèm thịt heo

04/01/2020, 08:12

Anh Nguyễn Chí Tâm (45 tuổi, ở P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) than thở, có khi nguyên cả tuần, bữa cơm gia đình thiếu những miếng thịt heo.

Sống với ‘bão giá’ thịt heo, người dân quay sang mua cá khiến các tiểu thương kêu trời vì bán ế - Ảnh: Tô Văn

Quen bữa cơm với miếng thịt heo, giờ ngậm ngùi… nhớ

Anh Tâm cho biết, mỗi ngày vợ anh phải đi chợ nấu ăn 2 bữa trưa - chiều, cho gia đình 4 người trong hạn mức 200.000 đồng. Sáng qua, anh cùng vợ tính mua khoảng nửa ký thịt đùi (heo) cho món mặn, thêm một ít tôm, tép hoặc trứng, rau củ cho món xào hoặc canh. Để mọi người đỡ ngán, vợ chồng anh mua thêm thịt gà hoặc cá làm món chính cho bữa chiều và tận dụng nốt thịt heo còn lại từ bữa trưa…

Với thu nhập khoảng hơn 15 triệu đồng/tháng của 2 vợ chồng, ở cùng ba mẹ chồng và đứa con trai, vợ chồng anh Tâm không nhận nhà mình khá giả, nhưng cũng chưa bao giờ bị rơi vào cảnh sống trong bão giá thịt heo như bây giờ.

3 - 4 tháng trước, khi 1kg thịt heo loại ba rọi giá 75.000 đồng, sườn heo 120.000 đồng, vợ anh đi chợ rất dễ dàng. Cho đến 1 buổi sáng giữa tháng 10, khi các quầy bán thịt cảnh báo “Nay thịt heo lên giá rồi em nhé”, vợ chồng anh bắt đầu lo lắng. Thịt heo hôm ấy, từng bộ phận như tim, gan, sườn… đều tăng thêm từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Khi thu nhập của 2 vợ chồng không tăng, giá thịt heo đã liên tục tăng từ tháng 10 đến nay. Từ 90.000 đồng giữa tháng 10, giá sườn non ở chợ Mỹ Quý gần nhà lên tới 210.000 đồng/kg, vào giữa tháng 12 giá sườn có lúc lên tới đỉnh điểm gần 300.000 đồng/kg. Việc thịt heo tăng đột biến khiến bà nội trợ phải đau đầu nghĩ cách xoay xở.

Vì thế, hai vợ chồng anh Tâm giảm lượng thịt heo đi một nửa, đứa con trai được giữ nguyên khẩu phần, 4 người lớn chủ động ăn ít và ăn các món khác. “Người lớn ăn không nhiều, nhưng con trai tôi đang tuổi ăn học, cần rất nhiều chất dinh dưỡng vì thế khẩu phần ăn của nó phải có thịt heo”, anh Tâm bộc bạch.

Khi tăng thêm tiền đi chợ để đảm bảo lượng đồ ăn như trước là chuyện làm hết sức bất đắt dĩ của 2 vợ chồng. Nhưng hiện tại giá thịt heo đến thời điểm này là “không khả thi” nên vợ chông anh Tâm quay sang mua gà (công nghiệp), cua, cá và liên tục đổi cách chế biến, nhưng chỉ được đôi ba bữa, mọi người trong gia đình không hứng thú, ăn ít đi. “Thịt heo là ngon nhất, quen khẩu vị rồi”, anh Tâm nói.

Heo bệnh phải tiêu hủy từ nhiều tháng trước, và người dân thắc mắc: vì sao nhà nước không tính chuyện tái đàn từ trước, hoặc tính phương án nhập thịt, để heo khan hiếm, tăng giá như hiện nay - Ảnh: Tô Văn

Khi chợ Xẻo Trôm (P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên) bắt đầu thưa người mua bán, thì cô giáo Trần Tô Kim Phượng (29 tuổi) lúc này cũng về tới nhà, đi chợ nấu cơm cả ngày cho cả gia đình gồm 5 người. Với gia đình cô giáo Phượng thì thịt heo là lựa chọn tối ưu, bởi trước giờ rẻ và chắc bụng.

Chỉ cần thịt kho mặn, thêm mấy đĩa rau xào và dăm ba cọng đậu que, hoặc vài miếng tàu hũ chiên là mỗi người trong gia đình ăn được 2-3 chén cơm. Nhưng từ khi xuất hiện “bão giá” thịt heo, thì tiền lương cô Phượng eo hẹp lại không có dư để dành.

“Tôi không muốn mọi người ăn ít, hay thiếu chất dinh dưỡng, gia đình hồi đó đến giờ toàn quen ăn thịt heo, dù sống trong “bão giá” tôi cũng phải bấm bụng”, cô giáo Phượng chia sẻ. 3 tuần trước, cô giáo Phượng cầm 300.000 đồng đi chợ. Cô mua 2kg thịt đùi (thịt heo) hết 250.000 đồng, 10 quả trứng vịt hết 25.000 đồng, thêm rau củ, cà chua cho cả ngày, hết veo mớ tiền.

“Phải mua xương đầu hay vai hoặc má này, mấy bộ phận đó rẻ, nhiều mỡ thì no lâu hơn. Đi chợ muộn một tí, đang ế hàng thì mới dễ mặc cả”, bà mẹ chồng cô giáo, chia sẻ kinh nghiệm đi chợ.

Heo tăng giá, người nghèo chịu khổ

Cuối tháng 12, gia đình anh Nguyễn Thanh Tuấn (45 tuổi, ngụ P.Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) tổ chức đám giỗ cho người thân, dự tính làm gần 5 bàn. Thực đơn đều là những món người xưa truyền lại, tức không thể thiếu 1 đĩa thịt ba rọi kho trứng, cù lao (gồm các bộ đồ lòng và thịt heo nấu chung với rau củ được làm lẩu - PV).

Sẽ không có gì đáng bàn nếu như giá thịt heo đang lên quá cao, lên tới 90.000 đồng/kg heo hơi. Heo tăng giá quá, mọi người trong gia đình đau đầu! “Heo tăng như vậy, thôi thì chuyển món cù lao hoặc món thịt kho trứng thay bằng nồi ca ri gà vịt giá gần tương đương mà lại ngon hơn”, em dâu anh Tuấn đề xuất, nhưng không được đồng tình.

Đĩa cơm hiện phải tăng giá ít nhất 5.000 đồng, nếu không người bán cơm… phá sản - Ảnh: Tô Văn

Sau cùng cả nhà thống nhất phải có đĩa thịt kho trứng và cù lao mới thành đám giỗ như truyền thống được. Vì thế, giá thịt heo mắc cỡ nào cũng phải bấm bụng đi mua… Và chỉ với 5 bàn tiệc, gia đình anh phải bỏ ra 4 triệu đồng- tăng thêm khoảng 1 triệu đồng.

Giá thịt heo tăng cao, ảnh hưởng tới cả hộ kinh doanh tại các chợ. Bà Nguyễn Thị Loan (48 tuổi tiểu thương chợ Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết giá heo bà lấy từ lò mổ trong tháng 12 là 120.000 - 150.000 đồng/kg, gấp đôi đầu năm.

“Thịt heo tăng giá gấp đôi nên mọi người ngán tiền không mua chuyển sang ăn cá. Vì vậy đến thời điểm này, tôi bán rất chậm - có thể gọi là ế, nên tôi bán hạ giá luôn nhưng không khả quan. Tôi ví dụ công nhân làm hồ ở đây, người ta ghé chợ mua 1kg thịt heo với giá 60.000 đồng để ăn là đủ, nhưng với giá thịt heo hiện nay tăng gấp đôi thì họ lấy 60.000 đồng đi mua cá ăn không hà”, bà Loan nói.

Cũng theo bà Loan, chuyện thịt heo lên giá, bà không rành nguyên nhân vì sao, từ đó đến giờ toàn ra lấy lò mổ để lấy thịt lẻ. “Nhưng trong suy nghĩ tôi vẫn còn thắc mắc, tại sao giá thịt heo năm nay tăng đột biến mỗi ngày? Biết là mấy tháng trước, nhiều tỉnh có dịch heo phải tiêu hủy, nhưng sao nhà nước không chủ động tái đàn ngay hoặc tính chuyện nhập thịt, mà để đến nước này?”, bà thắc mắc.

Một người bán thịt heo khác cho biết tình trạng khan hiếm heo thịt là có thật. Trước đây, bình quân mỗi ngày, sạp thịt của bà tiêu thụ 3 con heo. Nhưng giờ, đầu mối giao thịt chỉ bỏ đúng 1 con, muốn thêm cũng không được. Bán đã chậm, mà lượng thịt ít, khiến đồng lời teo tóp…

“Mà thôi, tới thời điểm này thịt heo đứng giá rồi, có thể hạ xuống. Nếu chú muốn tìm hiểu thêm thì đi hỏi mấy ông lái, chủ lò mổ, chủ trang trại. Vì nguồn cung khan hiếm mấy cha đó đẩy giá lên, chứ không phải chúng tôi muốn bán giá nào cũng được”, bà Loan chia sẻ.

Một số người chuyển sang bán cơm gà - Ảnh: Tô Văn

Với dân mua bán, kinh doanh ăn uống, giải pháp duy nhất để chống đỡ với bão giá thịt heo là phải tăng giá. Không còn cách nào khác! Hầu hết các quản cơm sườn, hủ tiếu… đều đã đồng loạt tăng giá, ít nhất là 1.000 đồng/đĩa (tô), cao thì từ 10.000 - 15.000 đồng/đĩa (tô).

Nhưng tại TP.Cần Thơ, một số quán cơm tấm vỉa hè cũng đã đồng loạt nghỉ bán. Theo họ, nếu tăng giá chừng 5.000 đồng/đĩa, thì họ không có lời nhiều. Nhưng họ đã thử tăng giá 10.000 đồng, tức từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng, thì… bán ế. Rốt cuộc, lựa chọn tốt nhất của một vài người là nghỉ bán, chờ giá heo xuống. Tất nhiên, số này không nhiều, mà phần lớn chỉ chọn phương án tăng giá, hoặc chuyển sang bán cơm gà, hủ tiếu gà.

Tô Văn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
một giờ trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Miền Tây Nam Bộ cũng thèm thịt heo