Bây giờ thì dù muốn được mẹ làm phiền cũng không thể, vì mẹ đã đi xa. Được ăn cơm mẹ nấu, được nghe mẹ kể chuyện ngày xưa… chỉ còn là mơ ước. Mồ côi, tuổi nào cũng khổ, nhất là mồ côi mẹ, mẹ ơi!

Mồ côi mẹ, tuổi nào cũng khổ

nguyễn văn mỹ | 31/08/2020, 08:21

Bây giờ thì dù muốn được mẹ làm phiền cũng không thể, vì mẹ đã đi xa. Được ăn cơm mẹ nấu, được nghe mẹ kể chuyện ngày xưa… chỉ còn là mơ ước. Mồ côi, tuổi nào cũng khổ, nhất là mồ côi mẹ, mẹ ơi!

Buổi trưa, nhà gọi điện vào, giọng nghẹn ngào: “Mẹ yếu lắm rồi, không ăn được nữa”. Cả tháng nay, gần như mẹ không ngủ. Từ ăn cơm nhão, chuyển qua cháo. Giờ chỉ nhấp chút sữa và uống nước. Người chỉ còn da bọc xương. Không yếu sao được. Xế chiều vừa họp xong, con đón xe về với mẹ. Tới nhà đã khuya, gia đình các em đang quay quần đọc kinh. Mẹ nằm thiêm thiếp. Thấy con về, mẹ mở mắt chào, rớm lệ. Con cầm tay mẹ, cố cắn răng mà nước mắt cứ tuôn trào. Có lúc mẹ tỉnh, thều thào: “Con hát cho mẹ nghe”. Mẹ gác chân lên đùi con, con vừa xoa nhẹ, vừa đưa võng nhẹ nhàng, vừa hát vừa khóc.

Cũng như bao đêm qua, mẹ vật vã, kêu tên đứa này đứa khác. Cứ mươi phút lại: “Cho mẹ ngồi dậy”. Vừa ngồi lên lại nằm xuống. Rồi đắp mền, dỡ mền, xỏvớ, cởi vớ, đi vệ sinh, uống nước… và liên tục hỏi: “Mấy giờ rồi”. Mẹ thiếp đi mấy phút, tỉnh dậy, thấy con bên cạnh, mẹ lại thều thào: “Các con đi ngủ đi”. Mẹ vẫn thương chúng con đau đáu, không muốn làm khổ con cháu nhưng bị bệnh hành hạ. Bao nhiêu vất vả cực nhọc, suốt đời tảo tần với 7 đứa con như dồn lại những ngày cuối đời, trên đôi vai gầy của mẹ.. Những đêm thức trắng với mẹ, chúng con càng hiểu, nỗi truân chuyên của mẹ khi từng đứa ốm đau. Không biết bao nhiêu đêm mẹ đã đã thức trắng vì chúng con sốt cao, quấy khóc. Chắc chắn một điều, mẹ không hề trách mắng, mặc nhiên đón nhận như thiên chức thiêng liêng của các bà mẹ. Xoay vòng thức đêm với mẹ, con và các em có đôi lúc cũng bực mình vì mệt mỏi.

Trước đây, có nhà báo hỏi: “Hạnh phúc lớn nhất của anh là gì?”. Con đã trả lời không chút đắn đo: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi hiện nay, là bằng này tuổi, tôi vẫn đang còn mẹ và mẹ tôi vẫn khỏe”. Nhà báo hỏi tiếp: “Thú vui giải trí của anh là gì?”. “Tôi không có thú vui, chỉ có niềm vui là thỉnh thoảng về ăn cơm với mẹ, do mẹ nấu”. Hạnh phúc và những niềm vui đó giờ chỉ còn là những kỷ niệm. Mẹ đã về với bố và em. Hai mươi năm trước, khi tiễn bố đi xa, mẹ đã ước: “Sau này, mẹ chỉ xin ra đi nhẹ nhàng như bố”. Bốmất, mẹ càng hụt hẫng. Chắc mẹ hối hận vì những lần cằn nhằn bố quá hiền, quá siêng. Ông Trời không thuận, nên để mẹ vật vã đớn đau cả tháng như muốn thử thách cả mẹ lẫn chúng con.

Có lẽ phải mất khá lâu, chúng con mới vơi bớt nỗi đau vì bất lực khi nhìn mẹ bị bệnh già hành hạ mà không có thể làm gì để san sẻ. Những tuần cuối đời, mẹ vật vã, đớn đau. Chúng con đứt ruột vì biết mẹ đói mà không thể ăn, mệt mà không thể ngủ. Chúng con ước, được chia bớt những đớn đau, vật vã của mẹ mà không được, dù chỉ là chút ít. Đứa nào cũng cầu mong cho mẹ sống thêm. Nhưng nhìn mẹ đau đớntừng giờ, chỉ mong mẹ được giải thoát sớm. Chúng con khổ để mẹ bớt đau.

Ai cũng bảo mẹ khó tính và nghiêm khắc. Phải nói là kỹ tính thì đúng hơn. Mẹ dạy từ chuyện nhỏ, hay la tụi con, nhất là các em gái vì “Mẹ la các con để sau này về làm dâu người ta không mắng mẹ”. Là con gái rượu của ông đồ, mẹ được cưng chiều, miễn làm việc nặng, nhưng vẫn không được đi học như các cậu, chỉ vì sợ “con gái học chữ sau này viết thư cho trai”. Mẹ chỉ học lóm nhưng đọc thông viết thạo, khéo tay, nấu ăn rất ngon và sống tình nghĩa. Những cô chú bên nội, cứ về là qua nhà mình ở. Con nhớ nhất những lần gặp bữa, mẹ mời những người già ăn xin vào ăn cơm chung đạm bạc với gia đình một cách trân trọng. Mẹ hỏi han, sớt cho họ ít gạo và chút tiền. Nhiều người đã khóc vì cảm động.

Mẹ nấu ăn rất ngon. Con đi nhiều nước, ăn đủ thứ món ngon, nhưng không thể đậm đà và ngon như những món mẹ nấu. Con và các em vẫn nhớ các buổi chợ hằng tháng xa xưa với những món quà quê như sương sa, hạt lựu, mấy trái xoài xanh rụng bé tí, vài khúc mía, miếng đường. Ở quê, không được học hành nhưng mẹ rất tâm lý. Trong làng, chỉ chúng con là có các bạn nữ trên tỉnh về nhà chơi. Khi đó, mẹ thường xuống bếp, để chúng con tự nhiên trò chuyện và cả quậy phá. Mẹ bảo: “Mẹ không muốn vô tình làm khổ các con như ông bà đã vô tình làm khổ mẹ (vì khoảng cách thế hệ)”. Nhưng hễ đứa nào làm gì sai là bị phạt ra trò. Phải tự tìm roi, quét chỗ nằm, tự nhận tội và hình phạt. Mẹ thường tăng số roi bị phạt nhưng chỉ đánh một nửa, còn một nửa roi treo, lần sau tái phạm phạt gấp đôi.

Chúng con từng đứa, cứ hai năm rưỡi lần lượt ra đời. Đứa nào cũng lớn lên nhờ sữa mẹ, chứ không biết ăn dặm. Chừng nào có em mới nhường lại. Chiều tối đi làm ruộng về, lần nào sữa cũng ra ướt cả ngực mẹ. Năm 1982, con suýt bị bắt sống và thoát chết không tưởng ở Campuchia. Bà mẹ Khmer, nơi đơn vị đóng quân, buộc chỉ tay, đuổi tà ma, mừng con thoát nạn rồi nói: “Sữa mẹ của con rất tốt. Chính mẹ con đã cứu con”. Đến giờ, con vẫn không hiểu làm sao bà biết? Hay là do trực giác hoặc nhìn con là biết mẹ?

Sau mấy dịp lần lữa, gần 60 tuổi, con mới theo mẹ về quê ngoại. Lần đó, mẹ vui như trẻ nhỏ. Mẹ đưa con đi thăm bà con, kể về những kỷ niệm ngày xửa ngày xưa, khi mẹ còn là thiếu nữ xinh xắn nhất làng. Mẹ chỉ cho con chỗ mẹ té, khi con còn trong bụng mẹ. Mẹ kể về hành trình vác bụng bầu xuyện Việt và sinh con ở Quảng Trị. Vừa tròn tuần tuổi, con đã được đi xe lửa, rồi xe đò vào tận Phan Thiết. Năm 1974, con vào Sài Gòn, tự thân lập nghiệp, vừa đi học vừa đi làm. Hoàn cảnh đẩy đưa, 40 tuổi mới tập tành làm du lịch nhưng cái nghiệp đi đó đi đây đã vận vào con từ lúc mới đẻ. Con đã đưa mẹ đi Đà Nẵng, Huế, Phong Nha, Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau… và vài nước lân cận. Muốn cùng mẹ đi nhiều hơn mà sức khỏe mẹ không cho phép. Thấy trên tour, con mẹ được mọi người cảm mến và quýtrọng, ánh mắt mẹ sáng lên niềm tự hào, hạnh phúc.

Bố ít nói, siêng năng và bao đồng. Mẹ hoạt ngôn, quán xuyến hết việc nhà, từ nội trợ, dạy dỗ, học hành của con cái đến quan hệ hàng xóm, bà con. Chúng con, đứa giống bố, đứa giống mẹ. Mẹ hơi khó chịu vì các con trai của mẹ, đứa nào cũng “đội vợ lên đầu” (lời mẹ nói). Với mẹ, chuyện bếp núc, giặt giũ, giữ con là của đàn bà. Nhờ thương mẹ, chúng con biết chia sẻ việc nhà với vợ. Nhà mình nền nếp. Bố mẹ chưa bao giờ cãi nhau. Chỉ có mẹ thi thoảng la bố. Anh em hòa thuận, thương yêu và đùm bọc nhau, sống nghĩa tình với làng xóm là nhờ mẹ.

Các con của mẹ đều đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định. Khi con vào Sài Gòn, các em thay con,cùng bố mẹ vượt qua thời gian khó khăn nhất. Những ngày cuối đời của mẹ, các em cũng vất vả nhiều hơn. Chúng con xem đó là trách nhiệm và phần nào báo đáp công ơn trời bể của mẹ. Con ở xa nhất nhưng hễ rảnh là tranh thủ về với mẹ. Hai bữa nay, nhà mình đầy hoa. Cả làng, chưa bao giờ nhiều hoa như thế. Từ trong nhà ra kín sân. Đêm cuối ở nhà của mẹ, khuya trời mưa như trút nước.

Sáng nay, cả làng tiễn mẹ về trời với bố, với ông bà nội ngoại và những người thân khác. Mẹ cứ ra đi thanh thản vì đã sống hết mình vì chồng con, vì mọi người. Vắng mẹ, tổ ấm của chúng con năm xưa lặng ngắt nhưng tràn ngập kỷ niệm về mẹ. Vắng bố mẹ, chúng con càng biết yêu thương, đùm bọc nhau hơn để luôn xứng đáng là những đứa con ngoan như bố mẹ hằng mong muốn, kỳ vọng.

Bây giờ thì dù muốn được mẹ làm phiền cũng không thể, vì mẹ đã đi xa. Được ăn cơm mẹ nấu, được nghe mẹ kể chuyện ngày xưa… chỉ còn là mơ ước. Mồ côi, tuổi nào cũng khổ, nhất là mồ côi mẹ, mẹ ơi!

NVM - Con trai của mẹ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mồ côi mẹ, tuổi nào cũng khổ