Tận dụng tiềm năng, lợi thế dưới tán rừng, nhiều hộ dân ở Bạc Liêu thực hiện mô hình nuôi kết hợp nhiều loại thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có cuộc sống khá giả.

Mô hình nông - lâm kết hợp mang hiệu quả kinh tế cao

Trần Khải | 13/10/2023, 11:00

Tận dụng tiềm năng, lợi thế dưới tán rừng, nhiều hộ dân ở Bạc Liêu thực hiện mô hình nuôi kết hợp nhiều loại thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có cuộc sống khá giả.

Vùng rừng phòng hộ ở tỉnh Bạc Liêu hiện có 895 hộ dân, với 3.582 khẩu sống quanh khu vực rừng. Trong đó, có 670 hộ đang sống ở khu vực ven rừng, ngoài đê biển. Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu thực hiện giao khoán đất lâm nghiệp cho 400 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (5 tổ chức, 395 hộ gia đình, cá nhân) với diện tích 3.089ha.

Trước đây, do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tình trạng chặt phá rừng trái phép để lấy củi, làm đất sản xuất thường xuyên xảy ra. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến rừng và kết hợp với tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng nên ý thức của người dân sống khu vực này được nâng cao, bà con cùng ngành chức năng chung tay bảo vệ rừng. Nhiều hộ dân nhận giao khoán đất rừng đã cải tạo đất, xây dựng hiệu quả các mô hình sản xuất kết hợp với bảo vệ rừng nên có cuộc sống tốt hơn.

4.jpg
Những hộ nhận khoán đất rừng phải đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng 70%, và 30% diện tích mặt nước bà con có thể canh tác

Năm 2012, gia đình anh Vũ Đức Thịnh ngụ xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình được ngành chức năng giao khoán 10ha đất rừng. Trong đó, hơn 3ha được sử dụng theo tỷ lệ đảm bảo 70% diện tích có rừng, 30% diện tích mặt nước để nuôi thủy sản. Nhờ thả nuôi đa dạng các loài thủy sản, bình quân mỗi năm gia đình anh Thịnh thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

“Trước đây tôi sống bằng "nghề" làm thuê, làm mướn nên cuộc sống khó khăn. Từ khi được nhận giao khoán đất rừng, tôi xây dựng nhà cửa ổn định, chuyên tâm bảo vệ rừng và thực hiện mô hình nuôi kết hợp tôm - cua - cá trên diện tích đất được giao để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình này giúp có thu nhập đều đều nên cuộc sống gia đình cũng tốt hơn trước rất nhiều”, anh Thịnh cho biết.

Theo các hộ dân nhận khoán đất rừng, mô hình nuôi kết hợp tôm - cua - cá dưới tán rừng cho năng suất bình quân từ 550 - 700kg/ha, mang lại thu nhập cho người dân từ 50 – 100 triệu đồng/ha/năm. Cùng với việc hưởng lợi từ nuôi trồng, khai thác thủy sản, những hộ nhận giao khoán đất rừng còn được hỗ trợ chi phí giao khoán bảo vệ rừng mỗi năm là 450.000 đồng/ha.

Với ông Nguyễn Văn Chiến ngụ xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, khi được giao khoán 9ha đất rừng là một bước ngoặt của gia đình ông. Trước đây, gia đình ông Chiến thuộc diện hộ nghèo, đông con, không đất sản xuất. Để có cái ăn cái mặc cho con cái, ông Chiến đi nhiều nơi tìm việc làm. Tuy nhiên, việc được nhận giao khoán đất rừng đã giúp kinh tế gia đình ông Chiến dần khởi sắc.

2.jpg
Cuộc sống dưới tán rừng giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định

Bên cạnh việc phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm tham gia bảo vệ rừng, trên phần diện tích mặt nước cho phép tôi cải tạo thả nuôi tôm - cua - cá để tạo kinh tế cho gia đình. "Mô hình nuôi sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên, hạn chế chất thải phát sinh, chi phí đầu tư thấp, đem lại thu nhập khá cao cho nông dân”, ông Chiến nói.

Cùng với phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, người dân còn xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan trải nghiệm. Tại đây, khách du lịch được trải nghiệm ngồi trên bè nổi len lỏi trong rừng đước để ngắm nhìn cảnh đẹp từ thiên nhiên, tự tay giăng lưới, câu cá, bắt cua, đặt lú bắt tôm…, tự tay chế biến, thưởng thức.

Để rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với du khách, chính quyền các địa phương ven biển của tỉnh đang nghiên cứu thành lập các HTX, tổ quản lý với sự tham gia của các hộ dân. Các HTX có trách nhiệm bảo vệ và quản lý rừng của các xã viên, kết nối với các đơn vị du lịch lữ hành thiết kế tour du lịch phù hợp. Đồng thời, các địa phương kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, điện, bến bãi...

1.jpg
Nuôi thủy sản dưới tán rừng được xem là mô hình thành công của các hộ nhận giao khoán đất lâm nghiệp

Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển Bạc Liêu đã đề xuất Sở NN-PTNT tham mưu cho UBND tỉnh kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp, nhằm đưa ngành lâm nghiệp địa phương đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp dịch vụ môi trường.

Ông Lê Chí Linh, Phó giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển Bạc Liêu cho biết: “Để chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với các mô hình sinh kế đạt hiệu quả, huy động được nguồn lực của người dân trong việc tham gia bảo vệ rừng, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các địa phương đánh giá tính hiệu quả của các mô hình nông - lâm kết hợp, mô hình sinh kế bền vững để tập trung xây dựng và nhận rộng; góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng”.

Bài liên quan
Vụ xin phép sửa chữa, xây luôn nhà mới ở Bạc Liêu: Sẽ tháo dỡ, không cho tồn tại nếu làm sai phép
Chính quyền huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) vừa giao cho UBND xã Vĩnh Hưng phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành kiểm kê đất, tài sản trên đất và làm việc với hộ dân để thống nhất quy mô sửa chữa; trường hợp làm sai phép thì tháo dỡ, không cho tồn tại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình nông - lâm kết hợp mang hiệu quả kinh tế cao