Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 18 đến 20.8.2024.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới; là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm nay, có tác động to lớn đối với xu thế phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian dài tiếp theo.
Quan hệ chính trị - ngoại giao phát triển ổn định, đạt nhiều thành quả tích cực
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18.1.1950. 74 năm qua, tình hữu nghị được các thế hệ lãnh đạo hai nước vun đắp trở thành tài sản chung của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế hợp tác ổn định, lành mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước.
Ðặc biệt, kể từ khi bình thường hóa năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng. Giao lưu và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt.
Qua các chuyến thăm và tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, là định hướng chiến lược nền tảng, lâu dài cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ Việt - Trung.
Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005).
Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.
16 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước duy trì xu thế không ngừng phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định.
Sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc không ngừng đi vào chiều sâu và được củng cố. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại) và Mặt trận Tổ quốc (Chính Hiệp) hai nước thông qua các hình thức linh hoạt, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Đặc biệt, sau hai chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10.2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12.2023), hai Đảng, hai nước đã xác lập định vị mới cho quan hệ song phương, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, tiếp thêm động lực mạnh mẽ để hai Đảng, hai nước không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện.
Hai nước đã đề ra phương hướng “6 hơn” bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.
Kể từ sau khi hai nước nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” theo định hướng “6 hơn”, quan hệ hai nước tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực.
Hai bên đang trao đổi, xác định một số cơ chế đối thoại mới. Năm 2024, các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên, theo nhiều hình thức linh hoạt, cả trên kênh Đảng, Nhà nước và giao lưu nhân dân. Hai nước đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025 (18.1.1950 - 18.1.2025).
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, quan hệ hai nước hiện duy trì đà phát triển tích cực, không khí hợp tác lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Hai bên đều đánh giá quan hệ song phương đang ở mức độ sâu sắc, toàn diện, thực chất nhất từ trước đến nay.
Gần đây nhất, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã thể hiện sự trân trọng đặc biệt đối với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện qua việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến viếng tại Đại sứ quán Việt Nam và cử đại diện đặc biệt là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh sang dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngày 25 và 26.7.2024).
Khi đó, nhận định về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà Marxist kiên định, là nhà lãnh đạo vĩ đại của Đảng và nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cả cuộc đời cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, dẫn dắt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thúc đẩy và giành được những thành quả to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhận được sự ủng hộ và yêu mến của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam.
Bên cạnh hợp tác song phương, trên các diễn đàn đa phương, hai nước cũng tích cực phối hợp, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, đặc biệt là tại diễn đàn ASEAN và Liên Hợp Quốc.
Hợp tác kinh tế, thương mại có nhiều khởi sắc
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Trung Quốc không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên thế giới và lớn nhất trong ASEAN. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc đạt 171,9 tỉ USD. Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 112,2 tỉ USD.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc.
Hiện Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Ngoài ra, hai bên hiện đã cơ bản hoàn thành thủ tục xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, ớt tươi…
Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, kể từ khi thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam; trong đó, có nông sản, trái cây tươi. Việc này đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.
Về đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20.7.2024, tổng vốn FDI đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam là 28,5 tỉ USD với 4.754 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 6/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Riêng trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỉ USD với hơn 700 dự án, tăng hơn 77%, đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,17%). Trong 6 tháng năm 2024, Trung Quốc tiếp tục đứng đầu về số lượng dự án cấp mới tại Việt Nam với 447 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỉ USD.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ Việt - Trung thời gian tới, hai nước cần duy trì sự phối hợp chặt chẽ ở các cấp, các kênh, trong mọi lĩnh vực, tăng cường rà soát, đánh giá tình hình triển khai nhận thức chung mà Lãnh đạo cao nhất hai Đảng đạt được, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, góp phần cụ thể hóa các thành quả, nội hàm, thực hiện việc đưa quan hệ hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới.
Hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, ngày càng đi vào thực chất, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc.
Hợp tác về giáo dục giữa hai nước tăng mạnh, hiện Việt Nam có 23.000 du học sinh đang học tập tại Trung Quốc, gấp đôi so với giai đoạn trước dịch COVID-19.
Về du lịch, trong 7 tháng năm 2024 đã có 2,1 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, cao hơn cả 1,7 triệu lượt của năm 2023.
Hai bên cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu khác như Liên hoan nhân dân biên giới Việt - Trung, Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh, khu biên giới được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng... Các hoạt động này đã góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.
Mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ Việt - Trung
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lần này là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.
Chuyến thăm có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt đối với việc nâng cao quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong bối cảnh hiện nay, đưa quan hệ song phương bước vào giai đoạn phát triển mới thực sự vững chắc, ổn định và bền vững hơn.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho biết chuyến thăm này khẳng định sự coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong chính sách đối ngoại; qua đó, tiếp tục đối thoại chiến lược cấp cao nhất; tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa hai đồng chí đứng đầu của hai Đảng, hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi về các vấn đề quan tâm cũng như thúc đẩy hợp tác với đối tác vừa là láng giềng, vừa là một nước xã hội chủ nghĩa và cũng là một nước lớn. Qua đó, củng cố môi trường đối ngoại và vị thế đối ngoại thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho việc thực hiện thành công những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và triển khai công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế do Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tiến hành thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc đầu tiên sau khi đảm nhiệm cương vị mới thể hiện sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của cả hai bên trong việc củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ đạt được thành quả trên nhiều phương diện.
Một là, trên nền tảng quan hệ đã được lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, trong đó có cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Việt Nam, tiếp nối và phát huy hơn nữa xu thế phát triển tốt đẹp, thuận lợi của quan hệ Việt - Trung có được sau các chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước thời gian qua; duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, củng cố nền tảng tin cậy chính trị, tăng cường định hướng cho sự phát triển của quan hệ song phương trong giai đoạn mới.
Hai là, thống nhất về những phương hướng, biện pháp lớn nhằm xây dựng hiệu quả Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng “6 hơn” đã được hai bên nhất trí; trọng tâm là tiếp tục triển khai cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao và các thỏa thuận đã ký kết; đưa hợp tác thực chất đạt tiến triển mới, nhất là trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như kết nối đường sắt, thương mại nông sản, đầu tư chất lượng cao, tài chính tiền tệ, văn hóa-du lịch, giao lưu nhân dân...
Ba là, thông qua trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, thực chất về vấn đề biên giới lãnh thổ, cùng nhau xử lý thỏa đáng những vấn đề tồn tại, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến đà phát triển lành mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.