Ngày 21.11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Mỗi năm DN mất 30 triệu ngày công và 15 nghìn tỉ cho kiểm tra chuyên ngành

Trí Lâm | 21/11/2017, 12:20

Ngày 21.11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lờihoan nghênh, khen ngợi Bộ trong công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách đường lối của Đảng, Nhà nước, các sự kiện trọng đại như Tuần lễ Cấp cao APEC vừa qua; phần trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn; công tác xây dựng thể chế, không nợ đọng văn bản…

Đặc biệt, thời gian qua, Bộ có nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt trong công tác thông tin tuyên truyền, tạo minh bạch, đồng thuận, có tác động tích cực. Đồng thời xử lý các thông tin sai sự thật, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí. Có nhiều giải pháp quản lý tài nguyên viễn thông, hạ tầng viễn thông…

Trong kiểm tra chuyên ngành, Bộ đã chủ động rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết. Bộ đã ban đầu ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, thống nhất với Bộ VHTT-DL thống nhất danh mục kiểm tra.

“Công tác kiểm tra chuyên ngành đang được DN quan tâm và là bức xúc, rào cản lớn, đây là tình hình chung”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ và nhắc tới các bất cập trong hoạt động này như tình trạng một mặt hàng bị nhiều văn bản điều chỉnh, bị kiểm tra bởi 2-3 Bộ hay nhiều đơn vị trong cùng một Bộ. Kiểm tra 100% lô hàng, không kiểm tra rủi ro hoặc kiểm tra rủi ro rất hạn chế. Tiền kiểm là chính chứ không hậu kiểm. Tính chung, mỗi năm doanh nghiệp mất 30 triệu ngày công và 15 nghìn tỉ đồng chi phí cho công tác kiểm tra chuyên ngành.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị Bộ TTTT giải trình, làm rõ nguyên nhân dẫn tới 4 nhiệm vụ chậm trễ, quá hạn trong tống số 528 nhiệm vụ được giao từ đầu năm tới nay.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ hết sức quan tâm công tác quản lý báo chí. Hiện số lượng các cơ quan báo chí rất lớn, nhưng chất lượng chưa tương ứng, có tình trạng thương mại hóa báo chí, báo chí đưa tin giật gân câu khách không phù hợp thuần phong mỹ tục… Việc quản lý phóng viên thường trú, văn phòng đại diện, tình trạng các phóng viên vi phạm pháp luật… đã được xử lý, chấn chỉnh nhưng cần làm tốt hơn.

Bên cạnh đó là quan tâm phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thương mại điện tử, kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia… hiện chưa đạt như mong muốn.

Vừa qua, Bộ đã xử lývấn đề sim rác, sim kích hoạt sẵn, vi phạm trong quảng cáo… nhưng cần tiếp tục thực hiện. “Tình trạng sim rác, sim kích hoạt sẵn vẫn còn. Vừa qua Bộ cũng đã quyết liệt thu các sim rác, sim kích hoạt sẵn… nhưng cần tăng cường kiểm tra, quyết liệt chặt chẽ hơn. Ngoài ra, vấn đề an toàn thông tin – đấu tranh chống tin độc, tin xấu, đưa tin không chính xác cũng đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Cùng với đó là quản lý tốt hơn các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ về nhân sự, quản trị, điều hành, hiệu quả kinh doanh… Đây là quan tâm chung của Thủ tướng với các bộ, trong đó có Bộ TTTT.

Riêng trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành, Bộ cần tiếp tục lưu ý khắc phục những bất cập trong quy định về hoạt động in. Chẳng hạn Nghị định 60 năm 2014 quy định người đứng đầu cơ sở in phải có trình độ cao đẳng về in hoặc được Bộ TTTT cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo.

“Quy định này có sát thực tế không?Chúng tôi cho là không, gây khó khăn cho sản xuất. Nếu cứ quy định thế thì rất khó cho DN. Đây là tổng hợp của các hiệp hội. Ngay cả các quy định về quản lý thiết bị in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm như in trên vải, gạch, nhựa… cũng bất hợp lý”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.

Hay như quy định cấp giấy phép nhập khẩu với thiết bị thu-phát sóng vô tuyến điện. Mặt hàng này vừa phải chứng nhận hợp quy, vừa phải có giấy cấp phép nhập khẩu, cần xem xét vì có sự chồng lấn, kéo dài thời gian lưu kho của DN.

Về một số vướng mắc liên quan tới Nghị định 187 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về giấy phép nhập khẩu, kinh doanh thiết bị an toàn thông tin mạng. Bên cạnh đó, các DN khi xin giấy phép xuất nhập khẩu các thiết bị an toàn thông tin mạng thì phải có giấy phép kinh doanh. DN cho rằng yêu cầu này là không cần thiết.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết cần công nhận sản phẩm của các nước tiên tiến như G7, như mặt hàng iPhone. “Nhiều mặt hàng thử nghiệm chưa có quy chuẩn mà ta vẫn kiểm tra”.

“Một lần nữa xin được chuyển lời của Thủ tướng khen ngợi, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan từ 35% hiện nay xuống còn 15%”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ và cho biết sắp tới Chính phủ sẽ bàn sâu về lĩnh vực logistics để tiếp tục cắt giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết lần làm việc này là dịp để Bộ tiếp tục rà soát, phát huy những mặt tốt. Với những hạn chế yếu kém sẽ tiếp tục ra soát để đảm bảo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ Thủ tướng giao.

“Với 4 nhiệm vụ quá hạn có yếu tố khách quan nhưng dù gì Bộ nhận trách nhiệm của mình trong đó có Bộ trưởng, chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ
5 phút trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường thứ 7 Quốc hội khóa 1 chiều 2.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỗi năm DN mất 30 triệu ngày công và 15 nghìn tỉ cho kiểm tra chuyên ngành