Ở ĐBSCL bà con hay chọn lựa những loại hoa, trái hay món ăn phù hợp và có ý nghĩa để cúng bái và để ăn trong trong những ngày tết. Trong những món ăn vừa có ý nghĩa, vừa có giá trị dinh dưỡng, vừa để cúng gia tiên, lại có ý nghĩa tống khứ cái khổ, đón nhận điều may mắn trong năm mới, đó là: Món khổ qua.
Tết năm rồi, một anh bạn là chủ doanh nghiệp tư nhân ở Vĩnh Long có mời tôi dự lễ cúng ông bà cuối năm, cũng là ngày tất niên doanh nghiệp. Trong mâm cúng hôm đó, ngoài các món thịt quay, gà luộc, giò chả, nem... còn có món khổ qua hầm. Khi tiệc gần xong, tôi hỏi anh: “Trên mâm cúng của nhà anh tôi thấy có món khổ qua hầm, điều này nó ngẫu nhiên hay có ý nghĩa gì không?”. Anh bạn cũng khá thật tình, kể: “ Thật ra năm rồi doanh nghiệp khá vất vả để tồn tại. Khổ quá anh ạ! Khổ với vốn vay, lãi suất, đầu ra sản phẩm… Vợ tôi thì hay tin vào điều này điều nọ, vì vậy mới bảo tôi rằng: Năm nay mình phải cúng món khổ qua, để những cái khổ của năm cũ qua đi và đón một năm mới tốt lành. Ý nghĩ này làm cho bàn thờ nhà tôi năm nay xuất hiện món khổ qua hầm và mình có thêm món nhậu khá bình dân hôm nay".
Ngày còn thơ, khi ở quê nghèo, vào những ngày tết năm nào cũng vậy, ngoài món thịt kho rệu, cá lóc nướng trui, gà luộc… cúng rước ông bà, má tôi hay hầm một nồi khổ qua cúng và ăn trong ngày tết. Má tôi bảo rằng trong năm làm ăn không được thuận lợi lắm, ruộng nương không trúng mùa nên cả nhà vất vả, cúng bằng món khổ qua, hy vọng cuối năm khổ qua đi và năm mới đến với mọi điều lành. Sau này khi má tôi không còn nữa, với thói quen trong việc cúng ông bà ngày xưa, biết má tôi lúc sinh thời hay cúng có món khổ qua hầm, năm nào nhà tôi cũng hầm một nồi khổ qua vừa cúng ông bà vừa ăn trong ngày tết. Vợ tôi luôn tin rằng cúng khổ qua, ăn khổ qua cho khổ đi qua và năm mới sẽ mang đến nhiều điều tốt đẹp.
Ông Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên Khoa Đông y, Trường đại học Y dược TP.HCM cho biết: “Khổ qua là mướp đắng. Đây là loại cây dây leo, có trái, được trồng trên cả nước, trong đó vùng ĐBSCL là nơi trồng nhiều cung ứng cho các đô thị. Trái khổ qua có vị mát, thanh nhiệt, vì vậy có người dùng khổ qua, xắt mỏng chế biến thành trà thanh nhiệt. Món ăn chế biến từ khổ qua ăn mát, có tác dụng trị bệnh. Món khổ qua là món ăn trong ngày thường như nấu canh, kho lạt với đậu hũ và các loại đậu trái, khổ qua xào thịt bò, thịt heo… Ngày tết bà con vùng ĐBSCL còn hầm món khổ qua dồn thịt để cúng ông bà, vì món này vừa có giá trị dinh dưỡng, vừa ngon miệng và có thể dùng trong 2 - 3 ngày. Ngày tết có quá nhiều món ăn sử dụng thịt, vì vậy khi có món khổ qua hầm dồn chả cá, thực khách ăn sẽ thích thú hơn, ngon miệng hơn.
Món khổ qua hầm chế biến không khó lắm, theo bà Phan Thị Diệu, một thợ nấu ăn ở Vĩnh Long cho biết: “Muốn làm món khổ qua, trước tiên phải có trái khổ qua, mua khổ qua lựa trái khổ qua trái vừa không lớn lắm, loại 5 - 6 trái/kg, trái phải tròn, không bị thâm hư, nếu ăn nhiều thì mua nhiều. Nguyên liệu quan trọng là nhưn (nhân) khổ qua. Nhưn khổ qua ngon nhất vẫn là món cá thát lát, các loại khác không ngon bằng. Ngoài ra, nhưn khổ qua có thể là thịt nạc băm cùng với thịt ba rọi hoặc cũng có thể dùng món thịt vịt băm nhuyễn…
Quan trọng nhất của món khổ qua hầm là chế biến nhưn. Làm thế nào để cá hay thịt nạc băm được dai, ngon, gia vị vừa ăn, đó là bí quyết của từng người chế biến khi sử dụng tiêu, hành, bột ngọt và đánh thế nào để nhưn dai, nấu không rã. Đó lá cái hay của mỗi bà nội trợ”.
Cùng là món khổ qua hầm nhưng người chế biến khéo, ăn một khoanh khổ qua hầm cũng thấy đã, ngược lại, người chế biến vụng thì món ăn rất nhạt nhẽo. Cơm nóng, chan nước khổ qua hầm đậm đà hương vị, khoanh khổ qua hầm chấm nước mấm Phú Quốc dầm ớt hiểm xanh, ăn no căng vẫn chưa chán.
Năm mới hy vọng tràn đầy, cúng khổ qua, ăn khổ qua để năm sau qua được những cái khổ cái khó của năm cũ.