Từ khi có thông báo "lạ", khách đến quán đông hơn. Đa phần vui vẻ hưởng ứng, khen hay. Cũng có vài người băn khoăn nhưng khi nghe giải thích, đều ủng hộ.
Câu chuyện văn hóa

Một cách làm hay cần khuyến khích

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng 18:57 16/12/2024

Từ khi có thông báo "lạ", khách đến quán đông hơn. Đa phần vui vẻ hưởng ứng, khen hay. Cũng có vài người băn khoăn nhưng khi nghe giải thích, đều ủng hộ.

Nhiều báo ngày 28.11 đưa tin “Quán ăn tại Đồng Lê, H.Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình có thông báo rất lạ “Quý khách vui lòng không thanh toán hộ bàn khác. Xin chân thành cảm ơn”. Cứ tuởng chủ quán chơi nổi, câu view vì thông báo chẳng giống ai. Tìm hiểu kỹ, mới hiểu rằng đó là cách làm hay, cần khuyến khích.

3.jpg
Ảnh: N.V.M

Xin nói rõ, "thanh toán hộ” nghĩa là trả tiền dùm người khác, khác với việc mời nhau. Văn hóa người Việt, thường rủ nhau đi ăn, đi nhậu. Ai rủ người đó trả tiền, xoay vòng. Nếu đông thì chia đều, có nơi gọi là “hợp tác xã”. Mấy bạn trẻ gọi là “chơi kiểu Campuchia” tức là chia nhau cùng trả. Cách làm này công bằng, khỏi ai nợ ai.

Chuyện trả tiền hộ trong quán ăn, nhà hàng ở Đồng Lê ít xảy ra ở các thành phố lớn, vì khách hầu hết không quen biết và cũng không có “lệ” trả hộ “người quen”. Nhiều tỉnh thành phía nam lại càng không có. Tuyên Hóa là huyện biên giới giáp Lào, thượng nguồn sông Gianh, diện tích gấp 1,5 lần tỉnh Bắc Ninh; dân số chưa tới 100.000 người. Dân số thị trấn Đồng Lê chưa tới 6.000 và hầu hết quen biết nhau.

2.jpg
Ảnh: N.V.M

Ở một số vùng quê Bắc Trung Bộ, có lệ bất thành văn “trả tiền cho người khác”. Ban đầu, do nghĩa tình, tạo bất ngờ. Thường là người lớn (vai vế, gia cảnh…) trả cho người nhỏ hơn. Cũng có khi ngược lại. Dần dà, thành nếp ở một số người, giành trả tiền để tạo quan hệ, nhờ vả. Nếu trả công khai, có thể bị từ chối, nên việc trả hộ, thường bí mật.

Người được trả, thường không biết ai trả hộ nên cũng khó xử nếu có ý muốn mời lại hoặc trả ơn. Có biết thì chuyện đã rồi vì người trả hộ thường về trước. Người trả hộ, nhiều khi chưa chắc thoải mái nhưng vì “lệ” nên phải thực hiện. Người ta đều xem đó là việc bình thường, chuyện nhỏ, thậm chí coi là văn hóa bản địa. Nhưng có người dám nghĩ và làm khác.

Đó là chị Trần Thị Kim Ly, chủ quán bán ăn sáng ở thị trấn Đồng Lê (huyện lỵ Tuyên Hóa). Chị Ly mở quán từ năm 2019. Trong quá trình bán hàng, nhiều khách bàn này giành trả tiền cho bàn khác. Thậm chí có những trường hợp rất tế nhị trong chuyện trả tiền. Do vậy cuối năm 2023, chị làm 9 bảng thông báo treo trong quán (như hình kèm). Có vài quán ở Quảng Bình và Hà Tĩnh cũng treo bảng tương tự.

Việc làm này đơn giản để mọi người cùng thấy và không ái ngại khi đi ăn gặp “người quen” mà không phải trả tiền giúp hoặc được người khác trả hộ dù không muốn, và số tiền ăn sáng chỉ mấy chục ngàn. Từ khi có thông báo "lạ", khách đến quán đông hơn. Đa phần vui vẻ hưởng ứng, khen hay. Cũng có vài người băn khoăn nhưng khi nghe giải thích, đều ủng hộ.

Ngoài việc món ăn chất lượng ngon, phục vụ chu đáo, giá cả hợp lý; chủ quán còn tinh tế, giúp khách ăn uống thoải mái; không vướng vào những lăn tăn suy nghĩ và hành xử khó nói, tế nhị.

Chuyện nhỏ, cần khuyến khích và vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác, nhất là xây dựng nông thôn mới.

Bài liên quan
Xây dựng văn hóa trong Đảng - Nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới
Ngày 15.1, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một cách làm hay cần khuyến khích