Mô phỏng gần đây của các nhà khoa học chỉ ra rằng trong một thế giới không có Nghị định thư Montreal, mùa hè không có băng đầu tiên của Bắc Cực sẽ đến sớm hơn khoảng 15 năm so với thế giới thực.

Một hành động đã giúp ngăn tốc độ băng tan ở cả Nam cực và Bắc cực

Anh Tú | 27/05/2023, 20:34

Mô phỏng gần đây của các nhà khoa học chỉ ra rằng trong một thế giới không có Nghị định thư Montreal, mùa hè không có băng đầu tiên của Bắc Cực sẽ đến sớm hơn khoảng 15 năm so với thế giới thực.

ozone.jpg
Trái đất cần được bảo vệ trước biến đối khí hậu

Nghị định thư Montreal 1987 được biết đến rất nhiều trong việc cứu tầng ô-zôn. Bây giờ các nhà khoa học cho biết nó cũng trì hoãn sự biến mất của băng biển ở Bắc Cực.

Thỏa thuận quốc tế nhằm loại bỏ dần chlorofluorocarbons (CFC) làm suy giảm tầng ô-zôn được coi là một trong những hiệp ước môi trường thành công nhất mọi thời đại. Nghị định thư Montreal đã bảo vệ hiệu quả tầng ô-zôn mỏng manh của Trái đất, lớp bảo vệ hành tinh chúng ta khỏi bức xạ tia cực tím có hại từ mặt trời và “lỗ thủng ô-zôn” trong khí quyển đang trên đà phục hồi hoàn toàn trong vòng vài chục năm tới.

Nghị định thư Montreal cũng mang đến những lợi ích khí hậu ngoài mong đợi. CFC là khí nhà kính mạnh và sự nóng lên toàn cầu sẽ tồi tệ hơn đáng kể nếu chúng ta vẫn sử dụng chúng tràn lan.

Nói cách khác, Nghị định thư Montreal đã giúp làm chậm quá trình tan chảy mất kiểm soát ở Bắc Cực. Một nghiên cứu mới cho thấy, tác dụng của Hiệp ước quốc tế này có khả năng đã ngăn chặn được hơn nửa triệu km vuông băng biển khỏi bị mất.

Điều đó không có nghĩa là Nghị định thư Montreal đã cứu Bắc Cực, như cách hiệp ước này đã cứu tầng ô-zôn. Trái đất vẫn đang nóng lên đều đặn và Bắc Cực vẫn đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn 3 lần so với tốc độ trung bình toàn cầu. Băng trên biển đã suy giảm dần trong nhiều thập niên và các nhà khoa học ước tính rằng Bắc Băng Dương có thể chứng kiến mùa hè không có băng đầu tiên trong vòng vài thập niên tới. Một số nghiên cứu thậm chí tính toán viễn cảnh kinh khủng đó có thể xảy ra vào năm 2035.

Nghiên cứu mới, được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, phát hiện ra rằng Nghị định thư Montreal chỉ có thể giúp trì hoãn sự xuất hiện của mùa hè không băng tới 15 năm.

Các nhà nghiên cứu Mark England và Lorenzo Polvani đã sử dụng các mô phỏng khí hậu để điều tra tác động khí hậu lâu dài của Nghị định thư Montreal. Họ đã so sánh hai kịch bản trong các mô phỏng của mình — một kịch bản trong thế giới thực và một kịch bản mô phỏng những gì sẽ xảy ra nếu Nghị định thư Montreal chưa từng tồn tại.

Vẫn chưa chắc chắn chính xác các loại khí nhà kính khác - đặc biệt là carbon dioxide - sẽ tăng hay giảm như thế nào trong bầu khí quyển trong những thập niên tới. Điều đó phụ thuộc vào hành động mà các nước trên thế giới thực hiện để hạn chế biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu mới giải thích cho những điều không chắc chắn này bằng cách áp dụng 2 giả định trong các mô phỏng khí hậu.

Đầu tiên là một kịch bản “hoạt động như bình thường” giả định rằng ít có hoặc không có hành động bảo vệ khí hậu nào xảy ra từ nay đến cuối thế kỷ, đây là kịch bản nghiêm trọng nhưng khó xảy ra vì hiện giờ tất cả đều có ý thức chống biển đổi khí hậu. Kịch bản thứ hai giả định rằng có những hành động bảo vệ khí hậu vừa phải trong những thập niên tới, mặc dù chưa đủ để đáp ứng mục tiêu ngăn nhiệt độ Trái đất tăng không vượt quá 2 độ C.

Ở kịch bản giả định thứ hai này, trong một thế giới không có Nghị định thư Montreal, nhiệt độ toàn cầu sẽ ấm hơn gần 1 độ F (khoảng một nửa độ C) vào giữa thế kỷ này. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng mỗi tấn chất khí thải làm suy giảm tầng ô-zôn mà thế giới đã tránh được nhờ có Nghị định thư Montreal có thể đã cứu được khoảng 7.000 km vuông băng biển khỏi bị tan chảy.

Tuy nhiên, nghiên cứu không tính đến những sửa đổi gần đây nhất của Nghị định thư Montreal, cụ thể là bản cập nhật năm 2019 được gọi là Sửa đổi Kigali. Bản cập nhật nhằm mục đích loại bỏ dần việc sử dụng hydrofluorocarbons HFC, một loại hóa chất thay thế CFC sau khi Nghị định thư Montreal có hiệu lực. HFC không phá hủy tầng ô-zôn như CFC, nhưng lại làm khí hậu Trái đất ấm lên.

Bản sửa đổi Kigali dự kiến sẽ ngăn chặn việc Trái đất nóng lên thêm 1 độ F từ nay đến cuối thế kỷ. Nhưng nghiên cứu mới lưu ý việc áp dụng Bản sửa đổi Kigali được cho là quá muộn để có ảnh hưởng đến mùa hè không có băng ở Bắc Cực đang đến rất nhanh.

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra những lợi ích về khí hậu của Nghị định thư Montreal. Một nghiên cứu khác cũng đã kết luận rằng Nghị định thư Montreal đã kìm hãm đáng kể tốc độ Trái đất nóng lên trong nhiều năm qua - có lẽ còn nhiều hơn những gì nghiên cứu mới chỉ ra. Một bài báo trên tạp chí Environmental Research Letters năm 2021 ước tính rằng nhiệt độ toàn cầu có thể cao hơn tới 1,8 độ F vào năm 2050 nếu Thỏa thuận về khí hậu này không tồn tại.

Các nhà khoa học khác đã xem xét cụ thể tác động của hiệp ước đối với Bắc Cực. Một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Nature Climate Change gợi ý rằng các chất làm suy giảm tầng ô-zôn có thể là một nửa nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên ở Bắc Cực từ năm 1955 đến năm 2005.

Polvani, một trong hai tác giả nghiên cứu, cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi chứng minh rõ ràng rằng Nghị định thư Montreal là một hiệp ước bảo vệ khí hậu rất mạnh mẽ và đã làm được nhiều hơn là việc chỉ chữa lành lỗ thủng tầng ô-zôn ở Nam Cực. Tác động của nó đang được cảm nhận trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Bắc Cực”.

Nghị định thư Montréal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn (một nghị định thư của Công ước Vienna về bảo hộ của các tầng ô-zôn) là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để bảo vệ tầng ô-zôn bằng cách loại bỏ dần việc sản xuất nhiều các chất được cho là chịu trách nhiệm về sự suy giảm ô-zôn.

Hiệp ước này được mở cho việc ký kết vào ngày 16.9.1987, và đã có hiệu lực từ ngày 1.1.1989, theo sau một cuộc họp đầu tiên tại Helsinki, tháng 5.1989. Kể từ đó, nó đã trải qua 9 lần xem xét và chỉnh sửa lại vào các năm 1990 (London), 1991 (Nairobi), 1992 (Copenhagen), 1993 (Bangkok), 1995 (Vienna), 1997 (Montréal), 1998 (Úc), 1999 (Bắc Kinh), 2016 (Kigali). Nghị định đã được 196 quốc gia phê duyệt.

Người ta tin rằng nếu các thỏa thuận quốc tế được tôn trọng, tầng ô-zôn dự kiến ​​sẽ phục hồi vào năm 2050. Do thông qua thực hiện rộng rãi và đã được ca ngợi là một ví dụ về hợp tác quốc tế đặc biệt, với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lúc đó là Kofi Annan được trích dẫn nói rằng "có lẽ thỏa thuận quốc tế thành công nhất cho đến nay đã đạt được trên thế giới là Nghị định thư Montreal".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một hành động đã giúp ngăn tốc độ băng tan ở cả Nam cực và Bắc cực