Người hâm mộ thấp thỏm không biết có được xem giải Ngoại hạng Anh mùa tới không khi Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) và Công ty VSTV (sở hữu kênh K+) không đạt được sự đồng thuận trong việc mua bản quyền giải đấu hấp dẫn nhất thế giới này.

MP&Silva câu giờ, Ban đàm phán án binh, K+ muốn tự mua, khán giả thấp thỏm

Tố Loan | 02/04/2016, 10:15

Người hâm mộ thấp thỏm không biết có được xem giải Ngoại hạng Anh mùa tới không khi Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) và Công ty VSTV (sở hữu kênh K+) không đạt được sự đồng thuận trong việc mua bản quyền giải đấu hấp dẫn nhất thế giới này.

Chủ sở hữu bản quyền câu giờ ?
Trong hai mùa giải Ngoại hạng Anh liên tiếp (tính gộp thì kể từ mùa 2010 đến 2016), do có tiềm lực tài chính hùng hậu, đơn vị liên doanh giữa Đài truyền hình ViệtNam và Tập đoàn truyền thông Canal - Pháp (xin gọi tắt là K+) luôn giành chiến thắng trước các đối thủ khác trong nước. Đến mùa 2016 - 2019, tình hình vẫn diễn ra khá phức tạp nhưng theo một chiều hướng khác. Lần đầu tiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), vào cuối năm 2015, Hiệp hội Truyền hình trả tiền ViệtNam (VNPayTV) đã thành lập ban đàm phán do VNPayTV chủ trì cùng 10 đơn vị, với mục đích sẽ tiến hành thương thảo với Công ty MP&Silva - nơi nắm giữ bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh mùa 2016 - 2019 trên lãnh thổ VN.
Ban đàm phán đã cam kết thống nhất quan điểm: 1. Không mua bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh bằng mọi giá mà ở đây là không mua với giá cao hơn 20% so với mức giá của các mùa giải 2013 - 2016 (chỉ mua giá khoảng 46 triệu USD trở lại). 2. Mua toàn bộ những trận đấu của giải (không có bất cứ hình thức độc quyền nào). 3. Các đơn vị cam kết không đàm phán riêng rẽ.
Mặc dù ban đàm phán đã nhiều lần hối thúc bằng văn bản (từ tháng 1.2016 đến nay) nhưng MP&Silva vẫn chưa đồng ý gặp gỡ trực tiếp khiến sự việc đang giậm chân tại chỗ, trong khi ngày khởi tranh mùa giải mới chỉ còn vài tháng nữa. Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên vào ngày 1.4, ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPayTV, nói: “Không có bế tắc ở khâu nào cả. Đây là hình thức câu giờ của MP&Silva. Họ không chịu đàm phán là việc của họ vì có lẽ không ai đi bán dưới 50 triệu USD trong khi chính bản thân họ đã phải mua 80 triệu USD. Đến phút cuối họ không bán, chúng ta cũng không cần. Phía VN không có gì phải vội vã vì đơn vị cần bán là MP&Silva mới phải sốt ruột. Năm nay VNPayTV sẽ làm quyết liệt việc này”.
Bất ngờ khi K+ đi đường riêng
Trong khi đó, đơn vị duy nhất như “ngồi trên đống lửa” là K+ mà bằng chứng là ngày 31.3, lãnh đạo K+ đã ký công văn khẩn gửi hiệp hội, với nội dung chính là K+ sẽ tự mua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh vì không thể đợi lâu hơn được nữa.
Trong công văn này, K+ cho hay: “Trước sau chúng tôi vẫn khẳng định ý kiến chỉ đạo của Bộ TT-TT và hành động của hiệp hội trong việc thành lập ban đàm phán mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh nhằm không mua với mọi giá là đúng đắn. Chúng tôi đã cử đại diện tham gia ban đàm phán và nhiều lần đề nghị cần có quy chế hoạt động của ban đàm phán cũng như phương án mua chung cụ thể”.
Công văn của K+ viết tiếp: “Sau hơn 5 tháng hợp tác và kiên nhẫn chờ đợi, chúng tôi nhận thấy phương án mua chung là khó khả thi, và cách thức thực hiện của hiệp hội quá rủi ro. Chúng tôi hiểu rõ là hiệp hội không thể chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh và thiệt hại cho doanh nghiệp và người hâm mộ do chậm trễ hoặc không mua được bản quyền”. Vì thế K+ nhấn mạnh việc đề nghị hiệp hội cho phép tự tiến hành đàm phán.
Ông Lê Đình Cường, Trưởng ban đàm phán nói khá gay gắt: “Tôi đã ký công văn gửi K+, nói rõ sự “chia tay” ban đàm phán của K+ sẽ gây bức xúc và kéo theo hậu quả khó lường”.
Trong công văn mà ông Cường vừa đề cập, hiệp hội cũng đưa ra quan điểm: “Hiệp hội không chấp nhận phương án mạnh ai người nấy làm và sẽ làm tất cả mọi việc để ngăn chặn việc làm nguy hiểm này”.
Cam kết không mua bằng mọi giá
Trao đổi với báo chí vào chiều 1.4, ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc K+, nói: “Ban đàm phán chưa có động thái nào khác ngoài việc ngăn cản các đơn vị không được mua riêng, thậm chí có ý kiến là để người hâm mộ bóng đá Anh “nhịn” không xem Ngoại hạng Anh 3 mùa tới. Vì vậy, trong khi ban vẫn chưa có quy chế hoạt động, chưa có phương hướng rõ ràng, chúng tôi buộc phải đề xuất hiệp hội để các đơn vị tự đàm phán để đảm bảo kế hoạch kinh doanh, trên cơ sở tuân thủ pháp luật và chỉ đạo của Bộ TT-TT cũng như VTV về giá trần, tiết kiệm ngoại tệ, không mua bản quyền bằng mọi giá”.
Cũng theo ông Công: “Các mùa trước, mặc dù K+ mua toàn bộ giải nhưng số trận độc quyền chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, các đài khác vẫn phát các trận không độc quyền. Hơn nữa, chúng tôi có chính sách đồng phân phối các kênh K+ với hầu hết các nhà cung cấp khác với giá thuê bao khá bình dân”.
Một chuyên gia về bản quyền truyền hình phân tích: “Trong số 10 đơn vị tham gia ban đàm phán, Tổng công ty truyền thông VNPT Media, Tổng công ty Viettel, Công ty cổ phần viễn thông FPT đều không sản xuất nội dung, cũng không có kênh truyền hình nên nếu mua về cũng chỉ đem bán lại. VTC hay HTV Hà Nội chắc chắn không đủ tiền để theo đuổi. Những kênh khác như VTVcab hay SCTV tuy có số lượng thuê bao lớn nhưng lại là doanh nghiệp của VTV như K+ nên sẽ không để xảy ra tình trạng “huynh đệ tương tàn”. Một vài đơn vị khác không có nhu cầu nội dung thể thao khác biệt nên sẽ không quá mặn mà với giải Ngoại hạng Anh. Còn với K+, nếu không mua được bản quyền sẽ bị thiệt hại rất nặng nề”.
TheoLan Phương(Thanh Niên)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo động lực tăng trưởng mới cho hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam coi phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
MP&Silva câu giờ, Ban đàm phán án binh, K+ muốn tự mua, khán giả thấp thỏm