Trước sức hấp dẫn của những món hàng điện tử cao cấp nhưng có giá rẻ hơn so với thị trường thực tế nên nhiều đã dính bẫy lừa khi mua hàng qua Facebook.
Khoa học - công nghệ

Mua đồ điện tử trên Facebook, nhiều người dính bẫy lừa

Tiểu Vũ 07/12/2024 13:04

Trước sức hấp dẫn của những món hàng điện tử cao cấp nhưng có giá rẻ hơn so với thị trường thực tế nên nhiều đã dính bẫy lừa khi mua hàng qua Facebook.

Theo thống kê, đến tháng 10.2024 ước tính có hơn 86,1 triệu người Việt Nam có tài khoản mạng xã hội Facebook. Bên cạnh việc dùng tài khoản cá nhân vào việc cập nhật tin tức, giải trí, giao lưu với cộng đồng, thì mạng xã hội cũng chính là nơi lý tưởng để mua bán trao đổi các sản phẩm rất thuận lợi vừa tiết kiệm thời gian vừa giảm các chi phí theo cách kinh doanh truyền thống. Nhưng mạng xã cũng là nơi kẻ xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo nhằm trục lợi.

Thời gian gần đây, trên Facebook xuất hiện nhiều tài khoản rao bán các món điện tử cao cấp như điện thoại, máy ảnh, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng với nghệ với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường, thế nhưng thực chất đó là nhưng chiêu lừa đảo rất tinh vi khiến cho nhiều người sa bẫy.

tai-khoan-facebook-gia-mao-lua-ban-do-dien-tu-_dom_-3-.jpg
Một cuộc rao bán hàng điện tử cao cấp trên mạng xã hội - Ảnh: Chụp màn hình

Anh T.H.D ở quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết khi lướt mạng xã hội thấy một tài khoản rao bán chiếc điện thoại iPhone 11 với giá 5,5 triệu đồng. So sánh với điện thoại cùng loại bán trong các cửa hàng thì thấy thấp hơn đến 3 - 4 triệu đồng nên anh đã đặt mua. Khi nhận hàng anh kiểm tra rất kỹ thấy chạy bình thường, nhưng dùng khi dùng được vài ngày thì điện thoại bị đen màn hình. Mang điện thoại ra tiệm kiểm tra thì nhân viên kỹ thuật cho biết màn hình đã bị thay thế bằng hàng linh kiện kém chất lượng, muốn điện thoại hoạt động phải thay màn hình tốt hơn nhưng giá rất cao.

Nghe vậy anh D. đã liên hệ với người bán để trả hàng nhưng không liên lạc được. “Tài khoản đó là ảo và số điện thoại cũng đã bị khóa, tôi rất bức xúc nên đăng bài viết lên hội nhóm Facebook cảnh báo thì mới biết cũng có rất nhiều người gặp trường hợp giống tôi”.

Tương tự, trường hợp của chị N.T.B (ở Q.Tân Bình, TP.HCM) bị lừa mất tiền cọc 1 triệu đồng sau khi xem bài đăng của tài khoản B.M về việc bán máy ảnh Canon EOS 70D với giá 6 triệu đồng. “Người bán hẹn tôi 11 giờ trưa qua quận 4 để xem máy nhưng sau đó người này báo lại là có việc đột xuất hẹn lại ngày khác và yêu cầu tôi đặt cọc 1 triệu đồng để giữ máy. Nếu xem máy không ưng sẽ hoàn trả tiền cọc lại. Ban đầu tôi không chấp nhận nhưng sau khi khảo giá thấy khá rẻ và trang cá nhân của người này hoạt động khá lâu nên tôi đã tin tưởng chuyển tiền. Đến đúng hẹn, tôi liên lạc lại không được”, chị B. bức xúc nói.

tai-khoan-facebook-gia-mao-lua-ban-do-dien-tu-_dom_.jpg
Một nạn nhân đăng trên FB về việc mình vị lừa mua hàng điện tử kém chất lượng - Ảnh: Chụp màn hình

Ngoài hai chiêu thức nói trên, kẻ xấu còn dùng rất nhiều cách khác để đánh vào tâm lý ham "hàng tốt giả rẻ" nhằm dẫn dụ người mua. Khi rao bán hàng điện tử với giá rẻ, các tài khoản còn đưa ra các gói “ưu đãi” như giảm giá 30%, miễn phí tiền vận chuyển, sau đó tạo các đơn chuyển hàng giả gửi để người mua tin tưởng, chuyển tiền trước qua tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt rồi biến mất.

Việc lập tài khoản ảo để lừa đảo là chiêu thức rất cũ xuất hiện từ lâu, tuy nhiên vẫn có người bị lừa vì vậy người mua hàng phải hết sức cảnh giác. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện các hội nhóm mua bán hàng hóa trên mạng xã hội Facebook thường có lượng người tham gia rất lớn, người dùng rất dễ được duyệt đăng bán sản phẩm ở các hội nhóm. Nhóm lừa đảo dùng những tài khoản lâu năm và đăng tải liên tục những đánh giá của người mua để tăng thêm độ tin cậy nên rất nhiều người đã bị dính bẫy.

Về các trường hợp nói trên, Ths Phạm Đình Thắng - Trưởng bộ môn An ninh mạng, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM đưa ra lời khuyên: “Người dân cần trang bị những kỹ năng tối thiểu khi mua hàng qua mang như chụp hình thông tin hình tài khoản người bán, rồi đăng lại các cộng đồng hội nhóm nhờ xác minh rồi mới tiến hành giao dịch. Người mua cũng tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ, giá cả của sản phẩm, tham khảo những người mua từ trước để xem sự đánh giá về sản phẩm đó như thế nào. Cân nhắc kỹ khi nghe lời tư vấn từ các trang web hoặc các tài khoản chưa được xác minh. Trong trường hợp phát hiện bị lừa đảo, nên chủ động trình báo cho cơ quan chức năng, hoặc liên hệ tới luật sư, các chuyên gia pháp lý để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất. Người dân nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân”.

Về việc xử lý những người lập tài khoản mạng xã hội dùng vào mục đích lừa đảo trục lợi, luật sư Đàm Văn Hùng (Công ty Luật TNHH Lập Phương) cho biết: “Điều 15 Nghị định 144 quy định, đối với những hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng, trong trường hợp một tổ chức vi phạm thì mức xử phạt gấp đôi đối với cá nhân. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có trị giá từ 2 tới dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng trong một số trường hợp luật định, thì bị phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp chiếm đoạt tài sản có trị giá trên 500 triệu đồng thì mức án cao nhất 20 năm hoặc tù chung thân”.

Bài liên quan
Cảnh giác trước thủ đoạn lừa cài app ngân hàng giả mạo
Theo NCSC, lợi dụng công nghệ, kẻ lừa đảo đã dùng app ngân hàng giả, tạo hóa đơn chuyển tiền giả để chiếm đoạt tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng 2024 trên 7%, tạo thế giai đoạn tới tăng trưởng 2 con số
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng trên 7%, năm 2025 khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng 2 con số.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mua đồ điện tử trên Facebook, nhiều người dính bẫy lừa