Những bãi biển để đến và đắm mình trong những ngày hè nắng gắt trong nước và ngoài nước.

Mùa Hè ở biển: Nha Trang đồng vọng cát và nước

Một Thế Giới | 19/05/2014, 15:11

Những bãi biển để đến và đắm mình trong những ngày hè nắng gắt trong nước và ngoài nước.

1. Biển sớm

Cảnh thanh bình nhất của thành phố biển mà bạn có thể cảm nhận bằng tất cả các giác quan, kể cả làn da ít nhạy cảm nhất cũng phải rung lên như những thanh âm của tiếng đàn cello giọng trầm chứa đựng đầy khao khát, đó là giây phút bạn đón ánh bình minh rạng rỡ trên biển.

Nơi đó, mẹ đất, mẹ nước là một – là mẹ đất nước, khi đường chân trời không còn mà chỉ có những tia sáng bình minh làm sáng  rõ những gương mặt an nhiên của người thong thả đạp xe, chạy bộ trên biển; thong thả những ông bà cụ già cẩn mật với bài tập dịch cân kinh, hít thở cho đủ 1.800 cái; thong thả những đôi trẻ tay cầm vợt tiến ra bãi cát chuẩn bị cho tâm hồn bay theo chiếc cầu lông trắng xoá; thong thả gương mặt trẻ thơ sáng ngời niềm hân hoan vào hè chân trần chạm vào mặt sóng gợn lăn tăn... 

2. Cùng học với biển

Khi cơ thể bạn trú ẩn trong làn nước trong xanh, bạn sẽ nhủ thầm, con người thoát thai từ đây, tình yêu thoát thai từ đây, sự thanh sạch thoát thai từ đây, hoà bình thoát thai từ đây. Cho nên, trẻ con đất Việt không thể thiếu biển – đất mẹ bao dung.

Bởi trên bãi cát dát vàng lóng lánh, con trẻ hồn nhiên có được những bài học đầu tiên về cuộc đời:

Về dã tràng xe cát Biển Đông nhưng vẫn không từ bỏ cho đến chết;

Về giấc mơ lâu đài có khi mất cả buổi – cả đời để xây dựng nhưng chỉ một con sóng nhỏ cũng cuốn trôi xoá sạch tất cả, vậy nên đừng khư khư giữ lấy những thứ mãi vẫn là mộng tưởng của thế gian;

Về bài học bơi đầu tiên với những sải tay dài vươn ra lao lên trên những đầu con sóng để sống sót, tồn tại và trưởng thành;

Và bài học về sự chia sớt và biết chung tay gìn giữ, khi thiên nhiên cho ta tất cả, thì ta cần phải giữ lấy nó như giữ một phần cho sự tồn tại của chính chúng ta, nhân loại, vốn dã man mà trở nên bơ vơ và cô độc trên xứ sở trái đất của nó chỉ vì lòng tham mà tự huỷ diệt đất mẹ của mình.

Mua He o bien: Nha Trang dong vong cat va nuoc
Bình minh trên biển Nha Trang. Ảnh: TL 
3. Ở biển Nha Trang có rất nhiều cây bàng, mỗi mùa hè, trẻ con lại thích dậy sớm để đi ra biển đập bàng. Có khi lượm được trái bàng chín khéo rụng, không bị giập nhiều nên có thể ăn cả phần ngoài, rồi kiếm cục đá đập cái hột ra, trong hột có cái nhưn, nhỏ bằng hạt đậu, ăn beo béo, giòn giòn. Đập chừng vài chục hạt rồi chạy xuống biển tắm, bơi ba vòng từ bờ ra xa khoảng vài trăm mét, lại lên đập bàng tiếp, ăn cái đó đầy bụng nhanh, khi về, ghé vỉa hè nhắm thẳng gánh đậu nành hay bắp luộc của các bà, các chị làm một ly đậu nành nóng là no mà đủ dưỡng chất, có khi chẳng cần ăn sáng bánh canh, bún cá gì nữa.
Mấy ngày đầu, mấy đứa trẻ con ở Sài Gòn về không chịu dậy sớm, nhưng chỉ vài ba ngày đi theo anh, chị bà con đập bàng thì đã như đồng hồ báo thức, mới 4 giờ sáng đã lục đục thay quần áo chạy ra biển. Thằng nhóc mười tuổi năm ngoái kể, tụi nó đã rất hào sảng ngồi đập gần một tiếng đồng hồ, được một bịch đầy rồi chia nhau, và chia cho cả du khách nữa, nhất là mấy người nước ngoài, rất mê món đó dù không biết họ có cho rằng cái hột có dính chút vỏ bàng với cát từ cục đá kia nếu có mất vệ sinh, thì lúc bơi mà lỡ uống một ngụm nước biển thì cũng đã được... rửa trùng nước muối rồi!

4. Tính từ đèo Cả (Phú Yên) trở vào đến mút đầu Bình Thuận, bãi biển Khánh Hoà đã mở ra một bãi tắm lộng lẫy nhất Việt Nam: Đại Lãnh, rồi đến Ninh Hoà là Dốc Lết, tới Nha Trang. Đó là ba bãi tắm truyền thống mà người dân Khánh Hoà từ nhỏ đến lớn, gần như cả đời ai cũng đã phải “nhúng nước biển” chốn này. Trong khi đó, Cam Ranh nổi tiếng là vịnh quân sự mà nhiều quốc gia thèm muốn thì tìm ngắm bãi biển đẹp để bơi, lúc đó người ta đồn nhau ra Bãi Dài.

Đồn đại đâu được vài ba năm thì giờ nó đã trở thành một khu vực tắm và ăn nhậu ngay trên biển rộn ràng quá xá. Nếu chỉ đến đây để thoả mãn thú phơi nắng, tắm biển và ăn hải sản tươi thì chiều ngay được. Nhưng kỳ vọng nó là khu hoang sơ, nghỉ dưỡng, đọc sách thì coi như giấc mơ phá sản.

Từ Nha Trang đi hướng ra sân bay Cam Ranh, khoảng 20 cây số, đi hết đèo Cù In, rẽ trái là ra Bãi Dài, rẽ phải là vào khu ăn nhậu. Lựa chọn dễ dàng: nếu vừa tắm biển vừa thưởng thứ “chợ” hải sản thì rẽ trái. Bãi biển ở đây lài chứ không sâu thụp xuống như biển Nha Trang, thích hợp cho trẻ con và người không biết bơi luẩn quẩn trong bờ tắm nắng, nhúng nước và chơi các trò chơi trên cát. Người biết bơi tắm hơi chán, đó là chưa kể nghe nói ở đây có nước xoáy, bơi xa nguy hiểm. Đã có hàng chục quán xá cắm ngay trên bãi cát mà ngày xưa người ta đồn là giữ ánh vàng của nắng.
Nhưng giờ ánh vàng đã soi vào các dãy hàng dựng tạm bợ trên biển. Nếu ai đã từng đi Dốc Lết cách đây chục năm, thấy ở đó đông vui, ghẹ ốc luộc tại chỗ có ghe kéo lưới giao hàng tận nơi, thì giờ đây cũng vậy. Kể vậy để dân ghiền hải sản có thể đưa gia đình đến đây.

Có ít nhất 20 nhà hàng hải sản (mà từ khuôn viên đến phục vụ đều dân dã như nhau) đều quảng cáo là hải sản đánh bắt tại chỗ từ các tàu cá vào sáng sớm. Cũng từ chân đèo Cù In rẽ phải vào khu nhà hàng hải sản la liệt, vẫn hải sản tươi ngon và có phần được “tuyển chọn” hơn chút, nhưng giá có thể hơn chút.

Gợi ý cho bạn là trước khi xuống tắm biển, hãy kêu món cháo cá mú và cua gạch nướng. Con cá mú khoảng 2, 3 ký và 2 ký cua là đủ cho gia đình 4, 5 người ăn. Tắm lên là có ăn liền. Ăn xong lại tắm tiếp, rồi đến khi lên trở lại, có thể nhậu cái đầu cá sau khi đã hâm nóng. Cũng đừng nghĩ hải sản ở đây rẻ, giá cả cũng bình thường, chỉ có tươi là đảm bảo.

5. Mùa hè bơi biển là hợp lý, nhất là đối với một đất nước mà biển có ít nhất hai phần ba diện tích các thành phố, làng mạc đất liền gắn liền với nhau. Nhưng dân Sài Gòn mà chọn nơi để đến, thì Vũng Tàu ưu điểm hơn nhờ đường ngắn, còn máu phiêu lưu thích những hành trình có nhiều chọn lựa thì phải đi Nha Trang thôi. Hai từ “dân biển” ngày xưa, cho đến giờ nghe vẫn rất đáng yêu, đó cũng là điều mà bất kỳ du khách nào khi đến một nơi xa lạ, ngoài cảnh đẹp, họ vẫn mong được gặp những người dân thân thiện, hiền hoà, và chân chất thì không ai hơn “dân biển” cả. Dù vậy, nếu ai có ý muốn xâm hại hoặc đụng chạm đến biển của họ, thì sự nổi giận cũng hơn cả sóng thần, vậy nên đừng dại nha!

Chân Khanh - TGTT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa Hè ở biển: Nha Trang đồng vọng cát và nước