Khó khăn về giá cát xây dựng có thể xem là nội dung chính trong buổi làm việc ngày 23.6 tại Cần Thơ của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT)…

Muốn hạ giá cát, nhiều địa phương kiến nghị khai thác không cần hỏi dân

Quốc Trung | 23/06/2017, 18:07

Khó khăn về giá cát xây dựng có thể xem là nội dung chính trong buổi làm việc ngày 23.6 tại Cần Thơ của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT)…

Nhiều công trình chậm trễ vì thiếu cát

Vì sao có tình trạng khan hiếm cát, khiến giá đẩy lên cao khoảng gấp đôi như hiện nay? Đây là nguyên nhân khiến nhiều công trình giao thông chậm tiến độ. Và vấn đề này được đặt ra tại buổi làm việc này.

Ông Lâm Quang Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định: “Hiện nay cát là không thiếu, trục sông Mekong qua An Giang, Đồng Tháp có trữ lượng lớn nguồn cát phục vụ cho xây dựng và san lấp. Nhưng xảy ra tình trạng khan hiếm như hiện nay là cung không đủ cầu, nguồn cung bị bóp lại thông qua việc ngừng cấp phép khai thác các mỏ cát mới.

Các dự án nạo vét sông luồng lạch cũng tạm dừng, do đó nguồn cung không đủ cầu nên có nơi giá cát tăng từ 200 - 300%, các công trình đầu tư của trung ương và địa phương ở khu vực bị đội tổng chi phí đầu tư”.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, cho biết: “Nếu Chính phủ không giải quyết được vấn đề cát và giá cát thì không có công trình nào triển khai nhanh được. Cụ thể, nếu dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, giá cát đội lên cũng là một trong những nguyên nhân tổng mức đầu tư từ 9.000 tỉ đồng lên 14.000 - 15.000 tỉ đồng”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ

Ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, nhiều công tình xây dựng giao thông đang bị ảnh hưởng vì thiếu cát san lấp mặt bằng:“Đề nghị Chính phủ có chỉ đạo chung về giải pháp, vì nguồn cát không thiếu.

Từ đầu năm tới nay 2 dòng sông lớn có sạt lở, nhưng việc khai thác như thế nào, kiểm tra ra sao cần tính toán kỹ lại. Qua khảo sát cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, có thể bị chậm trễ vì thiếu cát thực hiện việc san lấp mặt bằng tuyến đường kết nối.

Tôi nghĩ phải có sự chỉ đạo từ Chính phủ về việc này, các địa phương phải san sẻ cát cho nhau, nhiều nhất là 2 mỏ cát ở 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Cần nghiên cứu cát mặn có sử dụng được không, hay vấn đề vật liệu thay thế”.

Đồng quan điểm với các địa phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng: “Hiện nay nhu cầu vật liệu cát để thi công các công trình giao thông rất lớn. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương về tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác cát nên nguồn cung cấp cát ngày càng khan hiếm, chỉ đáp ứng khoảng hơn 20% so với nhu cầu”.

Phải khai thác bất chấp ý kiến dân?

Theo ông Lâm Quang Thi, để đảm bảo nguồn cát phục vụ các công trình của địa phương và Trung ương hoàn thành theo tiến độ đề ra, các dự án thông luồng chuyển về địa phương phải được thực hiện ngay. Đồng thời cho các địa phương tự chủ việc cấp phép khai thác cát, có đánh giá tác động môi trường thì mới cấp phép khai thác cát, nhưng… không cần lấy ý kiến người dân vì việc sạt lở đất xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Còn ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Việc tham vấn người dân trong việc cấp mỏ cát theo quy định của pháp luật rất khó, vì khi lấy ý kiến thì không có hộ dân nào đồng ý cho khai thác cát cả. Hiện nay tỉnh Trà Vinh có tổng cộng 36 mỏ cát, nay đang xem xét thêm 6 mỏ.

“Giá cả mặt hàng cát tăng đột biến như hiện nay khiến các công trình gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, tỉnh Trà Vinh cũng như các tỉnh, thành khác thực hiện nghiêm chỉ đạo của chính phủ trong việc khai thác cát, nhưng giải pháp giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn này thì chưa có.

Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong việc ngưng khai thác cát mới, nhưng về giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu cát thì chưa có…”, ông nói.

Còn ông Nguyễn Nhậtkiến nghị Thủ tướng Chính phủchỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương hỗ trợ bố trí mỏ cát mới hoặc cấp phép tăng công suất khai thác cát để có thể đáp ứng nhu cầu cho các dự án đang triển khai trong vùng (như dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận...).

“Đồng thời cung cấpcác thông tin chính thức, số liệu thực tế của các mỏ cát hiện nay về trữ lượng và công suất để các dự án có giải pháp phù hợp”,thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra một số công trình trọng điểm

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Việc khai thác cát ảnh hưởng đến xói lở của dòng sông, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Vì vậy cần được kiểm soát chặt chẽ để làm sao vừa đảm bảo an toàn người dân nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị: Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT rà soát lại quy hoạch khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa sông, luồng lạch cảng biển bổ sung, điều chỉnh quy hoạch nếuthấy cần thiết.

“Chúng ta cấm khai thác bừa bãi, cát tặcphải xử lý nghiêm, nếu khai thác đúng quy định, thì chúng ta cho làm”. Theo Phó Thủ tướng, về lâu dài, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu các vật liệu thay thế cát xây dựng.

Thanh Quốc
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn hạ giá cát, nhiều địa phương kiến nghị khai thác không cần hỏi dân