Lần đầu tiên sau gần 3 năm, ba tàu sân bay Mỹ cùng thực hiện tuần tra vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đó là màn trình diễn lớn của Mỹ nhằm nhắc nhở Trung Quốc rằng Hải quân Mỹ đã lấy lại sức mạnh sau khi bị COVID-19 tấn công.

Mỹ điều cả 3 tàu sân bay tuần tra Thái Bình Dương để nhắc nhở Trung Quốc

13/06/2020, 07:08

Lần đầu tiên sau gần 3 năm, ba tàu sân bay Mỹ cùng thực hiện tuần tra vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đó là màn trình diễn lớn của Mỹ nhằm nhắc nhở Trung Quốc rằng Hải quân Mỹ đã lấy lại sức mạnh sau khi bị COVID-19 tấn công.

Sự xuất hiện đồng thời của ba tàu chiến, đi kèm với tàu tuần dương, tàu khu trục, máy bay chiến đấu và các máy bay khác của Hải quân được cho là rất có ý nghĩa khi Mỹ đang lên giọng chỉ trích phản ứng của Bắc Kinh đối với sự bùng phát của coronavirus, các động thái của Bắc Kinh trong việc thắt chặt kiểm soát Hồng Kông và chiến dịch quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế.

Cụ thể:

1/ Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và các tàu hộ vệ đang hoạt động ở biển Philippines gần đảo Guam.

2/ Tàu sân bay USS Nimitz và các tàu hộ vệ đang ở Thái Bình Dương ngoài khơi Bờ Tây nước Mỹ.

3/ Tàu sân bay USS Ronald Reagan đã rời cảng ở Nhật Bản và đang hoạt động ở phía nam biển Philippines.

Ông Bonnie Glaser, người đứng đầu về dự án nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phân tích: "Một số bài viết từ Trung Quốc đã có thái độ cho rằng Mỹ bị vi-rút tấn công mạnh mẽ, khả năng sẵn sàng quân sự bị sa sút. Có lẽ vì thế mà Mỹ đưa ra thông điệp để báo cho Trung Quốc rằng họ không nên tính toán sai".

Đồng thời, ông suy đoán: "Người Trung Quốc chắc chắn sẽ miêu tả hành động này như một ví dụ về sự khiêu khích của Mỹ và là bằng chứng cho thấy Mỹ là nguồn gốc của sự bất ổn trong khu vực".

Sự xuất hiện đồng thời của ba tàu sân bay trong khu vực là không bình thường vì số lượng tàu sân bay không nhiều và thực tế là chúng thường luân phiên tuần tra để đảm bảo tuân theo lịch trình sửa chữa, ghé thăm giao lưu, huấn luyện hoặc triển khai đến các nơi khác trên thế giới.

Tuy nhiên, trong tuần này, các chỉ huy Hải quân cho biết họ có thể chạy đua với thời gian, đặc biệt là trong giai đoạn cạnh tranh với Trung Quốc.

Chiến lược quốc phòng của Mỹ hiện giờ coi Trung Quốc là mối quan tâm an ninh hàng đầu, và các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc đã nỗ lực chuyển nhiều nguồn lực quân sự sang khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương để chống lại những gì mà họ thấy là ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Chuẩn đô đốc Stephen Koehler, chỉ huy hoạt động tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương cho biết: "Khả năng xuất hiện một cách mạnh mẽ là một phần của cuộc cạnh tranh. Và như tôi luôn nói với các bạn của mình ở đây, bạn phải ra mặt để giành chiến thắng khi so kè".

“Các nhóm tác chiến tàu sân bay đương nhiên là biểu tượng phi thường cho sức mạnh Hải quân Mỹ. Tôi thực sự phấn khích vì hiện tại chúng tôi có 3 nhóm tác chiến tàu sân bay đang hoạt động trong khu vực”.

Phát biểu với AP từ văn phòng của mình ở Hawaii, Koehler cho biết Trung Quốc đang dần xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông một cách có phương pháp, đặt các hệ thống tác chiến tên lửa và điện tử lên đó.

Mỹ cùng các đồng minh và đối tác khác trong khu vực đã tăng cường hoạt động gần các đảo nhân tạo trong nỗ lực kiềm hãm các hoạt động của Trung Quốc, nhưng không phát huy nhiều tác dụng. Koehler nói rằng gần đây nhất Trung Quốc đã triển khai máy bay tới đá Chữ Thập (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp) ở quần đảo Trường Sa và thực hiện việc cất – hạ cánh tại đó.

Chính vì thái độ phớt lờ của Trung Quốc dành cho Mỹ và các nước trong khu vực nên Mỹ phải lên tiếng mạnh mẽ hơn. Các chỉ huy hải quân Mỹ cho biết luôn có hàng chục tàu Hải quân khác vẫn hoạt động quanh Thái Bình Dương, nhưng ba nhóm tấn công cùng xuất hiện đã đưa ra một lời khẳng định mạnh mẽ cho cam kết của Mỹ đối với khu vực và các đồng minh.

Chuyện chống bệnh trên tàu

Tàu Roosevelt vừa trở lại làm nhiệm vụ sau khi trải qua hơn hai tháng “dưỡng thương” ở đảo Guam do thủy thủ đoàn bị COVID-19 tần công. Trên tàu Nimitz và Reagan, cũng có một số thủy thủ bị nhiễm bệnh nên 2 tàu này cũng phải tiến hành kiểm dịch và các quy trình an toàn trước khi trở lại hoạt động bình thường.

Chỉ huy tàu Nimitz, Chuẩn đô đốc Jim Kirk cho biết không có trường hợp nào lây nhiễm mới sau khi phát hiện ca đầu tiên trên tàu và ông tự tin những điều chỉnh được đưa ra đã giúp khống chế được dịch bệnh.

Trên tàu Nimitz và các tàu khác hoạt động trên Thái Bình Dương, các thuyền viên được kiểm tra hàng ngày, họ phải đeo khẩu trang trong tình huống bắt buộc. Giờ ăn được kéo dài để đáp ứng quy định giãn cách xã hội và các lối trên tàu được hướng dẫn cụ thể để ngăn các thủy thủ tiếp xúc gần nhau trong lối đi hẹp và cầu thang.

Koehler cho biết các tàu của Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực, thực hiện các cuộc tập trận trên biển và tuần tra các khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, một thay đổi quan trọng sẽ là hạn chế cập bến vào cảng nước khác.

Cho đến nay, đảo Guam được coi là bến cảng an toàn cho các điểm dừng ở Thái Bình Dương nhưng các thủy thủ cũng chỉ tự do di chuyển trong khu vực cảng mà không được vào thành phố.

Anh Tú (theo AP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ điều cả 3 tàu sân bay tuần tra Thái Bình Dương để nhắc nhở Trung Quốc