Có một sức ép khác đang đẩy Anh về phía phương án ở lại EU, nó đến từ đồng minh thân cận nhất của Anh là nước Mỹ. Nếu Anh rời khỏi EU, Mỹ sẽ là một trong những nước chịu thiệt hại lớn nhất.

Mỹ sẽ thiệt hại nặng nếu Anh rời EU

12/06/2016, 07:10

Có một sức ép khác đang đẩy Anh về phía phương án ở lại EU, nó đến từ đồng minh thân cận nhất của Anh là nước Mỹ. Nếu Anh rời khỏi EU, Mỹ sẽ là một trong những nước chịu thiệt hại lớn nhất.

Những ngày giữa tháng Sáu đang trở nên nóng hơn bao giờ hết ở châu Âu, không phải vì kỳ bóng đá Euro đang được tổ chức trên đất Pháp, mà là vì thời hạn chót cho cuộc bỏ phiếu quyết định việc nước Anh có rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không đã ở rất gần. Sự kiện này có thể là bước ngoặt cho vận mệnh nền kinh tế châu Âu trong tương lai khi vào ngày 23.6 tới đây, nước Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định.

Phần lớn người dân các nước EU không muốn Anh rời khỏi liên minh, các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của EU cũng đã nhượng bộ nước Anh tất cả những gì có thể để giữ Anh ở lại, vấn đề giờ đây có lẽ chỉ phụ thuộc vào chính người dân Anh mà thôi. Tuy nhiên, còn một sức ép khác đang đẩy Anh về phía phương án ở lại EU, nó đến từ đồng minh thân cận nhất của Anh là nước Mỹ. Nếu Anh rời khỏi EU, Mỹ sẽ là một trong những nước chịu thiệt hại lớn nhất.

Theo khảo sát của Pew Research tại châu Âu về vấn đề nước Anh có nên rời khỏi EU hay không, thì kết quả là có tới 70% người được hỏi đều cho rằng tình hình sẽ rất tệ nếu như Anh rời khỏi. Kết quả cuộc khảo sát đang cho thấy phần lớn người dân các nước thành viên EU đều muốn Anh ở lại, bất kể việc xu hướng những tiếng nói cổ súy Anh rời khỏi EU đang gia tăng khá mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở Pháp.

Một số hãng truyền thông và các tờ báo, điển hình là tờ Le Liberation của Pháp đang là người đi đầu trong việc cổ vũ người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, với lập luận rằng điều đó sẽ tốt cho Liên minh châu Âu, vì nếu Anh ở lại sẽ đồng nghĩa với việc nước này sẽ tiếp tục nhường đòi hỏi và EU sẽ buộc phải chấp nhận, và đẩy vấn đề đi quá xa. Mặc dù vậy, đa phần người dân cũng như các nhà lãnh đạo quyền lực nhất EU như Thủ tướng Đức Angela Merkel đều vẫn nghiêng về phương án muốn giữ Anh ở lại.

Và trong vấn đề này, người dân và các nhà lãnh đạo EU đang có một đồng minh rất nặng ký, đó là nước Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Anh. Nền kinh tế Mỹ nói chung và ngành ngân hàng của nước này nói riêng sẽ gặp phải những thiệt hại nghiêm trọng nếu như Anh rời EU. Tổng thống Barack Obama đã không dưới một lần công khai kêu gọi Anh hãy ở lại EU. Thậm chí cả ứng cử viên cho nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp là Donald Trump vốn nổi tiếng với các phát ngôn lập dị cũng có xu hướng muốn Anh ở lại. Ngoài các lý do về chính trị, quân sự và an ninh, thì việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến cho ngành ngân hàng Mỹ gặp những hậu quả nặng nề.

Cụ thể, phần lớn doanh thu của ngành ngân hàng Mỹ trên toàn cầu hàng năm là đến từ nước Anh. Theo thống kê, hàng năm doanh thu của các ngân hàng Mỹ trên đất Anh lên tới khoảng 92 tỉ USD; trong đó doanh thu của 5 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tại thị trường Anh mỗi năm cũng lên tới 27 tỉ USD. Những khoản lợi nhuận mà các ngân hàng Mỹ thu được trên thị trường Anh lớn gấp nhiều lần so với tại các nước EU trong lục địa.

Chẳng hạn như hãng tài chính và ngân hàng nổi tiếng JPMorgan, doanh thu hàng năm của ngân hàng này tại thị trường Anh lên tới 8 tỉ USD, trong khi doanh thu của nó tại thị trường Đức hàng năm chỉ đạt khoảng 92 triệu USD, tại Pháp còn tệ hơn với mức doanh thu chỉ 42 triệu USD. Đó là vì London đang là một trong 5 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, là trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu. Hầu hết các hoạt động giao dịch tài chính lớn nhất và quan trọng nhất tại thị trường châu Âu đều được thực hiện tại London và các ngân hàng Mỹ kiếm lợi chính là ở đó.

Vì thế, nếu Anh rời EU thì phần lớn các mối lợi này sẽ biến mất với các ngân hàng Mỹ, vì khi đó London có thể sẽ không còn là trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu nữa. Trên thực tế, nó không biến mất hoàn toàn mà sẽ phân tán ra khắp các trung tâm tài chính khác ở châu Âu như Paris, Luxembourg hay Frankfurt. Nó sẽ buộc các ngân hàng Mỹ phải có những sự điều chỉnh rất lớn để phân tán ra khắp các trung tâm tài chính trên để thu lại các mối lợi. Đây là việc không dễ thực hiện và khả năng các ngân hàng lớn khác trên thế giới nẫng tay trên các ngân hàng Mỹ là rất lớn.

Không chỉ có các ngân hàng Mỹ là đối tượng chịu thiệt hại lớn trong trường hợp Anh rời EU, mà phần lớn những hậu quả tai hại cũng sẽ đổ lên đầu nền kinh tế Anh. Theo tính toán của Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, chỉ tính riêng trong ngành dịch vụ tài chính Anh sẽ mất khoảng 400.000 việc làm trong hai năm nếu như nước này bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu. Phần lớn con số đó là các vị trí của các ngân hàng lớn nhất thế giới đang hoạt động tại Anh do hầu hết mọi hoạt động tài chính ở châu Âu đều diễn ra tại London.

Đó là chưa kể, việc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU đang được xem là động thái có thể tác động nghiêm trọng tới kế hoạch thiết lập khu vực thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương mà Mỹ đang là người chủ trì. Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU nếu được hoàn tất sẽ trở thành hiệp định thương mại quan trọng nhất thế giới, khi nó tạo ra khu vực thương mại chiếm tới 40% tổng giao dịch thương mại toàn cầu, lớn hơn so với TPP ở mức 30%. Nếu Anh rời EU, kế hoạch đồ sộ này có thể sẽ phải hủy bỏ hoặc đình trệ, và đó là điều mà Mỹ không mong muốn. Trong cuộc chơi hiện nay, khi Liên minh châu Âu đang đứng cùng một phe với Mỹ, thì rõ ràng là cán cân đang không nghiêng về phía Anh.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ sẽ thiệt hại nặng nếu Anh rời EU