Vào lúc Mỹ - Trung Quốc đều chống dịch COVID-19, các chuyên gia nói tính chất đối đầu giữa hai nền kinh tế số 1 và 2 thế giới quá nặng nề, khiến hai bên không thể hợp tác trong cuộc chiến chống dịch.

Mỹ - Trung Quốc chưa thôi căng thẳng trong trận chiến chống dịch COVID-19

27/03/2020, 22:23

Vào lúc Mỹ - Trung Quốc đều chống dịch COVID-19, các chuyên gia nói tính chất đối đầu giữa hai nền kinh tế số 1 và 2 thế giới quá nặng nề, khiến hai bên không thể hợp tác trong cuộc chiến chống dịch.

Dân tỉnh Hồ Bắc bắt đầu sinh hoạt sau thời gian phong tỏa - Ảnh: AP

Tính đến ngày 27.3, hơn nửa triệu người trên thế giới đã bị nhiễm dịch COVID-19, 120.000 người bình phục và gần 23.000 người chết. Đại dịch này gây rối loạn các nền kinh tế lớn, nhiều nước bao gồm Mỹ và Trung Quốc đều phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly và ở yên trong nhà.

Theo trang Newsweek, dịch COVID-19 ban đầu bùng phát từ thành phố Vũ Hán, và đến cuối tháng 12.2019 thì ngành y tế Trung Quốc xác nhận thông tin này.

Ban đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khen Chủ tịch Tập Cận Bình về cách Trung Quốc chống dịch suốt tháng 1 đến hết tháng 2.2020.

Nhưng nay tâm dịch COVID-19 ở Mỹ và châu Âu, làm chết nhiều người Ý (8.215 ca) và Tây Ban Nha (4.365 ca) hơn Trung Quốc (3.292). Mỹ cũng đã trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới, với 85.594 ca nhiễm và 1.300 người chết, tính đến trưa 27.3.

Đổ lỗi cho nhau vào lúc này là vô tích sự

Đầu tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi dịch COVID-19 là “virus Vũ Hán”, mang ý chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc phản ứng quá chậm với dịch.

Bắc Kinh phản bác, với người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc buộc tội quân Mỹ đã đem virus gây dịch COVID-19 đến thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, khi họ tham dự Đại hội thể thao các lực lượng vũ trang của thế giới (Military World Games) ở Vũ Hán hồi năm 2019.

Newsweek lưu ý cả Trung tâm Kiểm soát - phòng dịch Mỹ (CDC) lẫn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều không ghi nhận có ca nhiễm COVID-19 nào ở Mỹ, trước khi dịch bùng phát ở Vũ Hán.

Khi cuộc khẩu chiến xảy ra, Tổng thống Mỹ đổ thêm dầu vào lửa khi ông mô tả COVID-19 là “virus Trung Quốc”. Ông Trump chỉ thừa nhận không dùng cách gọi này nữa hôm 24.3, nhiều ngày sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải tuyên bố tách khỏi giả thiết chưa được chứng minh là coronavirus có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc.

Nhưng Ngoại trưởng Pompeo hôm 26.3 vẫn còn dùng chữ “virus Vũ Hán”. Giáo sư George Crane ở khoa chính trị Đại học Williams (Mỹ) nói với trang Newsweek: “Trong cả hai trường hợp, kiểu gọi tên ra vẻ tự cao tự đại trẻ người non dạ là một chiến lược chính trị, một thành tố trong sự quảng bá chủ nghĩa dân tộc nhằm bảo vệ sức mạnh chính trị của chế độ Trump và nhà cầm quyền Trung Quốc”.

Ông cũng lưu ý bình luận của Đại sứ Thôi Thiên Khải: “Dù có thể phía Trung Quốc chơi chiến thuật “cớm tốt/cớm xấu”, nó ám chỉ ít ra ai đó cũng nhận thức được rằng cho đến nay, kiểu đổ tội cho nhau này chẳng đem lại được điều gì có ý nghĩa, trong khi điều cần phải làm lúc này là giải quyết triệt để đại dịch”.

Trên lý thuyết, hai thế lực hàng đầu thế giới là Mỹ - Trung có thể hợp tác để chặn đứng đại dịch này. Nhưng thay vì dẹp qua các bất đồng như Mỹ - Liên Xô từng làm để giải quyết các mối đe dọa chung từ phe Trục hồi Thế chiến 2 (cách đây 70 năm), Mỹ - Trung lại căng thẳng với nhau hơn bao giờ hết.

Giáo sư Crane nói: “Suốt 40 năm, quan hệ hai bên đã trở nên nghiêm trọng từ lúc hai bên tự khẳng định là hai thế lực kinh tế hàng đầu thế giới. Rõ ràng có sự không tin cậy sâu sắc giữa Mỹ - Trung, ít nhất ở cấp độ lãnh đạo chính trị trong nhiều năm qua, và sự không tin cậy này gây hại cho dạng xây dựng hợp tác vốn rất cần trong thời khắc khủng hoảng toàn cầu”.

Giáo sư Crane nhận định sự bất đồng Mỹ - Trung từng được đánh dấu bằng những căng thẳng gia tăng “theo giai đoạn”, nay đã trở thành một sự chuyển đổi chính sách và quyền lực vốn được phát triển từ lâu một cách có tổ chức. Mỹ đã điều chỉnh hiệu quả theo hướng thế lực Trung Quốc trở nên to lớn hơn, trong khi xem ra Bắc Kinh rõ ràng và nhất quán hơn trong chiến lược tự xây dựng thành một thế lực mạnh cấp khu vực và cấp toàn cầu”.

Nhưng ông nói thêm rằng: “Đáng tiếc là mỗi bên nay quay qua chủ nghĩa dân tộc để đánh lạc hướng sự chú ý trong nước khỏi những khó khăn, đồng thời đổ tội cho nhau mà không đạt được ích lợi gì”.

Theo Newsweek, các ông Tập Cận Bình - Vladimir Putin đều có khả năng trở thành những nhà lãnh đạo vĩnh viễn của Trung Quốc và Nga. Trong lịch sử, từ lâu hai bên lập quan hệ thân cận được gọi là “quan hệ Rồng - Gấu”, nhằm làm đối trọng với ưu thế bá chủ kinh tế thế giới của Mỹ, cũng như vì Mỹ có nhiều căn cứ quân sự hơn số căn cứ của tất cả các nước khác cộng lại.

Dù sức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị tổn thất mạnh vì dịch COVID-19, Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ ấm nồng với Nga (mới chỉ có 840 ca nhiễm, 3 ca tử vong). Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Moscow - Bắc Kinh vẫn giữ liên lạc chặt chẽ, đáp ứng nhanh các đề nghị giúp đỡ của các nước bị nhiễm dịch, như Nga gởi phương tiện y tế và quân y đến giúp Ý, Trung Quốc gởi thiết bị y tế giúp Tây Ban Nha…

Chính phủ Mỹ cũng đã cáo buộc Nga - Trung che giấu thông tin về COVID-19. Ông Pavel Koshkin, nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada (thuộc Hàn lâm viện Khoa học Nga) nói với Newsweek, rằng ban đầu ông nghi ngờ chuyện Nga phản ứng kịp thời với dịch COVID-19, vì “Nga đã thất bại không chặn dòng người qua Trung Quốc và cũng vì hoàn toàn thiếu minh bạch. Nhưng trên hết, cho đến nay Nga đã phản ứng chống dịch rất tốt, tốt hơn cả Mỹ và không cần thiết phải so sánh với Trung Quốc.

Người lây COVID-19 cho người khác sẽ bị buộc tội khủng bố

Ngày 25.3, Tổng thống Putin nhắc nhở dân Nga: “Chớ nên nghĩ kiểu tôi sẽ không thể bị nhiễm . Cơn dịch này có thể xảy ra với bất kỳ ai”. Ông kêu gọi đồng bào ngồi yên ở nhà, nhưng không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cũng không nói về việc cách ly bắt buộc. Hiện Nga quy định cách ly 14 ngày đối với người từ nước ngoài về Nga hoặc người có các triệu chứng nhiễm dịch.

Vài ngày qua, chính quyền Nga cũng đã tung ra nhiều biện pháp hạn chế tốc độ lây dịch COVID-19: hủy các sự kiện thể thao - văn hóa, đóng cửa các nơi tụ tập đông người như rạp chiếu phim, vũ trường. Từ ngày 26.3, người dân Moscow từ 65 tuổi trở lên sẽ phải tự cách ly ở nhà, một bước cần thiết để hạn chế lây dịch từ người qua người, theo kết luận của các chuyên gia dịch tễ.

Có tin Quốc hội Nga đã sẵn sàng hành động cứng rắn nếu cần thiết. Ngày 25.3, cơ quan lập pháp này cho biết sẽ xem xét sửa đổi một luật, qua đó người vi phạm quy định cách ly sẽ bị tuyên án từ 3 đến 7 năm tù. Hoặc có thể người truyền lây dịch COVID-19 cho người khác sẽ bị buộc tội khủng bố.

Tổng thống Putin còn công bố một loạt biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp Nga gặp khó khăn từ hai tác động xấu là dịch COVID-19, và việc Nga hủy một thỏa thuận hạn chế sản xuất dầu thô với Ả rập Saudi hồi đầu tháng 3.

Ông Putin tuyên bố toàn dân hưởng kỳ nghỉ 7 ngày (từ 28.3 đến 7.4) và người lao động ăn lương khi nghỉ sẽ vẫn được hưởng đủ lương. Và chỉ cho phép các doanh nghiệp chủ yếu như ngân hàng, nhà thuốc và siêu thị được mở cửa trong kỳ nghỉ này.

Vị chủ nhân Điện Kremlin còn hứa giảm nợ cho người có kết quả dương tính COVID-19; tăng thêm các lợi ích an sinh xã hội như mỗi gia đình có con nhỏ sẽ được chính phủ trợ cấp thêm 5.000 rúp (44,80 USD) mỗi tháng cho mỗi đứa con dưới 3 tuổi; miễn thuế trong 6 tháng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; người bị thất nghiệp hoặc nghỉ phép vì bệnh tật sẽ hưởng lương tối thiểu cho đến cuối năm 2020

Mỹ Trinh (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ - Trung Quốc chưa thôi căng thẳng trong trận chiến chống dịch COVID-19