Chuyến thăm Trung Quốc của bà Aung San Suu Kyi kéo dài trong 5 ngày được đánh giá không chỉ quan trọng đối với quan hệ Myanmar - Trung Quốc mà còn có thể tác động đến quan hệ Trung Quốc - ASEAN.

Myanmar có thể thay đổi cục diện quan hệ ASEAN - Trung Quốc

19/08/2016, 08:08

Chuyến thăm Trung Quốc của bà Aung San Suu Kyi kéo dài trong 5 ngày được đánh giá không chỉ quan trọng đối với quan hệ Myanmar - Trung Quốc mà còn có thể tác động đến quan hệ Trung Quốc - ASEAN.

Cố vấn quốc gia Aung San Suu Kyi và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 18.8 tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Chuyến công du đến Trung Quốc từ ngày 17.8 của Bộ trưởng Ngoại giao Aung San Suu Kyi, cố vấn quốc gia Myanmar, là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên từ khi chính phủ dân chủ cầm quyền ở Myanmar. Trong chuyến thăm lần này, bà Suu Kyi đã được Bắc Kinh đối đãi như nguyên thủ quốc gia.

Theo báo Burma News International, chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ thắt chặt quan hệ giữa hai nước cũng như góp phần cải thiện quan hệ giữa các nước ASEAN với Bắc Kinh.

Trước đó vào tháng 6.2015, bà Suu Kyi đã có chuyến thăm Trung Quốc với tư cách Chủ tịch đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ, lúc đó còn là đảng đối lập ở Myanmar. Lần đó, với tư cách khách mời của đảng Cộng sản Trung Quốc, bà đã gặp gỡ một số nhà lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh, trong đó có Tổng bí thư Tập Cận Bình.

Myanmar đang tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh

Quan hệ Myanmar - Trung Quốc hiện nay đang gặp phải không ít trở ngại do các vấn đề liên quan đến các dự án hạ tầng và tình hình giao tranh giữa các nhóm sắc tộc tại vùng biên giới hai nước.

Theo phân tích của chuyên gia Kavi Chongkittavorn thuộc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế của Đại học Chulalonogkorn (Thái Lan), Myanmar với chính sách đối ngoại không liên kết đang tìm cách thắt chặt hơn nữa quan hệ với Trung Quốc trong các lĩnh vực an ninh, đầu tư và mậu dịch song phương.

Tại Myanmar, đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ của bà Suu Kyi đã trải qua 100 ngày nắm chính quyền. Trong khi đó, thái độ bất mãn của người dân ngày cảng tăng cao khi đảng này chưa thực sự thực hiện được những lời hứa trước khi lên cầm quyền, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm.

Song song với áp lực đó, tiến trình đàm phán hòa bình tại Myanmar đang đi vào giai đoạn quan trọng. Dự kiến "Hội nghị Panglong thế kỷ 21” sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8.2016 tại Panglong quy tụ toàn bộ các sắc tộc, trong đó có một số sắc tộc ly khai đang tiếp tục đối đầu với quân đội chính phủ.

Bà Suu Kyi và Tổng bí thư Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tháng 6.2015 - Ảnh: Reuters.

Trước khi có thay đổi lớn trong chính quyền cách đây 5 năm, Myanmar từng lệ thuộc nhiều vào viện trợ tài chính, quân sự và nhân đạo từ Trung Quốc. Giai đoạn phụ thuộc vào đầu tư Trung Quốc kéo dài vài thập niên đã gây ra không ít tác hại xấu lên môi trường cũng như tình hình phân bố dân cư tại Myanmar.

Sau khi ban hành hiến pháp mới vào năm 2011, chính quyền Myanmar bắt đầu có những thay đổi trong chính sách đối ngoại và bắt đầu "thoát Trung" trong khi xích lại gần hơn với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và châu Âu.

Theo chuyên gia Chongkittavorn, một trong những ưu tiên lớn của bà Suu Kyi trong chuyến đến Bắc Kinh lần này là vấn đề hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới dài 2.204 km giữa hai nước.

Tháng 3.2016, quân đội Myanmar trong lúc đánh phiến quân Kokang đã không kích nhầm một đồn điền sản xuất đường tại Trung Quốc làm bốn người thiệt mạng và hàng chục dân làng bị thương. Quan hệ quân sự giữa hai nước chỉ giảm bớt căng thẳng sau khi chính phủ Myanmar chính thức đưa ra lời xin lỗi.

Vai trò của Myanmar trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc

Quan hệ Myanmar - Trung Quốc ổn định và hòa bình rất có thể sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh với ASEAN, theo nhận định của chuyên gia Chongkittavorn.

Trước đây vào năm 2014, Myanmar trong cương vị chủ tịch ASEAN đã cho công bố đến bốn thông cáo về tình hình tại Biển Đông (nhiều nhất từ trước đến giờ).

Tuyên bố của bà Suu Kyi về phán quyết ngày 12.7 của Tỏa Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã thể hiện quan điểm trung lập của Myanmar đồng thời tương thích với các nguyên tắc chung của ASEAN.

Hồi tháng 7.2016, bà Suu Kyoi đã có chuyến thăm Thái Lan. Chuyến thăm này đã giúp cải thiện đáng kể quan hệ song phương và mang lại ổn định cho khu vực biên giới giữa hai nước. Nhiều nhóm sắc tộc vũ trang dọc khu vực biên giới Thái - Myanmar sau đó đã ký thỏa thuận ngừng bắn với Myanmar.

Aung San Suu Kyi cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Vientiane (Lào) vào tháng 7.2016 - Ảnh: Kyodo News

Trong các chuyến thăm chính thức Thái Lan, Lào và đặc biệt là tại các kỳ họp của ASEAN, tài ngoại giao khéo léo đã giúp cho bà Suu Kyi nhanh chóng được các nhà lãnh đạo các nước ASEAN đón nhận mặc dù bà chỉ mới góp mặt vào cộng đồng ASEAN gần đây.

Đồng thời, với tư cách là biểu tượng của phong trào đấu tranh dân chủ, bà Suu Kyi có thể đề cập đến các vấn đề nhân quyền và dân chủ một cách bộc trực tại các hội nghị quốc tế.

Chuyên gia Chongkittavorn đánh giá bà Suu Kyi về mặt đối ngoại đã trở thành một nhân tố quan trọng bên trong cộng đồng ASEAN. Những lợi thế này của bà Suu Kyi chắc chắn sẽ giúp cho Myanmar có được ảnh hưởng không nhỏ lên tình hình khu vực trong tương lai.

Huỳnh Hy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Myanmar có thể thay đổi cục diện quan hệ ASEAN - Trung Quốc