Hôm nay (5.9), hơn 22 triệu học sinh và hơn 1 triệu giáo viên cả nước bước vào năm học mới - được đánh giá là có nhiều đổi mới của ngành giáo dục.
Năm học 2015-2016 chính thức bắt đầu với không ít thay đổi ở tất cả các cấp học. Nhân ngày khai giảng, nhiều ý kiến mong muốn giảm tải chương trình, giáo viên (GV) được “cởi trói” khỏi những bài giảng khuôn mẫu, khô cứng, bớt kiến thức hàn lâm.
Học nhẹ nhàng hơn
Thầy Đỗ Đức Anh, GV Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM), cho rằng: “Nhìn tổng thể thì chương trình học các môn ở bậc phổ thông vẫn còn nặng, trong khi số tiết phân bổ lại ít. Chính điều này khiến GV không thể dạy sâu, khó tránh khỏi tình trạng dạy cho xong, hời hợt, qua loa. Vì thế, nhất thiết phải giảm tải để khắc phục tồn tại này. Chúng tôi mong muốn được lựa chọn những kiến thức thiết thực, gắn bó với cuộc sống học sinh (HS) để đưa vào bài giảng”.
Cùng quan điểm, ThS Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (TP HCM), nhìn nhận dự thảo giáo dục phổ thông mà bộ vừa đưa ra được GV và HS rất hoan nghênh vì HS sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn môn học theo năng khiếu của mình. “Hiện chương trình giáo dục phổ thông còn nặng nề, ôm đồm quá. HS học trên lớp chưa đủ, chưa an tâm nên phải học thêm ở ngoài. Trong khi đó, mảng kỹ năng sống lại chưa được chú trọng. Chừng nào HS không phải quay cuồng vì học, được giảng dạy theo hướng phát triển toàn diện kỹ năng thì chừng đó giáo dục mới đi vào thực chất hơn” - ThS Thạch nói.
ThS Hồ Sỹ Anh - Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP HCM - nêu thực trạng hiện nay, các chủ trương về phương pháp kiểm tra, đánh giá HS là tốt, ngành giáo dục luôn yêu cầu giảm tải, giảm ra bài tập nhưng tại sao vẫn có nhiều GV cứ ra bài tập về nhà cho HS. Có những HS mới lớp 3, 4 mà không còn thời gian vui chơi vì phải làm bài tập về nhà. Vậy là bất cập ở đâu, phải chăng do chương trình quá nặng?
Nên chia phần tự chủ cho các trường
TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Phát triển chiến lược, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng tồn tại lớn nhất của giáo dục hiện nay là công tác quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có vấn đề, bộ cần điều chỉnh để tăng cường tính tự chủ cho các trường ĐH.
Ông Dũng lấy dẫn chứng trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, giá như Bộ GD-ĐT đừng “ôm” nhiều quá thì không có cảnh thí sinh và phụ huynh phải chờ nộp rồi rút hồ sơ. Các trường ĐH cũng không phải vừa ngồi vừa chờ chủ trương mới của bộ. Bộ cần tăng tính tự chủ cho các trường vừa tăng tính nghiêm minh trong kiểm tra, đánh giá. “Cách tổ chức kỳ thi 2 trong 1 vừa qua về chủ trương là tốt nhưng cơ chế chủ quản của bộ đã làm méo mó ý tưởng tốt đẹp ban đầu” - ông Dũng đánh giá.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đề nghị kỳ thi sau, không nên gây ra những khó khăn, rắc rối như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận là “không lường trước” được những bất cập đó. “Chúng ta phải làm sao để năm học mới mở đầu tốt, kết thúc tốt, tức là làm một kỳ thi thật tốt. Muốn vậy phải rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến các nhà giáo, chuyên gia. Tôi bất ngờ khi nghe lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sang năm vẫn thi như năm nay. Cơn bão dư luận vừa rồi dường như không được bộ lắng nghe” - PGS Cương bày tỏ.
Cũng theo PGS Cương, Bộ GD-ĐT cần phải suy nghĩ kỹ việc tổ chức thi như vậy đã hợp lý chưa, các môn thi có gây ra tình trạng học lệch không, việc cộng điểm ở học bạ đã thực sự công bằng…? Kỳ thi vừa qua không chỉ vướng ở khâu xét tuyển mà nhiều vấn đề khác cũng cần lưu ý, tính toán cho kỹ. “Nếu đầu năm đã đổi mới vì HS, cuối năm cũng có một kỳ thi vì HS thì chúng tôi rất hoan nghênh” - PGS Cương kỳ vọng.
Người thầy cần có “bánh mì và hoa hồng”
Nhiều GV kỳ vọng đời sống GV cũng được quan tâm, cải thiện. ThS Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội), nhìn nhận nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã khẳng định yêu cầu phải phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; đồng thời, có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Tuy nhiên, ThS Yến nêu thực tế nhiều sinh viên là thủ khoa, á khoa các trường sư phạm về nhận công tác ở các trường nhưng với mức lương vài ba triệu đồng/tháng thì không thể đủ sống. Không ít thầy cô vì thế nên phải làm thêm nghề phụ, dù biết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Không có thầy giỏi thì khó có trò giỏi.
“Cuộc sống của người thầy cũng cần phải có “bánh mì và hoa hồng”, không thể mãi hô khẩu hiệu gắn bó với nghề giáo khi đồng lương không đủ sống. Chỉ khi đời sống được bảo đảm thì người thầy mới yên tâm với nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ người thầy. Một chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là điều không chỉ tôi mà hàng vạn nhà giáo cùng mong muốn trong năm học mới. Chúng tôi mong việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Chúng tôi cũng chờ đợi những đổi mới về tư duy, trước hết là tư duy về quản lý, chính sách cho giáo dục” - ThS Yến mong muốn.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội):
Hãy dành nhiều thời gian cho con em
Nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Về phía HS, phải tự giác để biết tự học, tự rèn luyện. Thầy có giỏi mấy mà HS không có ý thức tự giác, nỗ lực vươn lên thì kết quả cũng sẽ hạn chế.
Cha mẹ HS luôn kỳ vọng vào con cái nhưng lâu nay, người ta thường kỳ vọng chứ ít kỳ công. Năm học mới, tôi mong muốn các vị phụ huynh hãy dành nhiều thời gian hơn cho con em, hãy kỳ công để giúp đỡ các em. Người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục và gia đình phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho con em mình.
Giáo viên Trần Tuấn Anh, Trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM):
Đề cao môn đạo đức
Hiệu quả của giáo dục luôn bắt đầu từ người thầy nên trong thời gian sắp tới, cùng với những đổi mới giáo dục, hy vọng sẽ có nhiều người quan tâm đến môn giáo dục công dân hơn, môn học vốn được xem là giảng dạy đạo đức cho HS. Nhiều ý kiến cho rằng nên tăng thời lượng môn học này trong các trường phổ thông nhưng việc tăng cũng có hai mặt. Nếu tăng tiết nhưng giờ học không hấp dẫn, không xuất phát từ thực tế thì sẽ còn tội cho học trò hơn nữa. Vì thế, GV dạy môn học này có thể kể những câu chuyện đạo đức, những tấm gương, dù là bình dị nhưng lay động được HS.
Chị Nguyễn Thị Thanh Trang, Phụ huynh học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (TP.HCM):
Đừng dạy chay!
Nếu thực sự đổi mới trong dạy và học thì ngành GD-ĐT không nên dạy chay. Thầy cô, trong khả năng có thể, làm ơn đừng đọc cho HS chép mà hãy bằng phương pháp trực quan sinh động, giảng dạy cho học trò hiểu. Chẳng hạn, học các loại thước đo độ dài mà chỉ nói rồi lật sách chỉ cho học trò xem, trong khi chỉ cần mang các loại thước xuống lớp cho HS học thì hiệu quả sẽ cao hơn. Các hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa, không nên đưa tất cả HS cùng đi mà hãy tổ chức từng đợt tập trung thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Đặng Trinh - Yến Anh/ Người lao động