"Đây là một bức tranh đẹp, dùng nhiều màu đen, có nhiều không gian cho thiết kế, vẽ theo phong cách như tranh khắc, rất khỏe khoắn...", đây là thông tin từ phía nhà sách Nhã Nam đưa ra khi nói về bìa sách với bức tranh nàng Kiều khỏa thân.
Liên quan tới bìa cuốn sách Truyện Thúy Kiều do nhà sách Nhã Nam phát hành, trên trang cá nhân của nhà văn Đoàn Minh Phượng đã đăng tải dòng trạng thái: “Nhã Nam làm bìa sách cho Nguyễn Du. Thôi thế là xong hẳn”.
Bên cạnh đó, nhà văn Đoàn Minh Phượng bày tỏ thêm: “Từ xưa, đã có bao nhiêu người vịnh Kiều, vẽ Kiều rồi. Không phải nằm trong một cuốn sách giấy cũ úa vàng, chỉ may đã sộc sệch là thẩm mỹ của tranh không tệ hại và người thời trước không thấy như vậy.
Hoạ sĩ bị giới hạn bởi sự hiểu tác phẩm, khả năng, và thời đại của mình trong khi Nguyễn Du thì phi thời gian và còn sẽ được đọc theo thẩm mỹ của bao nhiêu đời về sau. Chỉ nên lấy một tác phẩm lớn để làm bìa cho một tác phẩm lớn, hoặc chỉ in chữ mà thôi”.
Được biết, “điểm nhấn” khiến cư dân mạng xôn xao là hình ảnh khỏa thân của nàng Thúy Kiều trên bìa cuốn sách đó. Ngay sau khi hình ảnh trên trở thành “tâm điểm” bàn tán của cư dân mạng, chúng tôi đã liên hệ với đại diện nhà sách Nhã Nam để làm rõ thực hư câu chuyện phía sau hình ảnh đó của nàng Kiều.
|
Bìa cuốn sách Truyện Thúy Kiều sử dụng tranh của họa sĩ Lê Văn Đệ gây tranh cãi. |
Theo đó, những ngày đầu tháng 11.2015 - Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Thúy Kiều, ấn bản do hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo đã ra mắt độc giả bởi nhà xuất bản Nhã Nam.
Ấn bản này được Vĩnh Hưng Long thư quán in lần đầu năm 1925 và tái bản năm 1927 sau khi hiệu đính chi tiết, có một vị trí khá đặc biệt. Sau khi được nhà Vĩnh Hưng Long in hai lần, Truyện Thúy Kiều tiếp tục được Tân Việt, một nhà xuất bản lớn chuyên in sách giáo khoa, sách kinh điển, phổ biến kiến thức, tái bản rộng rãi…
Thông tin được trao đổi từ phía đại diện nhà sách Nhã Nam, bìa cuốn sách Truyện Thúy Kiều chính là bức tranh trong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du này, của cụ Lê Văn Đệ, một họa sĩ nổi tiếng, từng là thủ khoa khóa I trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930, từng là người phụ trách việc trang trí kỳ đài trong lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945 tại quảng trường Ba Đình.
“Đây là một bức tranh đẹp, dùng nhiều màu đen, có nhiều không gian cho thiết kế, vẽ theo phong cách như tranh khắc, rất khỏe khoắn và chính là bức vẽ mà họa sĩ vẽ minh họa cho câu thơ: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”, tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm.
Họa sĩ Lê Văn Đệ, vốn là họa sĩ hàng đầu Việt Nam, được đào tạo cả ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lẫn Đại học Mỹ thuật Paris, hoàn toàn có thể đi theo những lối tả chân, tả thực rất cụ thể chi tiết khác, nhưng ở đây lại chọn vẽ theo lối tượng trưng, ước lệ, theo phong cách tranh khắc. Tựu trung, đây là một bức vẽ khá gián cách, không hề có một chút tả chân nào. Và dĩ nhiên càng không nhuốm điều gì có thể coi là dung tục ở đây”, phía nhà sách đưa ra thông tin.
Nguyễn Huệ