Năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 là 15 lao động của Việt Nam bằng 1 người Singapore, nhưng đến nay là 23 lao động Việt Nam mới bằng 1 người của Singapore.

Năng suất lao động và gian lận thi cử

21/05/2019, 06:23

Năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 là 15 lao động của Việt Nam bằng 1 người Singapore, nhưng đến nay là 23 lao động Việt Nam mới bằng 1 người của Singapore.

Danh sách các thí sinh được nâng điểm thi của Hòa Bình - Ảnh: tintucvietnam

Theo báo điện tử Vietnamnet, ngày 13.5.2019, tại hội nghị góp ý dự thảo văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 9 nhiệm kỳ 2019-2024, bà Nguyễn Thị Doan cho biết: “Năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 là 15 lao động của Việt Nam bằng 1 người Singapore, nhưng đến nay là 23 lao động Việt Nam mới bằng 1 người của Singapore. Nó đánh giá trình độ năng lực của bản thân người lao động là không sáng tạo, lao động làm thuê, lao động cơ bắp là chính”.

Bà cũng lặp lại lời của Thủ tướng Việt Nam “Việt Nam đã 30 năm làm thuê rồi, lao động cơ bắp rồi, bây giờ phải sáng tạo, phải phát triển bằng trí tuệ. Nhưng sáng tạo, trí tuệ ở đâu mà có? Đó chính là nền kinh tế tri thức. Phát triển nền kinh tế tri thức bằng sự học và từ tri thức đó mới trở thành sáng tạo”.

Đọc những dòng trên, tôi tin rằng bà Doan biết trình độ tri thức của Việt Nam thấp, và tin rằng bà cũng biết để nâng tri thức đất nước lên thì không gì ngoài sự học. Điều này được bậc minh triết Phan Chu Trinh gióng lên hồi trống hùng hồn mà thống thiết trăm năm trước: “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là Chi Bằng Học”.

Nền giáo dục của đất nước sẽ tạo ra nguồn hiền tài, chính là nguyên khí của quốc gia. Có lẽ không ai còn nghi ngờ chân lý nói trên. Và chắc ai cũng biết: để thực hiện được nhiệm vụ đó, nền giáo dục cần một điều kiện: là nền giáo dục của quốc gia. Mục tiêu của nó là phát triển nguyên khí dân tộc, đầu vào của nó tuyển chọn những người giỏi nhất, tài nhất từ toàn thể dân chúng, đầu ra của nó phải là những người đủ tài, đức. Vậy nó phải trung thực, trong sạch, vì dân tộc chứ không vì một phe phái nào, một nhóm lợi ích nào.

Bộ máy tuyển chọn người vào học đại học vừa bị xã hội lôi ra những vụ gian lận kinh hoàng. Kinh hoàng vì mức độ rộng khắp trên nhiều tỉnh. Kinh hoàng vì mức điểm được sửa, không chỉ một vài điểm mà hai mươi mấy điểm trên 30 điểm. Kinh hoàng vì nhiều người hưởng lợi từ việc gian lận lại có vị trí, trách nhiệm cao, lẽ ra phải là người gương mẫu.

Ai cũng dễ thấy, dễ nghĩ rằng quan chức vị trí cao, uy quyền lớn, con cái còn tuổi đi học mà được gian lận sửa điểm kiểu đó thì gần như chắc chắn có sự can thiệp của phụ huynh rồi. Nếu không có sự can thiệp và đổi chác thì ai lại đi làm cái chuyện tày đình, vừa phạm tội vừa vô đạo đức như thế? Cho nên điều kinh hoàng tiếp theo nữa là các vị, mà điển hình là ông Bí thư một tỉnh phía bắc, có con ruột và hai cháu được gian lận điểm, mà vẫn nhơn nhơn như người đứng ngoài cuộc!

Kẻ có chức quyền, dùng chức quyền đó mưu đồ tiền bạc, lại dùng tiền bạc vào việc gian lận thi cử. Chỉ trong giới hạn bị phanh phui, người ta có thể thấy được chưa rằng việc gian lận thi cử như vậy đã đạt mức phổ quát, có tính tổ chức? Và qua cách đối phó của người có dính líu, người ta có thể thêm tính lưu manh được chăng?

Các bậc tai mắt của xã hội, có trách nhiệm với nền giáo dục đất nước, lại bênh vực cho các vị đem gian lận vào giáo dục đó. Bà Nguyễn Thị Doan, theo báo điện tử Dantri.com.vn ngày 4.4.2019, ủng hộ việc không công bố danh tính các vị dính líu vì phải hết sức nhân văn! Quan điểm “không công bố danh tính” đồng nghĩa với việc kẻ dính líu vào gian lận thi cử, và có thể là kẻ có tác động hay thậm chí kẻ chủ mưu, được che chở!

Là người có ảnh hưởng tới nền giáo dục, bà Doan có nghĩ rằng giải pháp không cương quyết, không dứt khoát xử lý gian lận thi cử tới nơi tới chốn, nhất là gian lận thi cử ở mức tồi tệ như đã nói, sẽ có tác động thuận với chiều năng suất lao động của người Việt ngày càng nhanh chóng giảm hay không?

Đáng chú ý nhất là năng suất lao động trí óc giảm, trong đó có năng suất lãnh đạo giảm, vì năng suất này giảm là chỉ dấu cho thấy tương lai dân tộc sẽ là lao công hạng thấp của nền công nghiệp thế giới phẳng.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năng suất lao động và gian lận thi cử