Dư luận có chút... ngỡ ngàng khi nghe tin, ngày 2.8, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên ở trình độ thạc sĩ về vấn đề này ở Việt Nam và sẽ bắt đầu từ năm 2018.
Nghe qua thật hoành tráng! Từ nay, các quan tham sẽ phải đối mặt với... thạc sĩ chống tham nhũng hẳn hoi, chứ không phải dạng vừa như trước đâu nhé. Ngày trước là do cơ quan chống tham nhũng của ta không ai có bằng thạc sĩ chống tham nhũng, cho nên mới bị tham nhũng... qua mặt, chứ còn bây giờ đã có thạc sĩ chống tham nhũng ra tay, thì đừng hòng tham nhũng bắt nạt được!
Nhưng chết nỗi, dư luận lại được biết có tình trạng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, là đã có tham nhũng ngay trong chính cơ quan chống tham nhũng!
Hỡi ôi, dư luận lắc đầu ngao ngán, thế thì học chống tham nhũng còn có tác dụng gì nữa? Học chống tham nhũng xong lại... đi tham nhũng thì học làm cái gì?
Và lại nữa, như ông Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt đã nói tại một hội nghị về phòng, chống tham nhũng vào tháng 3.2016: "Chống tham nhũng, có khi chúng tôi chết trước", ý nói đã có những thế lực đe dọa đến người chống tham nhũng.
Như vậy thì thực ra tham nhũng chẳng qua chỉ là do mất dân chủ, thiếu công khai minh bạch mà có chứ cũng chẳng phải cao siêu gì. Thực tế đã cho thấy, cứ ở đâu có cán bộ lãnh đạo mất dân chủ, chuyên quyền độc đoán, chi tiêu gì cũng chẳng cho ai biết đấy là đâu, thì ở đó có ngay tham nhũng. Và có một thực tế phải thừa nhận là, 100% cán bộ tham nhũng đều là những cán bộ mất dân chủ.
Cho nên, nếu xóa bỏ hết những đặc quyền đặc lợi của các cán bộ có chức quyền, là sẽ cơ bản xóa bỏ tham nhũng. Một cơ chế dân chủ, quan chức làm gì ai cũng biết, trên nhòm xuống dưới trông vào, tứ bề giám sát, thì tham nhũng thế nào được, có bằng đánh đố. Chỉ vậy mới có hiệu quả thôi.
Cho nên, cái cán bộ chúng ta cần học, cần được đào tạo, là thực thi dân chủ, công khai minh bạch, chứ không phải cái gì cũng gán cho là... bí mật nhà nước, để không cho ai biết. Cứ tích cực cho cán bộ học về thực thi dân chủ, thì đất nước sẽ sạch bóng tham nhũng, cả bộ máy không có chỗ lẩn khuất nào cho tham nhũng núp bóng cả.
Và với tình trạng cán bộ cả nhà làm quan, làm đường giao thông đắt nhất thế giới, xây tượng đài nghìn tỉ, “sai phạm 1 tỉ là... tốt rồi”, “đường hỏng do… thời tiết”, “hoa quả nhiễm độc vẫn... an toàn”, v.v... thì quả thực, thay vì cho học thạc sĩ chống tham nhũng, nên cho cán bộ đi học về thực thi dân chủ mới là thiết thực hơn cả.
Phạm Mạnh Hà