“Nếu TP.HCM chỉ quy định một phương thức tái định cư tại chỗ thì đã hạn chế quyền lựa chọn phương thức tái định cư của các hộ dân trong chung cư, dễ dẫn đến khiếu kiện. Thành phố không thể quy định chỉ thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ theo đề xuất của Sở Xây dựng”.

Nên để người dân được quyết định phương thức tái định cư

Phan Diệu | 10/08/2017, 15:31

“Nếu TP.HCM chỉ quy định một phương thức tái định cư tại chỗ thì đã hạn chế quyền lựa chọn phương thức tái định cư của các hộ dân trong chung cư, dễ dẫn đến khiếu kiện. Thành phố không thể quy định chỉ thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ theo đề xuất của Sở Xây dựng”.

Đây là nhận định của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)liên quan tới quy định về bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư tại các dự án xây dựng lại chung cư cũ.

Để người dân tự chọn phương thức tái định cư

Sở Xây dựng TP.HCM đang lấy ý kiến về bồi thường hỗ trợ, tạm cư và tái định cư tại các dự án xây dựng lại chung cư cũ. Sở Xây dựng đề xuất trường hợp Nhà nước lựa chọn chủ đầu tư thì thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ để phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố. Nhà nước sẽ cưỡng chế phá dỡ đối với nhà chung cư hư hỏng nặng hoặc di dời khẩn cấp đối với chung cư nguy hiểm và tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng lại nhà chung cư.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nhà đầu tư được TP.HCM lựa chọn có trách nhiệm ứng vốn để UBND các quận huyện chi trả tiền tạm cư cho các hộ dân. Chủ đầu tư sẽ xây dựng và bàn giao quỹ nhà tái định cư cho các quận huyện bố trí tái định cư. Chủ đầu tư không trực tiếp thực hiện việc tái định cư cho người dân. Nhà nước thực hiện chính sách tái định cư tại chỗ với nguyên tắc diện tích căn hộ mới bằng hoặc lớn hơn diện tích căn hộ cũ...

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu cho rằng đề xuất trên chỉ mới áp dụng một phương thức tái định cư tại chỗ. Trong khi đó, đề xuất này chưa bao gồm phương thức tái định cư tại địa điểm khác, hoặc phương thức người dân yêu cầu được bồi thường bằng tiền mặt để tự lo tái định cư theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

“Nếu thành phố chỉ quy định một phương thức tái định cư tại chỗ thì đã hạn chế quyền lựa chọn phương thức tái định cư của các hộ dân trong chung cư, dễ dẫn đến khiếu kiện”, ông Châu nhận định.

Theo ông Châu, thành phố không thể quy định chỉ thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ theo đề xuất của Sở Xây dựng. Mặc dù đây là phương thức tốt nhất, nhưng cần được vận động giải thích, đi đến sự đồng thuận để khuyến khích chủ sở hữu nhà chung cư lựa chọn vì đây là phương thức có lợi nhất.

"Thành phố vẫn cần phải bổ sung thêm phương thức tái định cư ở địa điểm khác, hoặc phương thức người dân yêu cầu được bồi thường bằng tiền mặt để tự lo tái định cư theo quy định của pháp luật, đi đôi với việc thực hiện chu đáo, thỏa đáng công tác tạm cư trong thời gian chờ đợi trở về tái định cư", ông Châu nói thêm.

Ngoài ra, về đề xuất diện tích căn hộ tái định cư lớn hơn hoặc bằng diện tích căn hộ cũ trong trường hợp nhà nước lựa chọn chủ đầu tư, Chủ tịch HoREA kiến nghị thành phố quy định tỉ lệ hoán đổi căn hộ tái định cư tối thiểu là bằng 1,1 lần diện tích căn hộ cũ. Đồng thời, thành phố cần khuyến khích các chủ đầu tư thực hiện hoán đổi căn hộ tái định cư với tỉ lệ cao hơn 1,1 lần diện tích căn hộ cũ, để các hộ dân dễ chấp thuận và các quận huyện dễ thực hiện.

Mặt khác, chủ sở hữu chung cư được quyền chuyển nhượng căn hộ mới, căn hộ hình thành trong tương lai hoặc suất tái định cư. Chủ hộ ghép trong chung cư cũng được quyền chuyển nhượng suất tái định cư theo nhu cầu.

Báo động chất lượng nhà tái định cư

Liên quan tới nhà tái định cư, Bộ Xây dựng cũngvừa ban hành văn bản đôn đốc công tác quản lý chất lượng và bảo trì nhà ở tái định cư. Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, nhiều công trình nhà ở tái định cư mới được đưa vào khai thác sử dụng trên toàn quốc nhưng đã xuất hiện tình trạng xuống cấp nhanh chóng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cư dân.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhà tái định cư và hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà không được đầu tư đồng bộ, chất lượng hoàn thiện chưa đạt yêu cầu. Công tác bảo trì, quản lý, vận hành và khai thác, sử dụng chưa tuân thủ các quy định của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư.

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể của mình để bố trí quỹ đất và kinh phí đầu tư xây dựng nhà tái định cư trên địa bàn; đảm bảo nguyên tắc các hộ gia đình, cá nhân được bố trí nhà tái định cư có điều kiện ở, sinh hoạt tốt hơn hoặc tương đương với nơi ở cũ, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu chủ đầu tư nhà tái định cư cùng với chủ thể tham gia xây dựng công trình tổ chức quản lý chặt chẽ chất lượng khảo sát, thiết kế, thi công; lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định tham gia xây dựng nhà ở tái định cư.

Đặc biệt, việc tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình nhà tái định cư phải tuân thủ các quy định pháp luật. Công trình chỉ được đưa vào sử dụng khi đáp ứng được các yêu cầu của thiết kế, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng; lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng, công tác quản lý vận hành và bảo trì nhà tái định cư. Trong đó, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, chủ sở hữu, chủ quản lý khai thác, sử dụng công trình vi phạm qui định về quản lý và bảo trì đối với nhà tái định cư.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nên để người dân được quyết định phương thức tái định cư