Ngoài đồ uống, bánh mì chứa iốt với chất chiết xuất sò điệp, chất chiết xuất từ tảo để làm thuốc bảo vệ gan, các nhà khoa học Nga ở Đại học liên bang Viễn Đông, Nga, còn phát triển công thức làm bánh quy bổ dưỡng từ bột tảo biển chứa nhiều chất xơ và iốt.
Theo Rossijskaja Gazeta, các nhà sinh học ở Đại học liên bang Viễn Đông, Nga, đã tạo ra một loại bánh quy độc đáo, trong đó bột được thay thế một phần bằng bột tảo xanh. Theo các nhà phát triển, bánh quy chứa nhiều chất xơ và iốt. Nó có thể được sản xuất dưới dạng bánh quy giòn và bánh quy ngọt.
Chuyên gia dinh dưỡng Vladimir Lijakh, khoa công nghệ thực phẩm tại trường đại học, nhận xét rằng những chiếc bánh quy đó có hàm lượng calo ở mức độ của các loại thực phẩm truyền thống tương tự, nhưng chúng hữu ích hơn vì hàm lượng chất xơ và iốt cao. Bánh quy có thể được gọi là sản phẩm ăn kiêng. Iốt được gắn kết hữu cơ trong bánh quy, vì vậy trong quá trình nướng, vẫn giữ được các đặc tính và thâm nhập vào cơ thể trong quá trình tiêu hóa. Đây là điểm khác biệt so với iốt nguyên tố, thường được làm giàu trong sản phẩm, nhưng thực tế ít có lợi ích .
Bột tảo cũng chứa polysacarit, có nhiều tác dụng tích cực đối với con người. Nhưng nếu iốt từ bánh quy được cơ thể hấp thụ, điều mà các nhà khoa học đã chứng minh một cách thuyết phục, thì trong trường hợp tác động của polysacarit, cần phải có các nghiên cứu bổ sung.
Trước đó, lợi ích của loài tảo xanh Ulva lactuca đã được chứng minh tại Viện hải dương học Thái Bình Dương thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga. Các nhà khoa học đã đề nghị sử dụng chiết xuất từ tảo như một phương thuốc bảo vệ gan.
Gần đây, các nhà khoa học Nga tại đây cũng đã đề xuất sản xuất một loại đồ uống tốt cho sức khỏe dựa trên váng sữa, nước trái cây và pectin tảo biển. Ngoài ra, họ còn phát triển một công thức cho loại bánh mì được làm giàu iốt được pha chế bằng chất chiết xuất sò điệp.
Vũ Trung Hương