Một cuộc trao đổi các công dân bị bắt và bị buộc tội là điệp viên đã diễn ra cuối tuần qua, với việc Nga thả một cựu thanh tra biên phòng Na Uy cùng hai công dân Litva, đổi lại Nga đón về 2 công dân bị Litva kết tội điệp viên.
Trưa 15.11 tại vùng biên giới Litva giáp Kaliningrad (Nga), ông Frode Berg được trả tự do sau 23 tháng bị ngồi tù vì tội danh điệp viên Na Uy. Nga cũng thả 2 tù phạm Litva và Litva thả 2 công dân Nga bị buộc tội hoạt động tình báo.
Một trong 2 người Nga được trao trả là Nikolai Filipchenko, bị bắt năm 2015 và bị cáo buộc âm mưu “dụ dỗ” nhân viên an ninh Litva cài thiết bị nghe lén ở nhà và dinh của Tổng thống Litva. Công dân Nga còn lại là Sergey Moiseyenko. Cả haiđều bị Litva kết án 10 năm tù từ năm 2014, vềtội do thám NATO và quân đội Litva.
Hai người Litva, Yevgeny Mataitis và Aristidas Tamosaitis, bị buộc tội hoạt động do thám ở Nga hồi năm 2016.
Thủ tướng Erna Solberg của Na Uy ra tuyên bố hài lòng với việc ông Berg được trả tự do về nước, và cảm ơn chính quyền Litva hợp tác trong nỗ lực giải cứu ông Berg, người bị nhân viên đặc vụ Cơ quan an ninh Nga (FSB) bắt giữ tại khách sạn Metropol ở Moscow hồi tháng 2.1017. Một quan chức FSB hồi ấy cho biết Berg “bị bắt quả tang đang nhận tài liệu mật” từ tay công dân Nga Alexey Zhitnyuk. Tòa án quận Lefortovo đã ra trát bắt Zhitnyuk ngày 30.11 và bị tạm giam đến ngày 29.1.2018. Người này bị buộc tội phản quốc cấp cao, chiếu theo điều khoản 275 Luật hình sự Nga.
Theo báo New York Times, vụ bắt ông Berg đã gây xôn xao ở thành phố cảng Kirkenes (Na Uy), nơi mà ông tích cực cổ động việc lập quan hệ thân cận hơn giữa Na Uy với Nga. Ông Berg, 63 tuổi, đã có 25 năm làm lính biên phòng ở vùng biên giới Na Uy-Nga.
Sau này, ông Berg là thanh tra phụ trách khâu giám sát tuân thủ một thỏa thuận biên giới song phương. Ông từng lên tiếng phản đối xây một hàng rào dọc một đoạn biên giới ngăn ngăn cách Na Uy-Nga, vì ông cho rằng đấy là một hành động biểu tượng chống Nga. Năm 2016, Na Uy đã dựng hàng rào dài 200m, sau khi nhiều người xin tị nạn (chủ yếu từ Syria) vượt biên giới Nga vào Na Uy ở chốt biên giới này.
Kirkenes chỉ cách biên giới Nga 15 phút xe, nhiều cư dân cũng tự hào về nỗ lực tăng cường quan hệ văn hóa-kinh tế với Nga, bất chấp sự căng thẳng địa chính trị leo thang giữa hai chính phủ.
Nhưng chính quyền Nga nói ông Berg có một nhiệm vụ mật trong các chuyến đi Nga, cáo buộc ông thu thập thông tin về các tàu ngầm hạt nhân của hải quân Nga. FSB nghi Berg chia sẻ thông tin mật này với Cơ quan tình báo Na Uy (PST) và Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Năm 2018, thông qua luật sư Ilya Novikov, ông thú nhận rằng ông tin mình làm liên lạc cho PST, nhưng nói không được báo trước những rủi ro của hoạt động này. Khi ra tòa ở Moscow năm 2018, ông nói: “Tôi cảm thấy thật sự bị lợi dụng”.
Ông Berg bị tòa án Nga kết án 14 năm tù. Người ủng hộ ông từng losẽ mất nhiều năm trước khi ông được về nước. Họ nói ngay cả Nga có xét trao trả điệp viên chăng nữa, thì xem ra không có điệp viên Nga nào ở các nhà tù của Na Uy.
Theo Times, vụ trao đổi điệp viên 3 bên bất thường này giữa Nga với 2 nước thành viên NATO cho thấy Nga quan tâm việc dùng công dân nước ngoài bị bắt ở Nga vào việc đòi tự do cho công dân Nga bị bắt ở nước ngoài.
Vẫn theo tờ báo Mỹ, có tin Điện Kremlin đã cố gắng trao đổi một phụ nữ Israel bị bắt với vài gam ma túy trong hành lý tại một sân bay Moscow, để đòi về một người Nga sắp bị dẫn độ từ Israel sang Mỹ để xét xử tội danh hoạt động tin tặc. Nỗ lực này vừa thất bại, sau khi Israel tiến hành vụ dẫn độ.
Hồi tháng 9, Nga-Ukraine cũng trao đổi tù binh. Nga trả đạo diễn điện ảnh Oleg Sentsov, người bị giam ở Nga với tội danh khủng bố, cùng 24 thủy thủ Ukraine bị bắt ở vùng biển gần bán đảo Crimea thuộc Nga hồi năm 2018.
Luật sư của ông Berg cũng đại diện nhiều người Ukraine trong vụ trao đổi này, nói: “Bất kỳ công dân nước ngoài nào bị bắt ở Nga đều là con tin, và người đó phải được dùng để đổi lấy ai đó hoặc thứ gì đó”.
Ông Berg khi ra tòa ở Moscow- Ảnh: TASS
Mỹ Trinh (theo New York Times)