Nói về xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển ở trò chơi trực tuyến gắn với vật phẩm mã hóa (NFT), tiền mã hóa và blockchain, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng thừa nhận chúng là tài sản là một điều tất yếu, vì nó đã, đang và sẽ tồn tại.

“Ngã tư” trong xây dựng pháp lý đối với tiền mã hóa, NFT, blockchain…

Lam Thanh | 30/12/2021, 16:23

Nói về xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển ở trò chơi trực tuyến gắn với vật phẩm mã hóa (NFT), tiền mã hóa và blockchain, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng thừa nhận chúng là tài sản là một điều tất yếu, vì nó đã, đang và sẽ tồn tại.

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về việc NFT, tiền mã hóa là tài sản nên giao dịch NFT, tiền mã hóa chưa được coi là giao dịch chuyển nhượng tài sản. Do đó, chưa thể đánh thuế vào phần lợi tức phát sinh của chủ thể tham gia vào trao đổi NFT, tiền mã hóa.

Tại tọa đàm "Xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển của trò chơi trực tuyến tại Việt Nam", đề cập đến vấn đề thuế đối với các giao dịch tài sản mã hóa, bà Nguyễn Lan Phương (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông) cho rằng xu hướng về tiền mã hóa, gamefi hiện nay đang đặt ra rất nhiều câu hỏi chính sách.

Ví dụ như có nên công nhận vật phẩm NFT hoặc tiền mã hóa là tài sản hay không? Nếu công nhận thì nó sẽ là loại tài sản nào theo Bộ luật Dân sự hiện hành? Việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp cung cấp gamefi như thế nào để hài hòa giữa lợi ích kinh tế và mục tiêu quản lý?, v.v..

toa-dam.png
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm

Cũng nói về xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển ở trò chơi trực tuyến gắn với vật phẩm mã hóa, tiền mã hóa và blockchain, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng thừa nhận chúng là tài sản là một điều tất yếu, vì nó đã, đang và sẽ tồn tại.

“Điều quan trọng là thừa nhận, công nhận một cách chính thức hay thừa nhận theo kiểu bỏ ngỏ hay không công nhận. Bây giờ chúng ta đang lẫn lộn giữa bỏ ngỏ và không công nhận, chứ chính thức thì chưa. Có khi hiện nay pháp lý của chúng ta đang đi hàng ba”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, điều 327 Nghị định 72/2013 quy định đơn vị tiền ảo một loại công cụ cung cấp dịch vụ dùng để trao đổi mua bán vật phẩm ảo, điểm thưởng, kỹ năng trong trò chơi. Ngoài ra, Thông tư 24 giải thích vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản.

Điều này đã được khẳng định rất rõ: không có giá trị quy đổi lại thành tiền, thẻ thanh toán hoặc hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử. Đặc biệt, không được mua bán các vật phẩm ảo, đơn vị ảo, tiền thưởng, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau.

“Cho nên, nếu như muốn vận động, muốn thay đổi quan điểm là tài sản giao dịch thì phải đi từ những thông tư, nghị định này trở lên. Còn theo như thông tư, nghị định này, vật phẩm ảo đều là dạng không hợp pháp. Còn muốn công nhận hay không thì phải là luật. Bộ luật Dân sự, điều 105 hiện nay quy định 4 loại tài sản thì tiền ảo thuộc loại nào?

Nó không phải là vật, cũng chắc chắn không phải là tiền, cũng không phải là giấy tờ có giá. Tôi quan điểm nó sẽ nằm ở trong loại tài sản thứ 4, là quyền tài sản. Tuy nhiên, hiện nay các bộ ngành chưa thống nhất quan điểm. Ngoài ra, nếu công nhận tiền mã hóa, NFT… thì phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều luật và văn bản pháp luật từ dân sự, đầu tư, kinh doanh, giao dịch điện tử, ngân hàng, tới phòng chống rửa tiền…

toa-dam-2.png
Luật sư Trương Thanh Đức phát biểu tại tọa đàm

Ví dụ nói về bitcoin, năm 2016 Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có văn bản có thể hiểu đó là tài sản và là hàng hóa, cho nên kinh doanh thì phải nộp thuế. Nhưng 2017 có bản án của tỉnh Bến Tre tuyên nó không là cái gì. Do đó, có nhà đầu tư lãi được mấy tỉ đồng, không phải nộp thuế và sau đó bản án này có thể nói như một “án lệ”.

Nhưng mới đây, Viện KSND tối cao vừa mới truy tố tội cướp bitcoin trị giá 37 tỉ đồng ở Đồng Nai. Nhưng nếu không phải là tài sản thì làm sao có thể truy tố được?

“Có thể nói đây là thách thức pháp luật đối đối với việc công nhận các vật phẩm NFT cũng như đồng tiền mã hóa. Nó là loại tài sản gì? Cấm hay là hạn chế gì? Có được thanh toán hay không? Xử lý vi phạm xử lý tranh chấp thế nào?...", ông Đức nói và cho rằng muốn cấm cũng cần phải có luật.

Bà Trương Kiều Oanh, đại diện bộ phận pháp chế Công ty cổ phần Gamota cho biết các doanh nghiệp ngành games vướng nhiều đến vấn đề thuế nhà thầu. Chi phí của các doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều vào quảng cáo, marketing trên các nền tảng Facebook, YouTube hay dịch vụ quảng cáo trực tiếp.

Theo bà Oanh, thuế nhà thầu được quy định rõ ở Thông tư 103/2014 của Bộ Tài chính. Đối với khoản quảng cáo, hầu hết hiện nay Facebook, YouTube, Google không chấp nhận việc phải chịu 1 khoản thuế bị đánh thuế bởi nhà nước Việt Nam. Khi doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế nhà thầu thay cho doanh thu của Facebook, YouTube, Google sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp mất đi một khoản chi phí cộng thêm một phần thuế chịu cho đối tác, tất nhiên bên đối tác thì không hoàn trả khoản thuế này.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện khoản kê khai nộp thuế đó thì doanh nghiệp không được ghi vào hạch toán chi phí của công ty. Ngoài ra, đối với những khoản chi phí dưới 20 triệu đồng, đối tác của công ty nộp thuế thông qua cá nhân thì chi phí đấy lại thành chi phí cá nhân và rất khó kê khai.

Nhiều ý kiến cho rằng việc thừa nhận tiền ảo đe dọa quyền lợi hợp pháp của nhà nước, chính quyền, mang đến tự chủ rất lớn cho cá nhân thay vì tính tập trung quyền lực vào tay nhà nước.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Thành Trung (nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Công ty Sky Mavis) cho rằng công nghệ là công cụ và quan trọng là việc mình sử dụng nó như thế nào. Theo đó, cần kết hợp công nghệ mới và truyền thống, gồm cả hệ thống vận hành bởi Chính phủ, không thể một bên đứng ngoài lề và phát triển hoang dã.

Ví dụ Việt Nam không chấp nhận phương tiện thanh toán ngoại tệ, tuy nhiên khi đi qua mạng lưới thanh toán visa, mastercard thì một khách du lịch nước ngoài sở hữu ngoại tệ vẫn thực hiện chi trả cho hàng hóa dịch vụ tại Việt Nam và hoàn toàn kiểm soát được, thông qua ngân hàng, dòng tiền ngoại tệ ra vào.

“Từ quan điểm kỹ thuật, tôi nghĩ có nhiều cách để làm và hoàn toàn hợp lý đúng theo quan điểm của Chính phủ. Tôi thấy hiện nay vẫn tiếp cận ở góc độ thử nghiệm nhiều hơn, nên đẩy mạnh góc nhìn hài hòa, không bài trừ, rồi sau đó tăng thêm kiến thức, kết hợp các bên liên quan thì chúng ta mới làm được nhiều thứ đúng đắn hơn”, ông Trung nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Ngã tư” trong xây dựng pháp lý đối với tiền mã hóa, NFT, blockchain…