Quy định mới của Ngân hàng Nhà nước tăng hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Đồng thời, áp dụng hệ số rủi ro từ 50-150% với các khoản vay cá nhân phục vụ mua nhà. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới doanh nghiệp bất động sản.

Ngân hàng siết vốn dài hạn: Thách thức lại bủa vây doanh nghiệp địa ốc

Phan Thị Diệu | 26/11/2019, 21:16

Quy định mới của Ngân hàng Nhà nước tăng hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Đồng thời, áp dụng hệ số rủi ro từ 50-150% với các khoản vay cá nhân phục vụ mua nhà. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới doanh nghiệp bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước mới ban hành thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 1.1.2020.

Đáng chú ý nhất là thông tư trên quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn. Cụ thể, từ 1.1.2020 đến 30.9.2020 là 40%; từ 1.10.2020 đến 30.9.2021 là 37%; từ 1.10.2021 – 30.9.2022 là 34% và kể từ 1.10.2022 là 30%.

So với dự thảo đưa ra hồi đầu năm, lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn theo thông tư 22 đã giãn thời gian hơn, giúp các ngân hàng có thêm thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn.

Số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước tính đến cuối tháng 8.2019 cho thấy, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn toàn hệ thống ngân hàng ở mức 27,61%, trong đó các ngân hàng tư nhân đạt 30,91%; các ngân hàng có vốn nhà nước đạt 30,61%; các công ty tài chính và cho thuê tài chính đạt 36,75%...

Nhận định về quy định mới này, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống 30% trải dài trong 3 năm là dài hơn so với kỳ vọng ban đầu của thị trường (1-2 năm).

“Việc kéo giãn thời gian dài hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực thi mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động các kỳ hạn trung và dài tại các ngân hàng nhỏ vốn thường gặp khó khăn về thanh khoản. Bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

Đối với các khoản phải đòi khác có giá trị từ 4 tỉ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 đến hết ngày 31.12.2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1.1.2021.

Như vậy, thông tư này có thể thấy định hướng chung của Ngân hàng Nhà nước vẫn là hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro, nâng cao an toàn chung của hệ thống chứ không vì xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế mà phát triển tín dụng ồ ạt cho tất cả các lĩnh vực”, BVSC đánh giá.

Cũng đánh giá về tác động của thông tư 22, chuyên gia ngân hàng TS Bùi Quang Tín nhận định doanh nghiệp bất động sản có thể là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp bất động sản vẫn dựa khá nhiều vào dòng vốn từ hệ thống ngân hàng cho nhu cầu về vốn trung và dài hạn. Do đó, nếu siết càng nhanh thì các dự án bất động sản và cả thị trường sẽ chịu tác động đáng kể.

Mặc dù vậy, việc siết lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng, buộc ngân hàng cho vay trung, dài hạn phải có trách nhiệm hơn, cẩn trọng hơn. Về lâu dài, ngân hàng chỉ nên là kênh cấp vốn ngắn hạn cho thị trường,doanh nghiệpmuốn tìm vốn trung, dài hạn thì phải huy động trên thị trường vốn.

Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nói rằng, các doanh nghiệp địa ốc có thể chịu ảnh hưởng từ chính sách mới nói trên. Thế nhưng, quy định này phù hợp với các đề xuất trước đó của HoREA. Cụ thể, việc thực hiện các quy định mới có lộ trình từng giai đoạn giúp doanh nghiệp bất động sản có thời gian chuẩn bị.

Ông Châu cũng lưu ý ngân hàng cần theo dõi cách sử dụng nguồn vốn vay theo đúng mục đích. Việc này nhằm tránh tình trạng một chủ đầu tư vay vốn cho dự án bất động sản hình thành trong tương lai nhưng sau đó lại dùng tiền vay được để đi mua đất, từ đó, có thể phát sinh nợ xấu.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng siết vốn dài hạn: Thách thức lại bủa vây doanh nghiệp địa ốc