Hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng trong nhiều năm qua...

Ngân sách 'mất không' hàng chục nghìn tỉ đồng vì DN FDI chuyển giá

12/06/2020, 05:33

Hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng trong nhiều năm qua...

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong - Ảnh: Internet

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai báo lỗ khá phổ biến hiện nay, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước. Đánh giá về thực trạng này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nhìn nhận các hành vi “chuyển giá” đã và đang gây thất thu lớn cho ngân sách, làm gia tăng giá trị nhập khẩu, tác động tiêu cực đến cán cân thương mại và cán cân thanh toán, làm môi trường kinh doanh trong nước xấu đi, làm sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn FDI nói riêng và vốn nói chung.

"Cụ thể, TP.HCM có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Một điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn, nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh (các ví dụ điển hình như trường hợp của Coca-Cola hay Pepsi)", vị chuyên gia này phân tích.

TS Nguyễn Minh Phong cho biết hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng trong nhiều năm qua. Hơn nữa, nhiều dự án FDI sử dụng công nghệ lạc hậu và là nguyên nhân trực tiếp gây tổn hại môi trường sinh thái, chất lượng sản phẩm thấp, chi phí sản xuất cao. Các doanh nghiệp FDI nhận được nhiều ưu đãi hơn các doanh nghiệp nội địa, như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất…

Thực tiễn quản lý các dự án FDI trong thời gian qua qua đánh giá của vị chuyên gia này vẫn còn nhiều hạn chế, như: Chưa nhất quán giữa mục tiêu và biện pháp thực hiện thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao; Các chính sách ưu đãi thu hút được áp dụng chung cho toàn bộ các tỉnh thành, chưa dựa trên lợi thế cạnh tranh, đặc thù của mỗi địa phương. Thực tế trên đã dẫn tới tình trạng cạnh tranh về thu hút FDI giữa các địa phương.

Hơn nữa, các chính sách ưu đãi thu hút còn phức tạp, chồng chéo, nằm rải rác ở nhiều văn bản luật pháp khác nhau và thiếu cơ chế theo dõi quá trình thực hiện chính sách. Các chính sách ưu đãi thu hút FDI được đưa ra, nhưng chưa được một cơ quan độc lập, có năng lực đánh giá về kết quả quá trình thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút FDI.

Đồng thời, chưa thực hiện đánh giá tác động đầy đủ của chính sách và chi phí lợi ích mà chính sách đạt được. Ngoài ra, các thủ tục để được nhận ưu đãi chưa minh bạch, vẫn còn cơ chế xin cho, một số chính sách ưu đãi được ban hành, nhưng không có quy định về điều kiện và thủ tục để được hưởng ưu đãi…

"Trong tầm nhìn trung và dài hạn, thu hút FDI vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, tuy nhiên, chúng ta cần chủ động nhận diện mặt trái của việc thu hút đầu tư FDI đến kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là chú ý đến môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp và xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm khắc phục các bất cập, thách thức đang gặp phải", chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho hay.

Theo đó, vị chuyên gia này đề xuất yêu cầu cấp bách hiện nay là phải xây dựng chính sách và quản lý các dự án FDI, đặc biệt là cơ sở pháp lý của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán việc ban hành chính sách, việc thực thi chính sách và quản lý nhà nước đối với các dự án FDI. Bên cạnh đó là hoàn thiện và triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao vai trò, chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, cũng như cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Kiểm toán nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước để góp phần phòng ngừa, hạn chế những mặt trái từ đầu tư FDI

Đến nay, Việt Nam đã thu hút khoảng hơn 30.000 dự án đến từ 130 nước và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký đạt 362 tỉ USD, vốn thực hiện đạt 211 tỉ USD. Các dự án FDI mang lại nguồn lực bổ sung, đóng góp vào tăng trưởng GDP, thu ngân sách nhà nước và cải thiện cơ cấu kinh tế, tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và quyết định xu thế xuất siêu gần đây của Việt Nam.

Tính chung, các doanh nghiệp FDI đã chiếm tới khoảng 20% GDP, khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu, chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân sách 'mất không' hàng chục nghìn tỉ đồng vì DN FDI chuyển giá