Các tỉnh ở ĐBSCL như Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau… đều có làng nghề truyền thống hầm than. Những làng nghề tồn tại hàng trăm năm này đang phát sinh vấn đề khó giải quyết đó là gây ô nhiễm môi trường.
Bảo vệ môi trường

Nghề truyền thống hầm than và tác hại đối với môi trường

V.K.K - Lương Xuân Cao 03/06/2024 06:51

Các tỉnh ở ĐBSCL như Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau… đều có làng nghề truyền thống hầm than. Những làng nghề tồn tại hàng trăm năm này đang phát sinh vấn đề khó giải quyết đó là gây ô nhiễm môi trường.

Nghề truyền thống cho thu nhập ổn định

than-9.jpg
Vất vả nghề hầm than - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ông Hà Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: "Nghề hầm than tức là nghề sản xuất than củi. Người hầm than cho hàng chục mét khối gỗ đước vào lò, đốt lò với thời gian dài khoảng 20 ngày để gỗ biến thành than đước. Do thời gian đốt lò kéo dài hơn nửa tháng mới cho một mẻ than nên dân miền Tây gọi là hầm than".

Theo ước tính, mỗi lò hầm than đước cho sản phẩm có giá trị khoảng 90 triệu đồng và lò hầm than cây tạp giá trị khoảng 60 triệu đồng. Mỗi năm, các lò hầm than ở Xuân Hòa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 54.000 tấn than. Nguyên liệu dùng để hầm than chủ yếu là gỗ đước, nhãn, vú sữa, bạch đàn, bưởi,... Trung bình mỗi năm một lò hầm than sản xuất ra khoảng 6 mẻ than, một mẻ trung bình khoảng 12 tấn than.

Cũng theo ông Hà Thanh Bình, có thời điểm toàn xã có trên 1.000 lò hầm than, nhưng vì nhiều nguyên nhân, một số hộ đã bỏ lò chuyển sang làm nghề khác. Hiện tại, xã Xuân Hòa có 430 hộ làm nghề hầm than với 939 lò, tập trung ở các ấp Hòa Thành, Hòa Lộc 2, Hòa An.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Kế Sách, làng nghề hầm than Xuân Hòa tạo công ăn việc làm ổn định cho vài ngàn lao động. Thu nhập bình quân của người lao động làm nghề hầm than là 5 - 6 triệu đồng/tháng.

than-8.jpg
Những phụ nữ làm công cho chủ hầm than ở Kế Sách (Sóc Trăng) - Ảnh: L.X.C

Ông Huỳnh Văn Chi (ấp Hoà Lộc 2, xã Xuân Hòa) cho biết: “Gia đình tôi có 2 lò, chủ yếu là hầm than đước, mỗi lò cho ra sản phẩm từ 12-15 tấn than. Từ khi phát lửa cho đến khi than "chín" khoảng từ 20 ngày đến 1 tháng. Khi than "chín" là đóng cửa lò, chờ khoảng 20 ngày cho nguội mới dỡ than ra lò bán cho thương lái.

Để hầm được 1 lò than đước cần khoảng 20m3 củi (chủ yếu là cây tạp) đốt lò cho than đước "chín". Sau khi trừ chi phí, nếu được giá, mỗi lò cho lợi nhuận khoảng 15 triệu. Nếu giá thấp thì mỗi lò cho lợi nhuận khoảng 5-6 triệu đồng”.

than-10.jpg
Những vườn cây ở vùng hầm than (Châu Thành, Hậu Giang) trơ trụi và khói bụi - Ảnh: Văn Kim Khanh

Còn tại tỉnh Hậu Giang, hiện trên địa bàn thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành có hơn 900 lò hầm than. Việc xử lý khí thải, quy hoạch lại nơi xây dựng lò than ở những địa phương này đang gặp nhiều khó khăn. Nơi có hàng trăm lò hầm than dọc theo tuyến nam sông Hậu, nhất là đường vào thị xã Ngã Bảy, môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

than-11.jpg
Nghề hầm than gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường - Ảnh: L.X.C

Với người dân dọc tuyến sông Hậu, nghề hầm than có cách nay hàng chục năm. Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có hai địa phương là thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành tập trung nhiều lò hầm than nhất. Những lò hầm than củi nơi đây đang giúp nhiều người dân có cuộc sống ổn định.

Bà Châu Thị Điều, ở ấp Đông An 2A, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, cho biết: "Trước đây cha mẹ làm lò hầm than và để ruộng cho hai vợ chồng tôi làm, có ba công ruộng (3.000m2) nên thu nhập không ổn định. Sau này cha mẹ lớn tuổi, vợ chồng tôi thấy làm lò hầm than hiệu quả hơn nên để ruộng cho người ta thuê, cả nhà tập trung vào lò hầm than".

than-4.jpg
Những ngôi nhà ở gần vùng nghề hầm than - Ảnh: L.X.C

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư ấp Tân Phú, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), cho biết nghề hầm than xuất hiện tại địa phương từ những năm 1980. Nhờ nghề này mà đời sống của người dân khá ổn định cho dù phải vất vả quanh năm. Cực nhất là vào mùa khô, nắng nóng hầm hập, cộng thêm cái nóng của lò hầm than tỏa ra càng làm cho không khí nóng hơn, ngột ngạt hơn. Tuy vậy, những người làm nghề hầm than vẫn chấp nhận vì đây là nghề mang đến cho họ nguồn thu nhập ổn định.

Chị Nguyễn Thị My, người làm công cho một chủ lò hầm than chia sẻ: "Ở địa phương có hàng ngàn người làm công cho các chủ lò hầm than, trong đó đa số là phụ nữ. Một ngày làm ở lò hầm than mỗi người được trả công từ 200.000 - 250.000 đồng, tuy không cao nhưng cũng là khoản thu nhập đáng kể, ổn định đối với người dân miệt vườn như chúng tôi".

Gây ô nhiễm môi trường

Theo đánh giá của UBND xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), nghề hầm than gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân sống xung quanh khu vực có lò than do hít phải khí thải từ các lò than. Bản thân nhiều người lao động tại các lò hầm than cũng đang chủ quan, chưa quan tâm đến trang bị bảo hộ lao động.

Bên cạnh đó, khói bụi từ lò hầm than ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khi bám vào cây ăn quả làm cho cây bị hư, kém phát triển, ít ra hoa, đậu quả. Thống kê cho thấy đã có khoảng 425ha cây ăn quả bị thiệt hại do ảnh hưởng của khói bụi than. Ngoài ra còn có tình trạng những người làm nghề hầm than xây lò, chất củi gây cản trở giao thông; nhiều người làm nghề hầm than chưa thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

than-1.jpg
Chuẩn bị đốt lò hầm than - Ảnh: L.X.C

Trước thực trạng trên, những năm trước, tỉnh Sóc Trăng đã có kế hoạch quy hoạch tập trung các lò hầm than vào một khu vực ở địa bàn xã (nay là thị trấn) An Lạc Thôn, nhưng đến nay chưa thực hiện được vì nhiều hộ không đồng ý với việc di dời này. Bên cạnh đó, chính quyền đã có kế hoạch lắp đặt các thiết bị xử lý khói bụi nhưng đến nay cũng chưa thực hiện được.

Ông Huỳnh Văn Chi ở thị trấn An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Tỉnh có quy hoạch dời các lò hầm than ra ngoài An Lạc Thôn nhưng các hộ dân không đồng ý, vì ra đó phải thuê đất mở lò, đường vận chuyển nguyên liệu hầm than và than thành phẩm khó khăn, từ đó sẽ đội giá thành của than sản phẩm. Trong khi đó, lâu nay chúng tôi làm lò hầm than ngay trên đất của mình, gần nhà, không tốn tiền thuê mặt bằng, lại dễ quản lý, vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm cũng thuận tiện hơn”.

than-6.jpg
Một lò hầm than ở thị trấn An Lạc Thôn (Sóc Trăng) - Ảnh: L.X.C

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang Nguyễn Huỳnh Phước cho biết UBND tỉnh Hậu Giang đã có kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trước những nguy cơ về ô nhiễm môi trường từ nghề hầm than. Cụ thể, dự án hỗ trợ xử lý khí thải các lò hầm than trên địa bàn thị xã Ngã Bảy là một trong những dự án của tỉnh. Hậu Giang cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ các hộ làm nghề hầm than như nghiên cứu, lắp đặt hệ thống xử lý khói bụi nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương. Tuy nhiên, đến nay tất cả vẫn chưa triển khai, còn người làm than thì do mưu sinh nên công việc của họ vẫn tiếp tục. Đây là cái khó cần giải quyết trong tương lai.

Một nhân công nữ làm nghề ầm than ở Sóc Trăng - Clip: Lương Xuân Cao
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 10.9, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ phát động.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề truyền thống hầm than và tác hại đối với môi trường