Từ thông tin báo chí cáo buộc một “điệp viên của Trung Quốc” đã lại trúng cử vào Quốc hội New Zealand sau cuộc bầu cử ngày 23.9, Phó thủ tướng nước này đã đề nghị mở cuộc điều tra.
Nhân vật bị cáo buộc “điệp viên Trung Quốc” hoặc “Ứng viên Mãn Châu” là nghị sĩ gốc Trung Quốc Dương Kiện thuộc đảng Quốc gia (trung hữu và đối lập).
Ông Dương Kiện nhận có nhận lương từ quân đội Trung Quốc
Hồi tháng 9, báo Financial Times đưa tin ông Dương Kiện bị tình báo New Zealand điều tra, vì ông từng có 10 năm được đào tạo rồi dạy tiếng Anh ở những học viện quân sự cấp cao của Trung Quốc, gồm cả trường đào tạo sĩ quan tình báo.
Ông Dương Kiện từng sống ở Trung Quốc cho đến khi 32 tuổi thì định cư ở New Zealand, nay 55 tuổi. Ông từng trúng cử Quốc hội New Zealand lần đầu tiên năm 2011 và đến tháng 9.2017 lại trúng cử.
Trong lý lịch chính thức của ông Dương Kiện ở New Zealand, hoặc ở phần giới thiệu được công bố khi ông là một giảng viên củaTrường đại học Auckland, đều không có thông tin về quá trình học tập-giảng dạy của ông ở Trung Quốc, cũng không có thông tin nhân thân quân sự của ông.
Cũng không thể biết có quan chức chính phủ cấp cao nào biết chuyện ông Dương Kiện có quan hệ với các học viện quân sự và trường đào tạo điệp viên của Trung Quốc hay không. Báo Financial Times còn nêu không rõ chính phủ New Zealand đã có những biện pháp nào để bảo vệ những bí mật quốc gia.
Ông Dương Kiện đã nói với giới truyền thông New Zealand ông không phải là “điệp viên của quân đội Trung Quốc”, và ông trung thành với New Zealand. Ông nói những bài báo về nhân thân của ông là “một chiến dịch bôi nhọ”, nhưng ông thừa nhận từng là một “cán bộ dân sự” nhận lương của quân đội Trung Quốc, và ông có đào tạo những học viên, là những người sau này trở thành sĩ quan tình báo Trung Quốc.
“Giúp” cử tri có được chức vụ ở Bộ Quốc phòng
Người yêu cầu điều tra nghị sĩ Dương Kiện là Phó thủ tướng Winston Peters, kiêm Ngoại trưởng New Zealand. Ông nhắc lại những “bài báo nghiêm túc” mô tả hồi năm 2012 ông Dương Kiện đã vận động hành lang các bộ trưởng, nhằm hủy bỏ một quyết định của Cục Tình báo quốc gia (SIS).
Quyết định này không phê chuẩn một cử tri làm ứng viên cho một chức vụ trong Bộ Quốc phòng New Zealand, vì người này “có vấn đề về an ninh cá nhân”.
Trong một bức thư tuân thủ Luật tự do thông tin của New Zealand, những chi tiết về việc ông Dương Kiện “vận động” để giúp cử tri-ứng viên được nhận chức vụ trong Bộ Quốc phòng được công bố.
Đó là thư trả lời của Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó, ông Jonathan Coleman, không cho biết quốc tịch hoặc chức vụ mà ứng viên xin nhận, nhưng nêu ứng viên đã không sống ở New Zealand suốt 10 năm, vốn là một tiêu chuẩn để xét cấp một chức vụ trong Bộ Quốc phòng New Zealand.
Thư hồi âm viết rằng ông Dương Kiện “đến văn phòng tôi nhân danh quý cử tri”.
Báo New Zealand Herald đưa tin ông Dương Kiện đã xác nhận với báo này ứng viên chào đời ở Trung Quốc.
Ngay sau đó, ông Dương Kiện ra tuyên bố, nói ông không làm gì sai phạm, chỉ can thiệp chính đáng để giúp một cử tri. Và khi ông nhận thư hồi âm, ông đã không có hành động nào khác.
Nữ Thủ tướng Jacinda Ardern (thuộc Công đảng vốn lập chính phủ liên minh với đảng New Zealand trên hết và đảng Xanh) ủng hộ ngầm tuyên bố của Phó thủ tướng Peters, nói với báo Herald: “một ứng viên vận động hành lang về quyền an ninh tiếp cận hồ sơ mật là không chính đáng”.
Vị Phó thủ tướng cũng là thủ lĩnh đảng New Zealand trên hết, cũng cáo buộc đảng Quốc gia đối lập dựa cậy quá nhiều vào nguồn tiền tặng của nước ngoài.
Luật New Zealand cho phép các đảng phái nhận tiền tặng của nước ngoài, với điều kiện số tiền không được quá 1.500 đô la New Zealand (bằng 1.045 USD).
Phó thủ tướng Peters nói với các nhà báo: “Đó là những cáo buộc nghiêm trọng, cần phải điều tra, và đảng Quốc gia không nên mặc kệ chuyện một thành viên của đảng này bị cáo buộc”.
Nhưng đảng Quốc gia tuyên bố họ tuân thủ luật bầu cử 100%.
New Zealand và Úc đều ngán Bắc Kinh gây ảnh hưởng
Những cáo buộc ông Dương Kiện do báo New Zealand Herald đăng đầu tiên, vào lúc đang có những nghi ngờ Trung Quốc tung nỗ lực can thiệp vào chính trường các nước phương Tây, trong đó có Úc, đã phải cấm ngưng nhận tiền tặng quỹ chính trị, tiếp sau một tai tiếng liên quan những khoản tiền tặng của những doanh nhân Trung Quốc.
Tuần trước, SIS phát cảnh báo về những chính phủ nước ngoài âm mưu hoạt động gián điệp và gieo tầm ảnh hưởng ở New Zealand.
Trước cuộc bầu cử Quốc hội New Zealand hồi tháng 9, nữ học giả Anne Marie-Brady của Trung tâm Wilson (một tổ chức nghiên cứu do chính phủ tài trợ) đã cáo buộc đảng Quốc gia có làm ăn với Trung Quốc.
Bà Anne không đưa ra được chứng cứ nào, nhưng cáo buộc ông Dương Kiện và nghị sĩ Công đảng Raymond Huo là “điệp viên Trung Quốc”. Bà cũng kêu gọi SIS điều tra “tầm ảnh hưởng của Trung Quốc” đối với giới truyền thông, doanh nghiệp, các trường đại học và chính trị New Zealand.
Đến ngày 11.12, báo Financial Times dẫn lời những nguồn tin giấu tên là “các chuyên gia an ninh”, nêu gần 200.000 Hoa kiều sống ở New Zealand có thể bị người của Bắc Kinh “gieo ảnh hưởng”.
Vĩnh Thụy (theo Financial Times)