Theo Newsweek, rất có thể chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giúp chính quyền Nga “bịt miệng” một nghị sĩ đối lập.

Nghi án Mỹ giúp Nga ‘chặn đường’ một nghị sĩ chuyên tố tham nhũng

05/08/2018, 13:47

Theo Newsweek, rất có thể chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giúp chính quyền Nga “bịt miệng” một nghị sĩ đối lập.

Minh họa nghi án Mỹ-Nga bắt tay xử Rudnikov - Ảnh: Newsweek

Hồi tháng 11.2017, nghị sĩ đối lập Igor Rudnikov đang ở nhà ông ở vùng Kaliningrad, các đặc vụ Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) bịt mặt ập vào, bắt ông và cáo buộc ông toan tống tiền một vị tướng của Ủy ban Điều tra liên bang Nga (SKR).

Rudnikov là một nghị sĩ thẳng thừng phê phán chính phủ Tổng thống Nga Vladimir Putin, và là tổng biên tập báo Novye Kolyosa vốn nổi tiếng vạch trần những vụ tham nhũng. Gần đây, báo đăng một bài viết, thắc mắc Tướng Ledenyov lấy đâu ra tiền để sở hữu một ngôi nhà sang bên hồ.

Rudnikov đã phủ nhận cáo buộc ông tống tiền tướng Ledenyov, đòi 50.000 USD thì ngưng đăng bài về vị sĩ quan SKR.

Khi trả lời phỏng vấn của Newsweek, Rudnikov cho biết ông bị FSB thẩm vấn nhiều giờ và đánh ông dã man đến độ ông bất tỉnh.

Một chính khách đối lập ở Kaliningrad, ông Mikhail Chesalin nói: "Chỉ có kẻ ngu mới dám tống tiền một tướng SKR vốn chỉ báo cáo trực tiếp với ông Putin. Cứ như họ toan tính tống tiền chính ông Putin vậy. Mà Rudnikov chắc chắn không phải kẻ ngu”.

Ông Rudnikov bị thương ở tay sau một lần bị hành hung - Ảnh: Newsweek

Chính phủ Trump là “nguồn tin không chê vào đâu được” của Nga?

Tội danh tống tiền không chỉ là rắc rối pháp lý duy nhất của Rudnikov. Các đặc vụ FSB (hậu thân của Cục tình báo Liên Xô-KGB) nói họ còn phát hiện một thẻ xanh (cho phép thường trú dài hạn ở Mỹ) khi khám nhà ông.

Theo Newsweek, từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, phương Tây kịch liệt phản đối Nga can thiệp vào nội chiến ở đông Ukraine, việc giấu quốc tịch kép hoặc có quyền sống ở nước ngoài là một tội hình sự ở Nga. Các nghị sĩ thân Điện Kremlin nói luật này cần thiết để đề phòng “địch thù” hoạt động chống lại quyền lợi Nga.

Rudnikov phủ nhận cáo buộc ông có thẻ xanh do Mỹ cấp, nhưng vì thông tin ông có thẻ xanh, quốc hội vùng Kaliningrad nhanh chóng bãi nhiệm chức nghị sĩ của ông.

Sau đó, Rudnikov kháng nghị sự bãi nhiệm ở tòa án. Dù vậy, tòa án vẫn bác đơn kháng nghị của Rudnikov, không cho ông được đóng tiền bảo lãnh tại ngoại, với lý do ông có thể trốn ra nước ngoài vì đã có thẻ xanh.

Giới truyền thông Nga còn nói bóng gió Rudnikov là một điệp viên Mỹ, đài truyền hình nhà nước đăng ảnh các chuyến đi Mỹ của ông, và con trai ông đang học ở một trường trung học Mỹ.

Theo Newweek, quyết định này của tòa án do các nhà điều tra Nga trình bày trước một thẩm phán, rằng họ có một nguồn tin “không thể chê vào đâu được” đã cung cấp chứng cứ: chính phủ Mỹ.

Ngành kiểm sát Nga cũng trưng ra điều họ khẳng định là “bản sao” một bức thư của Sứ quán Mỹ ở Moscow gởi đến Bộ Ngoại giao Nga. Thư này xác nhận Rudnikov là một thường trú nhân ở Mỹ, được cấp thẻ xanh từ tháng 8.2013.

Newsweek đã có được bản sao bức thư, nhưng không thể xác minh độc lập. Theo Bộ An ninh nội địa Mỹ, số thẻ xanh trong thư là có, nhưng giấu nhân thân của người chủ tấm thẻ.

Luật Mỹ cho phép chính quyền nước này tiết lộ thông tin di trú Mỹ cho các chính phủ nước ngoài, nếu họ tin quyền lợi an ninh quốc gia của Mỹ bị đe dọa.

Nhưng theo một thỏa thuận hỗ trợ pháp lý song phương-do chính phủ Tổng thống Bill Clinton ký với Nga năm 1999-Mỹ có quyền bác yêu cầu cung cấp thông tin của Nga, nếu có lý do để nghi ngờ yêu cầu này liên quan việc buộc tội hình sự do động cơ chính trị.

Các cựu quan chức ngoại giao Mỹ và chuyên gia về di trú nói: việc cung cấp thông tin cá nhân của một thường trú nhân ở Mỹ cho chính phủ nước ngoài-trong tình hình này-là bất thường, khi vụ việc liên quan các nhân vật chống đối ở các nước mà Mỹ xếp là thế lực thù địch.

Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị giấu tên vì chuyện nhạy cảm, nói với Newsweek rằng Mỹ có quyền bác bất kỳ yêu cầu nào của Nga muốn được cung cấp thông tin về Rudnikov.

Thông tin về bức thư được cho là của ngành ngoại giao Mỹ không khác một quả bom tấn, có thể làm tăng căng thẳng giữa Nga-Mỹ. Vì nếu như thông tin của ngành kiểm sát Nga là đúng sự thật, hóa ra chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giúp chính quyền Nga truy bắt một nhân vật đối lập.

Theo Newsweek, nay Tổng thống Mỹ bỏ chính sách cứng rắn với Nga, và ông Trump muốn có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga ở Nhà Trắng vào năm 2019, vụ án Rudnikov có thể tạo ra một ô mới trong quan hệ phức tạp giữa hai lãnh đạo Mỹ-Nga.

Lâu nay, ông Trump tuyên bố muốn làm bạn với ông Putin, trong khi các nước phương Tây muốn cô lập Nga với cớ Nga chiếm Crimea của Ukraine.

Mới đây, ông Trump còn đòi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions lập tức chấm dứt cuộc điều tra của Cơ quan điều tra liên bang (FBI), về hai nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, và nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với các quan chức Nga. Ông Trump gọi 2 cuộc điều tra của FBI dưới quyền giám sát Công tố viên đặc biệt Robert Muller là “trò săn phù thủy thật sự làm hại quan hệ giữa ta với Nga”.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Sứ quán Mỹ ở Moscow đều từ chối bình luận với Newsweek về bức thư cho biết Rudnikov có thẻ xanh do Mỹ cấp, và không cho biết liệu các nhân viên của họ có cung cấp thông tin này cho Moscow hay không.

Ông John Sipher, cựu trưởng phân nhánh CIA ở Nga, nói: “Xem ra bức thư là thật, nhưng cũng có thể người Nga làm giả thẻ này”.

Rudnikov và luật sư cũng nêu giả thiết riêng của họ: bức thư là “đồ giả” của chính quyền Nga để đàn áp ông, người dùng phương tiện truyền thông để vạch trần tham nhũng cấp cao.

Luật sư Mikhail Zolotaryov cho biết Rudnikov phủ nhận ông là thường trú nhân có thẻ xanh của Mỹ. Ông đã yêu cầu được xem bản gốc thẻ xanh và bức thư ngoại giao, nhưng các nhà điều tra Nga bác. Ông cũng không được gặp thân chủ.

Bản án 15 năm tù có thể giáng xuống Rudnikov

Nay, Rudnikov bị giam ở nhà tù Lefortovo (ở Moscow) chờ ngày hầu tòa. Ông có thể bị tuyên bản án 15 năm tù vì tội tống tiền. Việc ông là thường trú nhân ở nước ngoài chỉ bị phạt số tiền 3.000 USD, hoặc chỉ bị phạt lao động công kích 400 giờ.

Rudnikov, 53 tuổi, từng là sĩ quan hải quân Liên Xô. Năm 1995, ông được bầu là nghị sĩ của miền Tây nước Nga, nơi ông nổi tiếng là một nhà hoạt động chống tham nhũng can đảm. Leonid Nikitinsky, một nhà hoạt động nhân quyền, nói: “Ông ấy là người hùng, trong mắt nhiều người ở Kalingrad”.

Nhưng không phải tất cả mọi người ngưỡng mộ cuộc điều tra của Rudnikov về tình trạng tham nhũng cấp cao và tổ chức tội ác. Ông từng thoát chết sau 2 vụ mưu sát. Vụ thứ nhất năm 1998, khi những kẻ lạ mặt tấn công ngay trước cửa nhà ông.

Vụ thứ hai năm 2016, khi một cựu cảnh sát đâm Rudnikov 5 nhát dao ngay tại trung tâm Kalingrad. Ban đầu, cảnh sát cho biết thủ phạm Aleksei Kashrin là “một tên côn đồ” và kẻ tấn công bị tòa án tuyên án 18 tháng tù, sau đó tòa phúc thẩm tăng lên án 9 năm tù, sau khi các tổ chức nhân quyền Nga và quốc tế gây sức ép.

Cựu cảnh sát Aleksei Kashrin bị kết án 9 năm tù vì toan giết Rudnikov - Ảnh Newsweek.

Đặc vụ FSB cũng khám xét tòa soạn báo Novye Kolyosa, tịch thu máy điện toán của các nhà báo và chính quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn trang web của báo này.

Trước đó khá lâu, tờ báo đã bị buộc giải thể, sau hơn 20 năm sản xuất báo giấy. Các quầy báo bỗng nhiên từ chối bán báo giấy, mà các nhà báo nói các quầy này bị FSB gây sức ép.

Vì Rudnikov bị tù và bị bãi nhiệm nghị sĩ, các nhà báo không thể làm gì để cứu tờ báo. FSB từ chối bình luận.

FSB tịch thu máy điện toán của tòa soạn báo Novye Kolyosa - Ảnh: Newsweek

Trung Trực (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghi án Mỹ giúp Nga ‘chặn đường’ một nghị sĩ chuyên tố tham nhũng