Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các bộ ngành về 2 phương án nghỉ Tết Giáp Thìn, cả 2 phương án đều kéo dài 7 ngày, chỉ khác thời điểm nghỉ từ 29 hoặc 30 tháng Chạp.
Ngay sau khi phương án được đưa ra, xã hội lại được một phen bàn tán xôn xao với những nhu cầu, mong muốn theo 2 phương án, người đồng tình với phương án này, người thì đồng tình phương án kia.
Chỉ mỗi việc quyết số ngày nghỉ Tết mà Bộ LĐ-TB&XH phải xin ý kiến tất cả các bộ, ngành để thống nhất trình Thủ tướng quyết. Vậy nên chúng ta đừng thắc mắc tại sao các cơ quan hành chính Nhà nước đều than thở càng ngày càng nhiều việc. Chỉ mỗi việc xin ý kiến ngày nghỉ Tết như đang làm lâu nay đã làm mất rất nhiều thời gian và là nguyên nhân làm cho các cơ quan Nhà nước thêm bận rộn.
Ở đời, người trồng lúa thì cầu trời mưa, người làm muối thì khấn cho trời nắng. Trong thực tế, không có bất cứ quy định nào có thể đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của tất cả mọi người. Vậy nên các cuộc bỏ phiếu, xin ý kiến thường quy định tỷ lệ số phần trăm nào đó sẽ trở thành ý kiến đại diện và được quyết định lựa chọn, việc lựa chọn số ngày nghỉ Tết cũng vậy. Có lẽ vì vậy mà ngay sau khi 2 phương án nghỉ Tết được đưa ra đã có 2 luồng ý kiến lựa chọn khác nhau, thậm chí nhiều ngườ còn có những mong muốn khác với 2 phương án mà Bộ LĐ-TB&XH đề xuất. Điều này là hết sức bình thường bởi ai cũng mong muốn phương án được chọn có lợi nhất cho mình.
Câu hỏi đặt ra là tại sao có mỗi một việc nghỉ Tết bao nhiêu ngày mà năm nào cũng phải đưa ra để xin ý kiến và làm mất thời gian của xã hội. Không những vậy, nó còn gây thất vọng cho những người mà phương án họ mong muốn không được lựa chọn. Ngoài ra, việc lựa chọn các phương án nghỉ Tết không cố định sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm.
Hiện nay, Bộ luật Lao động quy định người lao động được nghỉ Tết chính thức 5 ngày. Lịch mỗi năm lại không giống nhau, ngày nghỉ chính thức có thể rơi vào cuối tuần, xen kẽ ngày làm việc vậy nên các cơ quan có trách nhiệm mà cụ thể ở đây là Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, đề xuất một phương án chung nhất theo hướng cố định.
Năm âm lịch, tháng Chạp (tháng Chạp chứ không phải tháng 12 bởi năm Âm lịch không có tháng 12) sẽ có tháng có 29 ngày và có tháng có 30 ngày.
Giả sử, nếu chúng ta quyết nghỉ Tết bắt đầu trước Tết 2 ngày thì: Nếu tháng Chạp nào có 29 ngày thì lấy ngày 28 làm chuẩn. Nếu tháng Chạp nào có 30 ngày thì lấy ngày làm chuẩn để bắt đầu nghỉ Tết là từ ngày 29 tháng Chạp.
Một tuần có 7 ngày bắt đầu từ thứ hai đến chủ nhật. Nghỉ Tết sẽ quyết theo hướng: Nếu ngày chuẩn nêu trên rơi vào thứ 2 thì sẽ quyết định số ngày nghỉ là bao nhiêu ngày, ngày chuẩn là thứ 3 thì nghỉ mấy ngày… cứ như vậy đến ngày chuẩn rơi vào chủ nhật thì sẽ quyết nghỉ mấy ngày. Khi quyết định như vậy sẽ khắc phụ được tình trạng lịch hàng năm không giống nhau và sẽ có một lịch nghỉ Tết thống nhất ngay từ đầu năm. Làm như vậy, mỗi năm sẽ không phải cân nhắc và xin ý kiến về số ngày nghỉ, cũng bớt được quy trình gửi xin ý kiến các bộ, ngành và đây là cách tốt nhất góp phần cải cách hành chính Nhà nước hiện nay.