Theo Journal of the Royal Society Interface, những thí nghiệm do các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Georgia và Vườn bách thảo Atlanta (Mỹ) tiến hành cho phép xác định được các thuộc tính khiến cho lưỡi ếch dính, giúp cho ếch khả năng dùng lưỡi đớp những con mồi một cách hiệu quả.
Theo Journal of the Royal Society Interface, thực ra các nhà khoa học đã nghiên cứu về lưỡi cóc và ếch từ năm năm 1849, nhưng họ vẫn chưa làm sáng tỏ hoàn toàn được các hiện tượng vật lý tạo nền tảng cho các thuộc tính của lưỡi cóc và ếch.
Thông thường, người ta tin rằng tất cả các vấn đề là ở độ dính cao của nước bọt ếch. Một nghiên cứu mới vừa chỉ ra rằng mặc dù nước bọt của loài ếch thực sự dính, nhưng có hai nhân tố đóng vai trò quyết định.
Trước hết, lưỡi của ếch rất mềm. Lưỡi ếch mềm gấp 10 lần so với lưỡi người và là một trong những vật liệu mềm nhất trong tự nhiên nói chung. Thứ hai, nước bọt ếch là một chất lỏng có độ nhớt phụ thuộc vào sự thay đối tốc độ. Khi ếch dùng lưỡi tóm bắt côn trùng bay ngang qua thì nước bọt bảo đảm sự túm bắt và cái lưỡi mềm đóng vai trò của bộ “giảm xóc”, hấp thụ “quán tính” của côn trùng, và lưỡi mềm bao phủ côn trùng như một tấm chăn. Nhờ sự mềm mại của lưỡi, nên nó cũng kéo giãn dài ra và có thể bao bọc côn trùng tất cả các phía, giúp cho sự xâm nhập của nước bọt vào tất cả các ngóc ngách.
Người ta cũng đã biết rằng ếch nuốt con mồi nhờ sự giúp sức của đôi mắt, kéo hút côn trùng vào bên trong. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi đôi mắt của ếch giúp đẩy con mồi vào vị trí, song song với lưỡi thì nước bọt lại giảm độ nhớt đi, góp phần vào việc đẩy côn trùng xuống dưới và nuốt. Các nhà khoa học tin rằng những nguyên lý hoạt động của lưỡi ếch, có thể được áp dụng để tạo ra các chất keo mới kết dính ở tốc độ cao.
Vũ Trung Hương