Cây viết Jonathan Pearlman tại Bộ Ngoại giao Úc có một bài viết trên Guardian nhấn mạnh kho vũ khí đáng sợ của Úc dành cho Trung Quốc không phải là các tàu ngầm hạt nhân.

Ngoài tàu ngầm hạt nhân, Úc còn có kho vũ khí đáng sợ hơn với Trung Quốc

Anh Tú (dịch) | 07/10/2021, 10:54

Cây viết Jonathan Pearlman tại Bộ Ngoại giao Úc có một bài viết trên Guardian nhấn mạnh kho vũ khí đáng sợ của Úc dành cho Trung Quốc không phải là các tàu ngầm hạt nhân.

Đối với một siêu cường mới nổi dễ bị kích động và có tâm lý nạn nhân, phản ứng ban đầu của Trung Quốc trước hiệp ước an ninh ba bên mới giữa Úc, Mỹ và Anh dường như buồn tẻ một cách đáng ngạc nhiên.

tau-ngam-uc.jpg
Úc quyết tâm xây dựng hạm đội tàu ngầm mạnh - Ảnh: Internet

Vài giờ sau khi bộ ba công bố “quan hệ đối tác vĩnh cửu”, được gọi là AUKUS, Trung Quốc chính thức nộp đơn xin phép tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - nhóm thương mại châu Á - Thái Bình Dương gồm 11 thành viên.

Đây là một động thái kỳ lạ của Trung Quốc vì gia nhập CPTPP cần có sự đồng ý của các thành viên của nhóm, gồm cả Úc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trả đũa lại sự coi thường của Canberra bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế trị giá 20 tỉ USD và đóng băng các cuộc tiếp xúc giữa các bộ trưởng.

Vậy mà, họ lại đang tìm kiếm một sự ủng hộ từ Canberra ngay thời điểm Thủ tướng Úc, Scott Morrison, vừa công bố kế hoạch mua tàu ngầm hạt nhân và báo hiệu rằng ông đang chuẩn bị nghiêm túc cho khả năng căng thẳng Mỹ-Trung sẽ bùng phát thành chiến tranh.

Nhưng đơn xin gia nhập hiệp định thương mại của Trung Quốc đã được tính toán cẩn thận. Trước hết, nó cho phép Trung Quốc thể hiện cam kết của mình đối với thương mại tự do toàn cầu và tương phản với cách tiếp cận của Mỹ, quốc gia đã rút khỏi hiệp định.

Đáng chú ý hơn, động thái của Trung Quốc chủ yếu được thiết kế để ngăn cản Đài Loan, vốn chờ đợi từ lâu để tham gia CPTPP. Trung Quốc, vốn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, thường cố gắng ngăn cản các quốc gia khác giao dịch với Đài Loan ở cấp độ chính thức. 

Sáu ngày sau khi Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTTP, Đài Loan mới nộp đơn xin gia nhập. Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Đài Loan John Deng nói thừa nhận: “Nếu Trung Quốc tham gia trước, trường hợp thành viên của Đài Loan sẽ khá rủi ro. Đây là điều khá hiển nhiên”.

Động thái của Trung Quốc với CPTTP thu hút ít sự chú ý hơn so với thông báo của AUKUS, nhưng nó làm nổi bật một đặc điểm quan trọng của sự gia tăng trong căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trung Quốc, trong nhiệm vụ “thống nhất” với Đài Loan, đang chơi trên hai chiến trường riêng biệt.

Đầu tiên, và rõ ràng nhất, họ đang mở rộng hoạt động quân sự với tốc độ chóng mặt, sẵn sàng sử dụng không quân và hải quân để răn đe Đài Loan. Ví dụ, trong tuần trước, Trung Quốc đã lập kỷ lục về số lần điều máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Thứ sáu tuần trước, vào ngày quốc khánh của Trung Quốc 1.10, họ đã điều 38 máy bay đến Đài Loan; vào 2.10 là 39; vào 4.10 là 56. Mỹ, nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn thân thiết của Đài Loan, đã mô tả các chuyến bay của Trung Quốc là "khiêu khích".

Nhưng Trung Quốc cũng đang hoạt động trên một mặt trận riêng khác nữa. Bắc Kinh đang cố gắng cô lập Đài Loan trên trường thế giới và để đảm bảo rằng vị thế của Đài Loan bị hạ thấp trên các đấu trường ngoại giao quốc tế và cả kinh tế thế giới. Vì vậy, khi Thủ tướng Morrison vẫn đang nói với giới truyền thông Úc về tàu ngầm và thỏa thuận AUKUS, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đã viết thư cho chính phủ New Zealand - nơi nắm giữ các tài liệu chính thức liên quan đến CPTTP - để tham gia nhóm.

Bài học cho Úc là, khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, nước này cần tránh chọn nhầm chiến tuyến. Khi khoảng cách giữa trình độ quân sự Trung Quốc và Úc ngày càng nới rộng, khả năng của Úc - ngay cả khi hạm đội tàu ngầm hạt nhân do các đối tác AUKUS cung cấp - sẽ khó đủ quyết định sự cân bằng sức mạnh quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mặc dù là nước chi tiêu quân sự lớn thứ 12 trên thế giới, ngân sách quốc phòng hằng năm của Úc hiện chỉ bằng 10% của Trung Quốc.

Úc có kế hoạch hạ thủy chiếc đầu tiên trong số 8 tàu ngầm hạt nhân vào cuối những năm 2030. Nhưng Trung Quốc, quốc gia có hải quân lớn nhất thế giới, hiện có hạm đội khoảng 62 tàu ngầm, trong đó có 12 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Đến năm 2040, Trung Quốc sẽ có tới 26 tàu ngầm hạt nhân. Mỹ hiện cũng có 68 tàu ngầm; tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các tàu ngầm của Úc và các lực lượng khác có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, gồm cả việc bảo vệ đất liền Úc - nhưng trong trường hợp có biến đáng sợ ở eo biển Đài Loan, chúng sẽ không mang tính quyết định.

Tuy nhiên, trên chiến trường khác, khả năng của Úc có nhiều tác động hơn. Trong lĩnh vực ngoại giao và thương mại quốc tế, Úc, nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới và - về mặt lịch sử - là nước ủng hộ mạnh mẽ cam kết trong các tổ chức quốc tế, có ảnh hưởng thực sự.

Úc đã nỗ lực để tạo ra và củng cố các tổ chức như APEC, gồm cả Trung Quốc và Đài Loan và G20, chỉ có Trung Quốc.

CPTTP hình thành cũng do Úc, cùng với Nhật Bản, đã nỗ lực để cứu nó sau khi Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định vào năm 2017. Giờ đây, Trung Quốc đang tìm cách tham gia.

Đại sứ quán Trung Quốc – vốn vừa mới công bố danh sách 14 điểm về những bất bình với Canberra – nhưng đã đổi giọng trong lá thư gửi cho quốc hội Úc để thuyết phục việc kết nạp họ vào CPTTP với cam kết rằng tư cách thành viên của Trung Quốc sẽ "mang lại lợi ích kinh tế lớn".

Úc trả lời một cách ngập ngừng, nhưng nhấn mạnh rằng Trung Quốc không nên được phép tham gia CPTPP cho đến khi nước này đáp ứng các nghĩa vụ thương mại quốc tế và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện tại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Úc như thịt bò, rượu vang và lúa mạch.

Úc sẽ tiếp tục gây tranh cãi với Trung Quốc khi xem xét liệu Đài Loan có nên được phép kết nạp hay không. Trung Quốc nói rằng Đài Loan không được phép tham gia nhóm hoặc bất kỳ tổ chức chính thức nào khác.

Úc nên triển khai ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế một cách thận trọng. Điều đó có thể khuyến khích xoa dịu căng thẳng Mỹ-Trung và ngăn cản các hành động khiêu khích.

Đài Loan đang lo lắng nguy cơ chiến tranh rình rập. Nhưng Úc sẽ có thể làm được rất ít để thay đổi tiến trình của một cuộc xung đột thực tế.

Thay vào đó, họ có thể tham gia cùng các phía khác để đưa ra một thông điệp mạnh mẽ cho Trung Quốc về cái giá phải trả khi chiếm Đài Loan bằng vũ lực.

Các tàu ngầm chưa được đưa vào vận hành của Úc sẽ không làm nản quyết tâm can thiệp quân sự của Bắc Kinh, nhưng nước này có một kho vũ khí thay thế hiện có vẻ thành công hơn trong việc đòi hỏi sự chú ý của Trung Quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoài tàu ngầm hạt nhân, Úc còn có kho vũ khí đáng sợ hơn với Trung Quốc