Từ nhà máy giấy Lee & Man đến điểm lấy và cấp nước sinh hoạt cho người dân TP.Cần Thơ của nhà máy nước Cần Thơ 1 chỉ cách nhau 17km.

Người dân Cần Thơ sẽ dùng nước sinh hoạt nhiễm chất thải của nhà máy giấy Hậu Giang?

25/06/2016, 06:55

Từ nhà máy giấy Lee & Man đến điểm lấy và cấp nước sinh hoạt cho người dân TP.Cần Thơ của nhà máy nước Cần Thơ 1 chỉ cách nhau 17km.

Vị trí nhà máy giấy và trung tâm TP.Cần Thơ chỉ cách nhau khoảng 17km.

Trao đổi với PV Một Thế Giới, một nhà khoa học ở TP.Cần Thơ tỏ vẻ lo lắng, vì theo ông, khi nhà máy giấy Hậu Giang vận hành thì cư dân TP.Cần Thơ sẽ phải chịu cảnh sử dụng nước sinh hoạt có pha nước thải độc hại từ nhà máy giấy.

Cụ thể, nơi đặt nhà máy giấy và nơi lấy nước để cung cấp cho sinh hoạt của người dân nội ô TP.Cần Thơ chỉ cách nhau khoảng 17 km.

Sông Hậu đoạn qua Cần Thơ có chế độ bán nhật triều. Mỗi ngày có 2 lần nước lớn (chảy ngược lên thượng nguồn) và 2 lần nước ròng (chảy xuôi ra biển). Do đó, khi nhà máy giấy Lee & Man hoạt động, nếu xả thải gặp lúc nước lớn thì chỉ vài giờ sau Cần Thơ "lãnh đủ", còn gặp lúc nước ròng thì Phụng Hiệp (Hậu Giang) và tỉnh Sóc Trăng phía hạ nguồn phải gánh chịu.

Trước đó, sáng 23.6, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc) đã tổ chức buổi họp báo tại nhà máy đặt ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nhằm trấn an dư luận.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo, phía công ty này chỉ đưa ra cam kết chung chung rằng nước thải sẽ đạt chuẩn… Trong khi đó, sử dụng loại hóa chất nào, số lượng bao nhiêu… thì phía công ty không công bố.

Như Một Thế Giới đã thông tin, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ… kiến nghị phải tăng cường giám sát việc xả thải của nhà máy giấy Hậu Giang, nếu không cả vùng nuôi trồng thủy sản dọc 2 bên sông Hậu có nguy cơ bị hủy diệt vì hóa chất.

Nhà máy giấy này sẽ xả thải ra thẳng sông Hậu

“Không phải đợi cá, tôm chết hàng loạt mới là thảm họa mà ngay trước đó, những chất độc hại sẽ “thấm” vào thịt cá, tôm. Chất thải từ nhà máy giấy không chỉ có thể ảnh hưởng đến thủy sản khai thác, nuôi trồng mà còn gây tác động xấu đến cuộc sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân, nhất là khu vực hạ lưu như Sóc Trăng, Bạc Liêu…”, một thành viên của VASEP nói.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, dây chuyền tẩy trắng trong sản xuất giấy và bột giấy sẽ cho ra sản phẩm phụ là dioxin, furan - 2 trong các hóa chất độc nhất được biết đến hiện nay trong khoa học. Trong bản báo cáo sơ thảo của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) năm 1994 đã miêu tả dioxin như là một tác nhân đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng và dường như không có mức độ nhiễm nào được coi là an toàn.

Một doanh nghiệp hội viên VASEP cho rằng, nhà máy giấy ở Hậu Giang sử dụng thiết bị cũ, với công nghệ tẩy bằng chlorine. Với công nghệ rẻ tiền này, lượng nước thải khổng lồ dù có được xử lý trước khi thải ra sông Hậu vẫn chắc chắn có chứa dioxin và furan.

Nhà máy giấy mọc lên ở ĐBSCL, sử dụng nhiều hóa chất trong sản xuất thì ô nhiễm là điều khó tránh. Theo công văn số 36/2007/CV.ENTEC ngày 17.9.2007 của Trung tâm Công nghệ môi trường - ENTEC (đơn vị tư vấn làm báo cáo tác động môi trường cho nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man), lượng nước thải cần xử lý của nhà máy bột giấy sẽ là 27.000 mét khối/ngày đêm, nhà máy giấy là 29.272 mét khối/ngày đêm.

Sau khi xử lý, nước thải sẽ đạt Tiêu chuẩn Môi trường Việt Nam TCVN 5945- 2005, tức BOD bằng hoặc thấp hơn 30 miligam/lít, COD bằng hoặc thấp hơn 50 miligam/lít, SS bằng hoặc thấp hơn 50 miligam/lít trước khi thải ra sông Hậu…

Như vậy, nếu làm đúng cam kết trên thì sẽ yên tâm về chất thải? Không hề! Nếu thử tính theo lượng nước thải và nồng độ các chất độc hại (được xem là đạt chuẩn) trên, không khó để có các con số: tối đa mỗi ngày đêm thì sông Hậu sẽ “nhận” 1,68816 tấn BOD; 2,8136 tấn COD và 2,8136 tấn SS. Nhân lên theo tháng hoặc năm, số lượng chất độc hại này sẽ còn kinh khủng hơn, đúng như quan ngại.

Đây là dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Tuy nhiên, vào năm 2007, ông Nguyễn Phong Quang, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang vẫn "hăng hái" rước về vì "mê" số vốn đầu tư được tuyên bố lên đến 1,2 tỉ USD.

Nguyễn Hồ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Cần Thơ sẽ dùng nước sinh hoạt nhiễm chất thải của nhà máy giấy Hậu Giang?