15 năm sau vụ khủng bố 11.9.2001, Mỹ đã chi hàng trăm tỉ USD để tăng cường an ninh quốc gia, săn lùng bọn khủng bố và triển khai một cuộc chiến được xem là dài nhất lịch sử Mỹ. Dù vậy, theo kết quả khảo sát, người dân Mỹ vẫn cảm thấy yếu ớt trước chủ nghĩa khủng bố hơn bao giờ hết.

Người dân Mỹ ngày càng sợ chủ nghĩa khủng bố

12/09/2016, 16:00

15 năm sau vụ khủng bố 11.9.2001, Mỹ đã chi hàng trăm tỉ USD để tăng cường an ninh quốc gia, săn lùng bọn khủng bố và triển khai một cuộc chiến được xem là dài nhất lịch sử Mỹ. Dù vậy, theo kết quả khảo sát, người dân Mỹ vẫn cảm thấy yếu ớt trước chủ nghĩa khủng bố hơn bao giờ hết.

Cảm xúc dâng tràn trong lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công ngày 11.9.2001 tại khu vực Ground Zero ngày 11.9 - Ảnh: Getty Images

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) công bố trong tuần, 71% số người dân Mỹ được hỏi cho rằng khả năng các tổ chức khủng bố tấn công nước Mỹ cao bằng hoặc cao hơn so với 15 năm trước. 40% số người được hỏi nhận định nguy cơ xảy ra một vụ tấn công lớn sẽ tăng cao hơn trong thời gian 11.9.

Báo The Hill của Mỹ ngày 11.9 (giờ địa phương) ghi nhận tỷ lệ nêu trên rõ ràng đã gia tăng kể từ tháng 8.2002, tức chưa đầy một năm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 ở Mỹ.

Kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew còn cho thấy 61% số người được hỏi nghĩ rằng có nguy cơ xảy ra một vụ tấn công tương tự hoặc nghiêm trọng hơn vụ tấn công 11.9.2001 và 22% nghĩ rằng các vụ tấn công nhỏ sẽ gia tăng.

Các vụ tấn công nhỏ lẻ, tự phát gia tăng

Cho dù người dân Mỹ lo sợ, các nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn chưa thực hiện một vụ tấn công lớn nào khác ở Mỹ từ sau năm 2001. Tuy nhiên, các chuỗi sự kiện liên quan đến bạo lực nhỏ lẻ, tự phát do một số cá nhân độc lập gây ra vẫn có khả năng đánh vào nỗi sợ của nước Mỹ.

Thương vong từ các vụ này dù chỉ chiếm một phần nhỏ so với vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 nhưng vẫn là lời nhắc nhở về mối đe dọa khủng bố. Chúng cũng là bằng chứng cho thấy thái độ bất lực nhằm ngăn chặn tất cả các vụ tấn công của nhà cầm quyền.

Các phần tử cực đoan được gọi là "sói đơn độc” có thể sát hại hàng chục người bằng súng mua được dễ dàng để sau đó vụ tấn công sẽ được đưa trên trang nhất báo chí. Ví dụ như vụ tấn công khủng bố ở Nice (Pháp) trong ngày Quốc khánh Pháp 14.7 làm 84 người thiệt mạng. Vốn dĩ một chiếc xe tải lại không có gì đáng nghi ngờ để các cơ quan chức năng phải ngăn chặn.

Ngày 11.9, Tổng thống Obama dự lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công ngày 11.9.2001 tại Lầu Năm Góc - Ảnh: Getty Images

Tom Ridge, bộ trưởng đầu tiên của Bộ An ninh nội địa, đã phát biểu tại một cuộc hội thảo tuần trước: “Các vụ tấn công chắc chắn sẽ xảy ra nhưng phải đặt điều đó trong bối cảnh điều gì tác động đến cuộc sống chúng ta theo hướng tiêu cực”. Ông nhấn mạnh số người chết vì tai nạn giao thông còn lớn hơn nhiều so với số người chết trong các vụ tấn công khủng bố.

Ông giải thích: “Hãy chấp nhận sự thật rằng điều này là đau đớn và tổn thương tinh thần chúng ta, nhưng hãy cố xem nó như một chuyện gì đó xa vời”.

Bọn khủng bố sử dụng sức mạnh của Internet

Theo số liệu thu thập từ Quỹ Vì nước Mỹ mới, từ sau vụ tấn công ngày 11.9.2001, đã có 94 người tại Mỹ thiệt mạng trong các vụ tấn công có yếu tố Hồi giáo cực đoan. Điều duy nhất thay đổi trong 15 năm qua là cách thức mà các phần tử cực đoan “sói đơn độc” được chiêu mộ hoặc được truyền cảm hứng thông qua mạng Internet.

Váo thời điểm cao trào, bọn khủng bố Al Qaeda vẫn không thể trở thành thương hiệu toàn cầu để những kẻ chẳng liên quan cũng ra tay hành động duới danh nghĩa của Al Qaeda. Trong khi đó, Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria đã chứng tỏ khả năng trực tiếp tuyển dụng người nước ngoài trên khắp thế giới hoặc truyền bá về tổ chức thông qua Internet.

Chỉ trong năm ngoái, các kẻ tấn công tại San Bernardino (bang California) và Orlando (bang Florida) đã giết chết hàng chục người nhân danh IS. Theo các điều tra viên liên bang, không ai trong số chúng thực sự có liên hệ với bọn đầu sỏ IS ở Iraq và Syria.

Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa (Hạ viện Mỹ) Michael McCaul (đảng Cộng hòa) phát biểu hồi tuần trước: “Điều khác nhau thực sự là Internet và sức mạnh của Internet… Ngày nay chúng ta có một thế hệ khủng bố mới gồm bọn rất am hiểu Internet và biết cách khai thác Internet để tuyển mộ, huấn luyện và biến người khác thành phần tử cực đoan”.

Ngày 11.9, gia đình các nạn nhân dự lễ tại Đài tưởng niệm quốc gia 11.9 - Ảnh: Reuters

Phải cảnh giác với các phần tử khủng bố từ trong nước

Trang báo chính trị The Hill đánh giá 15 năm trước, nước Mỹ cần tự vệ chống lại các phần tử cực đoan từ Trung Đông. Còn hiện nay, nước Mỹ lại cần cảnh giác với nguy cơ từ trong nước.

Kinh nghiệm chống khủng bố của Mỹ khác với các nước phương Tây. Tây Âu, đặc biệt là Pháp và Bỉ, phải đối mặt với hàng loạt các vụ tấn công do bọn khủng bố đã được huấn luyện tại Trung Đông thực hiện. Nhưng không có vụ nào có thể so sánh với vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 ở Mỹ làm gần 3.000 người thiệt mạng, ảnh hưởng tới quân sự và hệ thống tài chính Mỹ.

Tại Mỹ, các âm mưu tấn công đã được ngăn chặn trước khi xảy ra. An ninh thắt chặt, thái độ chú ý của người đi đường cùng với việc chọn thời điểm không phù hợp của bọn khủng bố đã giúp ngăn chặn nhiều âm mưu tấn công nhắm đến máy bay, tòa nhà chọc trời ở Chicago, quảng trường Times Square ở New York, tàu điện ngầm New York và nhiều mục tiêu khác.

Sau bọn khủng bố Al Qaeda tới bọn khủng bố IS

Theo tổ chức nghiên cứu độc lập Dự án Các ưu tiên quốc gia, Mỹ đã chi hơn 700 tỉ USD cho công tác bảo đảm an ninh nội địa sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9. 2001. Số tiền này bao gồm chi phí quân sự chống các nhóm cực đoan ở Afghanistan, Pakistan, Syria, Libya, Yemen, Somalia và Philippines.

Vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 ở Mỹ đã làm gần 3.000 người thiệt mạng - Ảnh: Phil Penman

Nỗ lực này đã giúp Mỹ loại bỏ một số lớn các phần tử Al Qaeda và hạn chế chúng phát triển tại Yemen khi đánh giá chúng là nguy cơ đe dọa cao hơn đối với Mỹ. Nhưng điều này không thể ngăn chặn đà phát triển của IS.

Bọn IS là những kẻ tàn ác quá mức khi chặt đầu con tin và ghi hình vào băng video, thiêu sống một phi công người Jordan và sử dụng nhiều trò tuyên truyền khác để gieo nỗi sợ hãi khắp thế giới. Khi truyền cảm hứng cho bọn tấn công đơn độc, IS cũng đã gầy dựng lòng trung thành từ các nhóm cực đoan khác từ Nigeria tới Philippines.

Hậu quả của cái gọi là “Sự kiện Mùa xuân Ả Rập” đã để lại sự hỗn loạn trong thế giới Hồi giáo, tạo điều kiện cho IS và liên minh của chúng tiếp tục gieo mầm, bắt rễ.

Giám đốc CIA John Brennan đã phát biểu tại Quốc hội hồi mùa hè: “Thật không may, tất cả nỗ lực chống IS của chúng ta trên chiến trường và lĩnh vực tài chính đã không làm chủ nghĩa khủng bố giảm phát triển và giảm khả năng vươn ra toàn cầu”.

Dù vậy ông ghi nhận: “Nguồn lực cần thiết cho chủ nghĩa khủng bố còn rất ít. Chúng đã chịu thiệt hại nặng nề về lãnh thổ, nhân lực và tiền bạc khiến khả năng khủng bố của chúng suy giảm thấy rõ”.

Anh Đào

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Mỹ ngày càng sợ chủ nghĩa khủng bố