Một phân tích mới cho thấy phần lớn bề mặt của Mặt trăng già hơn 200 triệu năm so với ước tính trước đây.
Nghiên cứu mới cho thấy một phần bề mặt của Mặt trăng già hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây của các chuyên gia. Đặc biệt, nhiều miệng núi lửa có hình "người đàn ông trên mặt trăng" mang tính biểu tượng có trước hàng trăm triệu năm so với ước tính cũ.
Bản thân mặt trăng chỉ hơn 4,5 tỉ năm tuổi. Nó được hình thành khi một thiên thể lớn hoặc tiểu hành tinh khổng lồ đâm vào Trái đất thời non trẻ, hất văng những khối đá và bụi vào quỹ đạo. Tuy nhiên, việc xác định tuổi của bề mặt chị Hằng rất phức tạp vì các phương pháp khác nhau cho ra các kết quả khác nhau.
Một phương pháp là đếm miệng núi lửa: chỉ đơn giản là đếm số lần tác động lên bề mặt của Mặt trăng và ước tính mất bao lâu để tích lũy tất cả những “vết sẹo” đó. Cơ sở khoa học của phương pháp đó là nhờ Mặt trăng không có hiệu ứng xói mòn hay chịu kiến tạo mảng như trên Trái đất nên các miệng núi lửa không bị xóa đi. Hệ quả là bề mặt của Mặt trăng không thay đổi trong nhiều thiên niên kỷ. Nhưng việc đếm miệng núi lửa không phải lúc nào cũng tương ứng với kết quả xác định niên đại mà các nhà khoa học thu được từ việc nghiên cứu trực tiếp đá từ Mặt trăng do các phi hành đoàn Apollo đem về Trái đất.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã tỉ mỉ so sánh các kết quả xác định niên đại từ các mẫu đá trên Mặt trăng với các địa điểm mà chúng được thu thập, giúp sửa lỗi hiệu quả giữa hai phương pháp.
Nhà nghiên cứu Stephanie Werner, nhà địa chất học tại Trung tâm nghiên cứu Môi trường sống ngoài hành tinh của Đại học Oslo, cho biết: “Những gì chúng ta đã làm là chỉ ra rằng phần lớn lớp vỏ Mặt trăng già hơn khoảng 200 triệu năm so với chúng ta từng nghĩ”. Nghiên cứu mà các tác giả đã trình bày trong tuần này tại hội nghị địa hóa học Goldschmidt ở Pháp, đã được Tạp chí Khoa học Hành tinh đăng như sự thừa nhận giá trị của công trình .
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các mẫu do các tàu Apollo, Luna và Chang'e (Hằng Nga) mang về từ bề mặt của Mặt trăng, sau đó kiểm tra các miệng hố xung quanh các địa điểm nơi những mẫu đá này được tìm thấy để xác định mối tương quan giữa độ tuổi. Sau đó, họ tổng quát hóa thông tin đó trên bề mặt của Mặt trăng để có ước tính lại tuổi cho các khu vực vốn chỉ được xác định niên đại từ việc đếm số lượng miệng núi lửa.
Một khu vực được tính lại tuổi là Mare Imbrium. Miệng núi lửa này, hiện chứa đầy dòng dung nham mịn, tạo nên con mắt phải của "người đàn ông trên mặt trăng". Các nhà nghiên cứu cho biết, thay vì 3,9 tỉ năm tuổi như từng ước tính trước đây, miệng núi lửa này có niên đại 4,1 tỉ năm theo tính toán từ phương pháp mới.
Werner nói: “Đây là một điểm khác biệt quan trọng. Nó cho phép chúng ta lùi thời gian về thời kỳ Mặt trăng bị bắn phá dữ dội từ không gian, mà chúng ta biết đó là thời kỳ đã diễn ra trước khi hoạt động núi lửa mở rộng tạo hình khuôn mặt 'Người đàn ông trên Mặt trăng'. Khi điều này xảy ra trên Mặt trăng, Trái đất gần như chắc chắn cũng phải hứng chịu đợt oanh tạc sớm như thế này.”
Audrey Bouvier, nhà thực nghiệm hành tinh học tại Đại học Bayreuth ở Đức, cho biết nghiên cứu này có thể giúp các nhà khoa học xác định chính xác địa chất có thể tạo tiền đề cho sự phát triển của sự sống trên Trái đất và có lẽ là cả trên sao Hỏa.
Bouvier, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: “Thời kỳ bị bắn phá nặng nề như vậy chắc hẳn đã ảnh hưởng đến nguồn gốc và sự tiến hóa sơ khai của sự sống trên Trái đất và có khả năng là ở các hành tinh khác như sao Hỏa. Mang về các mẫu đá từ miệng núi lửa Jezero trên sao Hỏa về Trái đất nghiên cứu sẽ là bước nhảy vọt tiếp theo để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ đại trên một hành tinh khác trong Hệ Mặt trời."