"Chúng tôi đang xin ý kiến để triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, theo kế hoạch là có thể triển khai từ ngày 1.4, nếu có chậm lắm cũng chỉ 1 - 2 ngày tới".

Người dân sắp được vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng

Tuyết Nhung | 31/03/2023, 17:48

"Chúng tôi đang xin ý kiến để triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, theo kế hoạch là có thể triển khai từ ngày 1.4, nếu có chậm lắm cũng chỉ 1 - 2 ngày tới".

Đó là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra tại buổi họp báo chiều 31.3.

72d6a945-6758-4e1c-a893-9ed431c94671.jpeg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Đề cập đến chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng, Phó Thống đốc cho biết, 1 hoặc 2 ngày tới sẽ có văn bản chính thức về triển khai gói 120.000 tỉ đồng tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Gói hỗ trợ tại mỗi ngân hàng là 30.000 tỉ đồng, lãi suất giảm 1,5%/năm đối với chủ đầu tư và giảm 2% đối với người mua dành cho 3 đối tượng nhà ở xã hội/nhà ở công nhân/ nhà xây lại nhà chung cư cũ.

Liên quan đến hoạt động tín dụng, ông Tú cho biết, đến ngày 28.3.2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Phó Thống đốc thừa nhận, tốc độ cho vay có hơi chậm so với các năm trước. Trong khi ngành ngân hàng rất mong mỏi tăng trưởng tín dụng, nhưng đầu ra rất khó khăn. Ngành ngân hàng đang đề xuất chính sách tạo cơ sở pháp lý về đối tượng, ngành nghề, mức độ cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời đảm bảo an toàn nợ của nền kinh tế và khả năng thanh khoản và tài chính của các tổ chức tín dụng.

“Khó khăn hiện nay không phải do vốn tín dụng mà do các điều kiện về vĩ mô nhưng ngành ngân hàng vẫn hỗ trợ để các doanh nghiệp có thể vượt qua được những khó khăn”, Phó Thống đốc nói.

Liên quan đến chỉ đạo ngành ngân hàng có giải pháp giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu chính sách giãn hoãn nợ để tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng thương mại thực hiện. Theo ông Tú, việc giãn hoãn nợ phải nghiên cứu kỹ lưỡng cả về đối tượng lẫn mức độ để vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo an toàn cho các ngân hàng.

“Giãn hoãn nợ song phải đảm bảo không làm sai lệch bản chất nợ xấu của nền kinh tế, không để giãn nợ nhằm che giấu nợ xấu và cũng phải đảm bảo thanh khoản, năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng”, Phó thống đốc khẳng định.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành, chia sẻ. Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay không phải do tín dụng mà chủ yếu do thị trường tiêu thụ, dòng tiền.

Về lãi suất, ông Tú cho biết thời gian tới sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Khi điều kiện cho phép, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo giảm thêm lãi suất điều hành.

Đáng lưu ý, mặc dù lãi suất giảm song tỷ giá trên thị trường vẫn ổn định. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. 

Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…

Bài liên quan
Sẽ cho vay gói tín dụng 100.000 tỉ đồng lãi suất thấp trong tháng 4
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong tháng 4.2017 sẽ ban hành quyết định hướng dẫn và chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn để cho vay gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân sắp được vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng