Hôm qua là một ngày lịch sử đối với cộng đồng người đồng tính tại Mỹ. Tòa án Tối cao Mỹ tại thủ đô Washington ra phán quyết công nhận hôn nhân đồng tính trên cả nước Mỹ. Như vậy, 14 bang đang áp dụng lệnh cấm hôn nhân đồng tính đều phải hủy bỏ lệnh này.
Theo Reuters, thẩm phán Anthony Kennedy thuộc Tòa án Tối cao khẳng định: “Người đồng tính không đáng phải sống trong cô đơn... Họ đòi sự tôn trọng bình đẳng trong con mắt của pháp luật. Hiến pháp trao cho họ quyền đó”.
Sau phán quyết lịch sử trên, hàng trăm người ủng hộ hôn nhân đồng tính tập trung bên ngoài Tòa án tối cao đã nhảy múa ăn mừng. Họ vẫy quốc kỳ và hô vang: “Nước Mỹ, nước Mỹ!”, “Tình yêu là tình yêu”...
Ngay sau đó, chính quyền bang Michigan cấp phép cho các cặp đôi đồng tính. Hàng loạt đám cưới đồng tính đã diễn ra ở nhiều bang trước đó áp lệnh cấm.
Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố đây là “một thắng lợi của nước Mỹ”. Ông nhấn mạnh: “Khi tất cả công dân Mỹ được đối xử bình đẳng, chúng ta sẽ càng trở nên tự do”.
Phó tổng thống Joe Biden cho rằng mọi người đều xứng đáng được đối xử bình đẳng dù họ yêu ai. Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton gửi tin nhắn “Tự hào” lên Twitter.
Khi đêm xuống, Nhà Trắng được trang hoàng bằng ánh đèn màu sắc cầu vồng, biểu tượng của phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người đồng tính, chuyển giới và song giới (LGBT). Thông điệp “Tình yêu chiến thắng” lan truyền chóng mặt trên trang mạng xã hội Twitter.
Tuy nhiên, các chính trị gia Cộng hòa theo đường lối bảo thủ chỉ trích dữ dội phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ. Cựu thống đốc bang Arkansas Mike Huckabee mô tả phán quyết này là “hành động bạo quyền vi hiến vượt ngoài tầm kiểm soát”.
Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker kêu gọi cải tổ hiến pháp Mỹ để các bang được phép áp lại lệnh cấm hôn nhân đồng tính. Thống đốc Texas Greg Abbott bức xúc: “Chúa định nghĩa hôn nhân. Con người không được định nghĩa lại nó”.
Không chỉ công nhận hôn nhân đồng tính, phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ còn ảnh hưởng đến hàng loạt lĩnh vực pháp lý. Các bang từng cấm hôn nhân đồng tính sẽ phải điều chỉnh rất nhiều quy định pháp luật, ví dụ như việc người đồng tính nhận con nuôi, các khoản giảm trừ thuế, bảo hiểm y tế...
Ngoài Mỹ, hiện đã có 20 quốc gia trên thế giới công nhận hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, đồng tính vẫn là một điều cấm kỵ ở rất nhiều vùng trên thế giới, đặc biệt là châu Phi, Trung Đông và châu Á.
Theo Hải Yến (Tuổi Trẻ)