Bài hát "Màu hoa đỏ" đã bị Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tiền Giang ra văn bản cấm!

'Người lính ra đi từ mái tranh nghèo' bị cấm tại Tiền Giang, vì sao?

23/03/2017, 20:09

Bài hát "Màu hoa đỏ" đã bị Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tiền Giang ra văn bản cấm!

Văn bản cấm nhạc phẩm cách mạng nổi tiếng Màu hoa đỏ

>>Vợ, con cố nhạc sĩ Thuận Yến lên tiếng về ca khúc Màu hoa đỏ bị cấm ở Tiền Giang

>> Cục NTBD gửi công văn hỏa tốc yêu cầu Tiền Giang giải trình lý do cấm ca khúc Màu hoa đỏ

Cấm hát nhạc đỏ và cấm mở quán karaoke

Hơn 1 tháng qua dư luận tỉnh Tiền Giang xôn xao việc ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Tiền Giang, ký 2 công văn gửi Sở TN&MT, UBND và Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị, thành trong tỉnh, yêu cầu cấm hát 1 nhạc phẩm cách mạng và kiên quyết không cấp phép hoạt động cho người dân chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh karaoke.

Công văn thứ nhất có số hiệu 120/SVHTTDL-TTr ký ngày 7.2, nêu rõ: đề nghị Phòng VHTT các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý yêu cầu trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung…

Sau ngày 10.3, đội kiểm tra liên ngành các cấp tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính các cơ sở kinh doanh karaoke chưa gỡ bỏ các bài hát chưa được phép phê duyệt nội dung cho phép lưu hành, phổ biến theo quy định của pháp luật. Kèm theo công văn này là danh sách 354 bài hát “không được phép lưu hành, cấm phổ biến”.

Điều khiến mọi người bất ngờ là trong danh sách cấm này, ở số thứ tự từ 152 đến 154 là nhạc phẩm Màu hoa đỏ của cố đại tá nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác năm 1991 (phổ thơ Nguyễn Đức Mậu), 1 ca khúc nổi tiếng nói về thời chiến tranh bom đạn ác liệt và từng được trao giải ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng vào năm 1994. Trong danh sách cấm ghi rõ ca khúc u hoa đỏ là Nhạc Đỏ (nhạc cách mạng - PV).

Trong khi đó, nhiều năm qua, ca khúc này đã được những ca sĩ nổi tiếng như Cẩm Vân, Trọng Tấn, Tùng Dương… thể hiện trên sóng phát thanh, truyền hình và trong các dịp lễ kỷ niệm truyền thống của cả nước, nhưng người được khán giả đánh giá thể hiện xuất sắc nhất ca khúc này là ca sĩ Thanh Lam, con gái của cố đại tá Thuận Yến.

Công văn thứ 2 có số hiệu 158-SVHTTDL- TTr do ông Đảm ký ngày 15.2, nêu rõ: “Không cấp phép hoạt động đối với các cơ sở chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh karaoke”, khiến người dân bất bình và các địa phương hết sức hoang mang.

Cố nhạc sĩ Thuận Yến - cha đẻ ca khúc "Màu hoa đỏ" và con gái, ca sĩ Thanh Lam

UBND tỉnh Tiền Giang không chủ trương cấm

Tiếp xúc với phóng viên, ông Đảm cho rằng việc cấm hát ca khúc Màu hoa đỏ là do hiện nay ở các điểm kinh doanh karaoke nhạc phẩm này có phần hình ảnh chưa phù hợp với nội dung. Còn việc không cấp phép hoạt động đối với cơ sở chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh karaoke thì Sở VH-TT-DL thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang.

Tuy nhiên, ông Nguyễn H.T., 1 cán bộ công tác lâu năm trong ngành văn hóa, không đồng tình với lý giải của ông Đảm. Ông T. cho biết, ca khúc Màu hoa đỏ (và nhiều nhạc phẩm khác) đang được các điểm karaoke sử dụng đều do chủ cơ sở mua lại từ các công ty sản xuất băng đĩa trong nước nên hoàn toàn hợp pháp.

Việc nhà sản xuất lồng hình ảnh như thế nào vào nội dung bài hát không liên quan gì đến chủ cơ sở kinh doanh karaoke, nên cấm sử dụng ca khúc này sẽ gây thiệt hại quyền lợi của các điểm karaoke. Hơn nữa, Sở VH-TT-DL Tiền Giang ra văn bản cấm sử dụng ca khúc Màu hoa đỏ, 1 ca khúc truyền thống cách mạng rất nổi tiếng, là việc làm rất phản cảm, gây dư luận rất xấu.

Về vấn đề cấm chuyển đổi công năng nhà ở sang kinh doanh karaoke, ông H.T. cho rằng Sở VH-TT-DL Tiền Giang đã bất chấp pháp luật. Ông T. lý giải: “Ban đầu người dân không ai xin phép xây dựng điểm kinh doanh karaoke mà chỉ xin phép xây dựng nhà ở thì Sở Xây dựng mới cấp phép xây dựng theo thiết kế ban đầu của chủ nhà.

Các điểm karaoke ở TP.Mỹ Tho đều xin phép xây dựng nhà ở trước khi chuyển đổi công năng sang kinh doanh karaoke.

Nếu xin phép xây dựng điểm karaoke thì Sở Xây dựng không thể cấp phép xây dựng vì không đúng thẩm quyền. Sau khi xây nhà hoàn chỉnh, người dân có quyền xin mở điểm kinh doanh karaoke. Do đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên sau khi xây xong nhà người dân xin mở điểm kinh doanh karaoke thì các cơ quan hữu trách, trong đó có ngành văn hóa, sẽ tiến hành kiểm tra, thẩm định xem cơ sở có đủ điều kiện kinh doanh hay không.

Nếu đủ, thì phải cấp phép kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật và ngược lại. Việc Sở VH-TT-DL Tiền Giang không cấp phép hoạt động các cơ sở chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh karaoke là điều hết sức vô lý, trái pháp luật”.

Trong khi đó nhiều chủ kinh doanh karaoke ở TP.Mỹ Tho khẳng định: trước khi mở điểm karaoke thì họ đều phải đến Sở Xây dựng xin phép xây dựng nhà ở, sau đó mới chuyển đổi công năng thành điểm kinh doanh karaoke.

UBND tỉnh khẳng định Giám đốc Sở làm sai!

Ông Phạm Văn Trọng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh, tỏ ra rất bất ngờ khi phóng viên cung cấp 2 văn bản của Sở VH-TT-DL đang gây bức xúc trong dư luận.

Sau khi xem xét các văn bản, ông Trọng cho biết công văn ngày 7.2 của Sở VH-TT-DL TG cấm sử dụng nhạc phẩm Màu hoa đỏ là không đúng, vì ai cũng biết đây là 1 ca khúc truyền thống cách mạng nổi tiếng.

Về việc Sở VH-TT-DL TG thông báo không cấp phép hoạt động đối với cơ sở chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh karaoke tại văn bản số 158/SVHTTDL-TTr, ông Trọng khẳng định: “UBND tỉnh Tiền Giang không có bất kỳ văn bản nào cấm người dân mở quán karaoke như văn bản của Sở VH-TT-DL nêu”.

Ông Trọng giải thích: trong các cuộc họp lãnh đạo UBND tỉnh chỉ yêu cầu các cơ quan hữu trách, trong đó có Sở VH-TT-DL, siết chặt công tác quản lý cấp phép hoạt động karaoke, đặc biệt chú ý các điều kiện an toàn, PCCC, tiếng ồn…

Nếu các cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật thì đương nhiên ngành chức năng phải cấp phép cho người dân hoạt động kinh doanh, nếu không cấp phép là vi phạm pháp luật.

Ca khúc Màu hoa đỏ của cố nhạc sĩ Thuận Yến do Thanh Lam thể hiện

Anh Hoàng

>>Vợ, con cố nhạc sĩ Thuận Yến lên tiếng về ca khúc Màu hoa đỏ bị cấm ở Tiền Giang

>> Cục NTBD gửi công văn hỏa tốc yêu cầu Tiền Giang giải trình lý do cấm ca khúc Màu hoa đỏ

>> Tạm dừng lưu hành 5 ca khúc Bolero sáng tác trước 1975

>> Vì sao ca khúc Con đường xưa bị cấm lưu hành

>>Ồn ào quanh Con đường xưa

>>Chưa thể cấm Minh Béo biểu diễn tại Việt Nam?

>> Nhạc sĩ Vinh Sử đã thoát nghèo, mua được nhà hơn 1 tỉ nhờ Bolero

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Người lính ra đi từ mái tranh nghèo' bị cấm tại Tiền Giang, vì sao?