Cứ mỗi lần đến miền biển, tôi lại cảm thấy ấm áp như đứa con xa quê được trở về ngôi nhà cùng những người thân yêu. Ấy là bởi vì tấm lòng chân thật, hiếu khách của những người gắn cuộc đời mình với biển.

Người miền biển

11/02/2018, 10:54

Cứ mỗi lần đến miền biển, tôi lại cảm thấy ấm áp như đứa con xa quê được trở về ngôi nhà cùng những người thân yêu. Ấy là bởi vì tấm lòng chân thật, hiếu khách của những người gắn cuộc đời mình với biển.

Múa hát hò bả trạo tại lễ hội cầu ngư ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)

Bao đời, cư dân nơi đây gắn bó với biển cả để mưu sinh. Thuở trước, những ngư dân cùng chiếc ghe chèo mỏng manh lênh đênh trên sóng nước giăng lưới, buông câu góp nhặt cá tôm. Mắt họ dõi theo con sóng bạc đầu, những vầng mây trắng pha sắc hồng cùng những cánh chim lướt gió để dò đoán bão giông. Giữa biển trời mênh mông, trong lòng họ hiện lên ánh mắt âu lo, mong chờ của người vợ, người mẹ nơi đất liền. Rồi những chiếc thuyền buồm căng gió mang theo khát vọng vươn ra khơi xa. Sau bao nỗi hiểm nguy, nhọc nhằn là những mẻ lưới cá nặng đầy khoang, làng chài ngày càng trù phú, cuộc sống thêm tươi vui.

Cuộc sống giờ đổi thay so với trước, những chiếc tàu công suất lớn, đánh bắt khơi xa đem lại nguồn thu dồi dào cho cư dân miệt biển. Những ngư dân dạn dày sóng gió đưa tàu đến Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt cá tôm. Biển cả rèn luyện cho họ tính can trường, vượt qua khó khăn, đối mặt với bão tố. Những chiếc tàu cá lao nhanh trên sóng nước để đến cứu những bạn chài gặp nạn, sắp chìm vào lòng biển khơi. Họ thông tin cho nhau về từng đàn cá lớn, chia sẻ những sản vật từ biển. Với họ, biển là nhà và là nơi mưu sinh. Vậy nên, họ sẵn sàng bất chấp hiểm nguy chống lại kẻ thù nuôi mộng xâm chiếm vùng lãnh hải thân yêu mà cha ông đã đổ bao máu xương gìn giữ.

Tàu cá của ngư dân Sa Huỳnh vươn khơi đánh bắt hải sản

Đêm yên bình, tiếng hát của họ ngân vang giữa biển khơi hòa nhịp cùng sóng vỗ vào mạn tàu. Nhịp hò khoan, tiếng nói cười rộn rã với những mẻ cá đầy lấp lánh vảy bạc. Những ánh mắt rạng ngời niềm vui xua đi bao nhọc nhằn. Sau chuỗi ngày dài lênh đênh trên sóng nước, con tàu rẽ sóng trở về đất liền làm nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Những cái bắt tay, chào hỏi nhau vội vã, bến cá tấp nập kẻ bán người mua át cả tiếng sóng vỗ rì rầm như lời thì thầm của đại dương. Hương vị nồng nàn từ biển theo chân thương lái tỏa đi muôn phương.

Chiều về trên biển bãi ngang, bóng dáng của người mẹ, người vợ dõi mắt hướng ra khơi xa ngóng đợi chồng con trở về sau cả ngày buông lưới, giăng câu trên sóng nước. Những lão ngư sắp “về với đất” cũng lom khom chống gậy ra bến để được nhìn thấy hình bóng của mình thời trai trẻ. Những con thuyền nhấp nhô trên sóng nước dần về bến. Biển và bờ vỡ òa niềm vui. Những giỏ cá tươi được chuyền tay vào bến. Cánh ngư phủ vội ào lên bờ, chọn cá tươi ngon để biếu các cụ già và những người ra đón rồi mới bán cho thương lái. Tình người miền biển là thế dẫu cuộc mưu sinh lắm nỗi nhọc nhằn. Tính cách họ phóng khoáng, ầm ào như sóng gió đại dương bao la. Họ sẵn lòng mới khách về nhà đãi món cá luộc, cá hấp tươi ngon hay món gỏi cá đậm đà hương vị biển khơi. Những ly rượu thấm đẫm tình quê cứ vơi lại đầy. Những sản vật từ biển: mắm, cá khô, mực khô, chả cá… theo chân lữ khách đi khắp mọi miền.

Bão tố đi qua với khung cảnh làng chài hoang tàn, những con tàu tả tơi. Những ngư dân lại sẻ chia từng bát cơm, tấm lưới để dìu nhau ra khơi. Cuộc sống dần hồi sinh sau những chuyến tàu cập bến. Tiếng cười nói lại rộn ràng trên bến dưới thuyền. Mọi người háo hức tham dự lễ hội cầu ngư, mong cho trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Những ngư dân dạn dày nắng gió trong trang phục đa sắc, thân hình lắc lư theo điệu hát sắc bùa, hò bả trạo. Thuyền lại rẽ sóng vươn khơi như sợi dây nối liền giữa biển và bờ trải qua bao thế hệ như vòng xoay của tạo hóa.

Ngư dân cúng cầu cho trời yên biển lặng, đánh bắt được nhiều cá tôm

Cuộc đời của những ngư dân lắm cơ cực và hiểm nguy. Nhưng có lẽ đó là động lực thôi thúc họ gắn bó với biển để chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình. Giữa biển trời mênh mông, họ lại ngân nga câu hát: “Biển nhớ ai sóng cồn cào đến thế?/Đêm chơi vơi vời vợi ánh trăng soi/Gió xa khơi mang tình người đi biển…”.

Bài, ảnh: Minh Kỳ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người miền biển