Các nhà khoa học Mỹ đã thử nghiệm công nghệ làm sáng các đám mây có tác dụng phản chiếu một phần tia nắng mặt trời quay trở lại không gian.
Khoảng trước 9 giờ sáng thứ ba (2.4) vừa qua, kỹ sư Matthew Gallelli có mặt trên boong của một tàu sân bay đã ngừng hoạt động ở Vịnh San Francisco và bật một chiếc công tắc. Vài giây sau, một thiết bị giống như máy làm tuyết bắt đầu kêu ầm ầm, rồi tiếp theo là một tiếng rít lớn và chói tai. Một màn sương mịn gồm các hạt khí dung nhỏ được bắn ra, bay hàng trăm mét trong không khí.
Một ý tưởng táo bạo và tiềm năng
Đây là cuộc thử nghiệm ngoài trời đầu tiên ở Mỹ về công nghệ được thiết kế để làm sáng các đám mây có tác dụng phản chiếu một phần tia nắng mặt trời quay trở lại không gian. Có thể coi đó là một cách làm mát tạm thời đối với Trái đất hiện đang ngày càng nóng lên, gần tới giới hạn nguy hiểm.
Các nhà khoa học muốn xem liệu chiếc máy mất nhiều năm chế tạo này có thể phun ổn định các hạt muối có kích thước phù hợp ra ngoài trời, bên ngoài phòng thí nghiệm hay không. Nếu nó hoạt động ổn, giai đoạn tiếp theo sẽ là nhắm tới bầu trời và cố gắng thay đổi thành phần của các đám mây phía trên đại dương.
Khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và bơm lượng carbon dioxide ngày càng tăng vào khí quyển, mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đang ngày càng xa vời. Điều đó đã thúc đẩy thử nghiệm các ý tưởng can thiệp có chủ ý vào hệ thống khí hậu.
Các trường đại học, tổ chức, nhà đầu tư ở Mỹ và cả chính phủ liên bang đã bắt đầu tài trợ cho nhiều dự án khác nhau, từ hút carbon dioxide ra khỏi khí quyển đến bổ sung sắt vào đại dương trong nỗ lực lưu trữ carbon dioxide dưới đáy biển.
Robert Wood, nhà khoa học chính của dự án làm sáng đám mây (thuộc nhóm nghiên cứu hải dương tại Đại học Washington), cho biết: “Mỗi năm chúng ta có những kỷ lục mới về biến đổi khí hậu và nhiệt độ, các đợt nắng nóng kỷ lục. Điều đó thúc đẩy phải xem xét nhiều lựa chọn thay thế hơn trong lĩnh vực giải quyết biến đổi khí hậu. Ngay cả những điều có thể đã từng bị coi tương đối cực đoan cũng cần được xem xét lại”.
Làm sáng các đám mây là một trong nhiều ý tưởng nhằm đẩy năng lượng mặt trời trở lại không gian - đôi khi được gọi là biến đổi bức xạ mặt trời, địa kỹ thuật mặt trời hoặc can thiệp khí hậu. So với các lựa chọn khác, chẳng hạn như bơm sol khí vào tầng bình lưu, việc làm sáng mây biển sẽ mang tính cục bộ, dễ kiểm soát hơn và việc sử dụng sol khí muối biển cũng được cho là tương đối lành tính thay vì các hóa chất khác.
Vẫn còn nhiều điều đáng ngại
Tuy nhiên, ý tưởng can thiệp vào thiên nhiên vẫn gây tranh cãi đến mức những người tổ chức cuộc thử nghiệm vừa qua đã bảo mật chặt chẽ các chi tiết kỹ thuật vì lo ngại rằng giới phê bình sẽ tìm cách ngăn chặn chúng. Mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tài trợ cho nghiên cứu về các biện pháp can thiệp khí hậu khác nhau, gồm cả việc làm sáng mây biển, nhưng Nhà Trắng vẫn tránh xa nghiên cứu ở California. Họ gửi một tuyên bố tới The New York Times có nội dung: “Chính phủ Mỹ không liên quan đến việc Điều chỉnh Bức xạ Mặt trời (SRM) diễn ra ở Alameda, CA hoặc bất kỳ nơi nào khác.”
David Santillo, một nhà khoa học cấp cao tại Greenpeace International, hết sức nghi ngờ các đề xuất điều chỉnh bức xạ mặt trời. Ông cho rằng nếu việc làm sáng mây biển được sử dụng ở quy mô có thể làm mát hành tinh, thì hậu quả sẽ khó dự đoán hoặc thậm chí khó đo lường được. Ông cảnh báo: “Các vị có thể đang thay đổi các kiểu khí hậu, không chỉ trên biển mà còn trên đất liền. Đây là một viễn cảnh đáng sợ về tương lai mà chúng ta nên cố gắng tránh bằng mọi giá”.
Karen Orenstein, Giám đốc Chương trình Cân bằng về Khí hậu và Năng lượng tại nhóm môi trường Friends of the Earth U.S., gọi việc điều chỉnh bức xạ mặt trời là “một sự phân tâm cực kỳ nguy hiểm”. Bà cho biết cách tốt nhất để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là nhanh chóng tránh xa việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Cần thận trọng
Về điểm mà bà Orenstein nêu, chính các nhà nghiên cứu đám mây cũng đồng ý. Sarah Doherty, một nhà khoa học khí quyển tại Đại học Washington và là người quản lý chương trình làm sáng mây biển của trường, cho biết: “Tôi đoán rằng tất cả các đồng nghiệp của tôi đều hy vọng rằng chúng tôi không bao giờ sử dụng những thứ này, rằng chúng tôi không bao giờ phải làm vậy”.
Tiến sĩDoherty cho biết có những tác dụng phụ tiềm ẩn vẫn cần được nghiên cứu, gồm thay đổi mô hình và nhiệt độ hoàn lưu của đại dương, có thể gây tổn hại cho nghề cá. Việc làm sáng đám mây cũng có thể làm thay đổi mô hình lượng mưa, làm giảm lượng mưa ở một nơi trong khi tăng lượng mưa ở nơi khác.
Nhưng theo bà Doherty, điều quan trọng là phải tìm hiểu xem liệu những công nghệ như vậy có thể hoạt động như thế nào trong trường hợp xã hội cần chúng. Và không ai có thể biết trước khi nào thế giới có thể đạt đến điểm đó.