Trong khi mọi người háo hức đi đường hoa Hàm Nghi, chuẩn bị chờ xem bắn pháo hoa, có những con người đang thầm lặng với những nhát chổi, làm sạch thành phố.

Người quét rác đêm giao thừa: "Lương ngày tết cao gấp 3 ngày thường, có gì mà than"

Một Thế Giới | 19/02/2015, 07:20

Trong khi mọi người háo hức đi đường hoa Hàm Nghi, chuẩn bị chờ xem bắn pháo hoa, có những con người đang thầm lặng với những nhát chổi, làm sạch thành phố.

2 giờ sáng, đường bắt đầu vắng xe. Sau khi đón giao thừa xong, ai cũng đã về nhà ngủ ngon. Ngoài đường chỉ còn lác đác những nam thanh, nữ tú đi chơi về muộn.
Trên con đường Phạm Ngọc Thạch vắng hoe, anh Vương Ngọc Huấn vẫn lom khom cầm chổi quét những chiếc lá vàng vương vãi. Tiếng chổi xào xạc vang vọng trong đêm vắng.
Quệt giọt mồ hôi trên trán, người đàn ông 50 tuổi này cười tươi: "Tui làm cái nghề này được 17 năm nay rồi. Lương 6 triệu/tháng, cũng đủ nuôi vợ, nuôi con ăn học. Chưa năm nào được đón giao thừa cả. Đội vệ sinh của tui hôm nay có cả thảy hơn 34 người, quét khắp các con đường ở quận 3 này".
"Tụi tui làm từ 2 giờ chiều đến giờ này đó, vẫn chưa xong. Mai 6 giờ mới hết ca, về nhà ngủ" - Anh Huấn nói.
quet rac dem giao thua
Anh Vương Ngọc Huấn lặng lẽ quét những chiếc lá rụng trên đường Phạm Ngọc Thạch, ngay sau giao thừa.
Anh Huấn cho biết, anh phải tranh thủ quét cho sạch đoạn đường Phạm Ngọc Thạch, rồi vòng qua một đoạn đường Hai Bà Trưng nữa. Tất cả phải xong trước 6 giờ sáng mai.
"Làm cái nghề này mà sợ dơ, sợ cực khổ, sợ thức đêm thì không làm nổi đâu. Chưa kể là nhiều khi bị xui xẻo, bị mấy tay đua xe đụng phải nữa. Mấy tháng trước có 3 nhân viên bị tai nạn kiểu này. Thôi trời kêu ai nấy dạ, chứ biết làm sao" - Anh Huấn vô tư.
Theo chỉ dẫn của anh Huấn, chúng tôi chạy vòng ra đường Điện Biên Phủ gặp chị Tú Linh. Năm nay đã gần 40 tuổi, nhưng chị Linh vẫn còn rất yêu đời. Chị cười to, nói: "Trời, tụi tui có làm gì đâu mà lên báo. Nghề nào cũng là nghề để kiếm sống, có khác gì nhau đâu".
"Từ chiều đến giờ, tui bỏ hai đứa con ở nhà. Đứa lớn 1 tuổi, đứa kế mới 10 tháng tuổi thôi. Mẹ thì lang thang ngoài đường, quét rác. Nhờ bà ngoại trông nom giùm nên tui cũng yên tâm phần nào" - Chị Linh vừa nói, tay vừa gom rác bỏ vào xe.
Mùi rác hôi thối bốc lên, xộc vô mũi, rất khó chịu. Thấy tôi bịt mũi, chị Linh cười khà khà: "Tại chú không quen, chứ tụi tui miễn nhiễm rồi. Công việc của mình như vậy thì phải chịu chứ sao. Làm nghề này phải bịt khẩu trang, không là bị viêm mũi đó, độc hại lắm".
quet rac dem giao thua
           Chị Tú Linh đang gom rác trên con đường Điện biên Phủ vắng lặng.
Dưới ánh đèn cao áp, chị Linh lom khom gom rác đã quét dồn lại, cho lên xe. Chị cho biết, lát nữa có đồng nghiệp đến kéo xe đi ra bãi tập kết. 
"Tết nhất gì chú. Có việc làm là mừng, nề hà là thất nghiệp, tiền đâu nuôi con? Chồng tui làm nghề mua ve chai, cũng đi suốt, có thấy mặt mũi đâu. Hai vợ chồng phó thác hai đứa con cho bà ngoại thôi" - Chị Linh nói.
Đến ngã 4 Nguyễn Đình Chiểu - Lê Quý Đôn, chúng tôi gặp hai người đàn ông ngồi trên xe máy, kéo theo sau một xe rác nặng trĩu. Không cần đợi hỏi, hai anh giới thiệu luôn: một người tên là Trương Thanh Tuấn, còn người kia là Nguyễn Hồng Giang.
"Tui quét rác nãy giờ, sạch hết con đường Lê Quý Đôn. Anh Giang cũng quét sạch một đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu. Giờ chúng tôi xúc rác lên xe, kéo ra điểm tập kết nằm gần chợ Bàn Cờ, chờ xe đến mang đi tiêu hủy" - Anh Tuấn cho biết.
Nhìn con đường sạch bóng, chúng tôi biết hai anh đã rất vất vả từ đêm đến giờ.Trời khuya, nhưng cả hai anh đều rất tỉnh táo và hăng say với công việc của mình.
"Ngày mồng một, không thể để địa bàn mình phụ trách nhếch nhác rác được. Phải sạch sẽ, tinh tươm" - Anh Giang nói chen vào.
Đường đã vắng hoe. Nhiều chiếc taxi không còn đón khách, tài xế cho nằm bên vệ đường và nằm trong xe ngủ khò. Trên con  đường Nguyễn Đình Chiểu, gần chợ Bàn Cờ, anh  Phạm Thanh Linh đang vẫn đang lúi húi với 3 chiếc xe rác chất cao ngút của mình.
"Trời sắp sáng, tui sợ không kịp. Đang vội lắm, anh hỏi gì hỏi nhanh nhé. Thông cảm cho tui"- Anh Linh cười, năn nỉ.
"Làm thế này, tuy cực nhưng lương của anh em trong ngày tết cao hơn ngày thường gấp 3 lần. Không được đón giao thừa cũng gia đình, nhưng lương cao, cũng phải ráng làm. Có gì đâu mà than. Sáng thấy đường phố sạch đẹp, là tui hết mệt rồi" - Anh Linh chia sẻ.
Gần chỗ anh Linh làm, là chị Huỳnh Thị Lan. Chị Lan có tuổi đời 43 và có thâm niên theo cái nghề quét rác này đã 28 năm.
Dừng công việc trong chốc lát, chị Lan nói: "Theo cái nghề này, là tết phải ở ngoài đường. Tui quét, hốt rác hết con đường Nguyễn Thiện Thuật này, ôm hết cái chung cư đằng kia luôn. Hôm nay tui cũng oải quá. Làm từ 1 giờ trưa đến giờ này đó".
 Chị cho biết, hôm nào bị bệnh đột xuất, không đi làm nổi, chị cảm thấy rất ray rứt. Chị Lan đùa: "Nói thiệt với chú, tui làm nghề quét rác, cho nên nhiều khi đi ra đường, thấy cọng rác, cũng ngứa con mắt, phải cúi xuống nhặt bỏ vào thùng. Chắc tui bị bệnh nghề nghiệp quá hả chú?"
quet rac dem giao thua
     Tuy vất vả, nhưng chị Linh vẫn nở một nụ cười tươi: "Công việc mà chú, có gì đâu"
Chị Linh nhìn đồng hồ, cười: "Chết, đã 4 giờ rồi. Thôi tui làm tiếp cho kịp trời sáng. Ngày mai đầu năm, đường xá sạch sẽ, mọi người mới cảm thấy hồ hởi".
Nói xong chị Linh lại thoăn thoắt đôi tay, phân loại rác, chất lên xe. Những bịch rác lỉnh kỉnh, dơ bẩn bốc mùi nồng nặc. Nhưng dường như điều đó rất bình thường với người phụ nữ này, không hề thấy chị nhăn mặt, khó chịu.
Trời đã sắp ửng hồng. Đèn đường bắt đầu mờ nhạt. Những con đường sạch bóng dần hiện ra. Những chiếc xe rác, những con người thầm lặng ấy cũng biến mất...
Lê Ngọc Dương Cầm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người quét rác đêm giao thừa: "Lương ngày tết cao gấp 3 ngày thường, có gì mà than"