Dễ dàng bắt gặp từng tốp người Trung Quốc đi khắp TP Nha Trang sinh sống, làm ăn trong khi đó công tác quản lý của các cơ quan chức năng dường như đang lúng túng

Người Trung Quốc lách luật 'bám' Nha Trang và những nỗi lo

Thùy Vân | 04/03/2018, 07:04

Dễ dàng bắt gặp từng tốp người Trung Quốc đi khắp TP Nha Trang sinh sống, làm ăn trong khi đó công tác quản lý của các cơ quan chức năng dường như đang lúng túng

Về tận làng, xã sinh sống

Hiện nay ở TP Nha Trang, người TQ không chỉ hiện diện ở đô thị mà còn len lỏi về các làng xã ngoại ô để sinh sống. Cách trụ sở UBND xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang không xa là một căn nhà 3 tầng kín cổng cao tường, hằng ngày có nhiều tốp người TQ ra vào nói chuyện rôm rả.

Ở xã Vĩnh Trung, nhiều người TQ thuê nhà ở hợp tác làm ăn với người Việt rồi lưu trú tại địa phương. Như trường hợp doanh nghiệp Đ.T.P (thôn Võ Cang) có 5 người TQ trú ngụ tại đây làm ăn, thậm chí định mua lại cổ phần để hoạt động lâu dài. Tại căn nhà ở đường Nguyễn Khoái (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang), một số người TQ cũng đang trú ngụ để làm việc cho tiệm bán quần áo ở đường Điện Biên Phủ…

Một người Trung Quốc ngụ ở ngôi nhà này (xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang) nhiều tháng qua

Bà H.Q, giám đốc một công ty môi giới nhà đất, cho biết tình trạng người TQ thuê nhà ở TP Nha Trang rất phổ biến, những người này thường có thị thực du lịch rồi ở lại làm quản lý, hướng dẫn viên, nhân viên bán hàng hoặc thu mua hải sản.

Trong khi đó, chính quyền địa phương tỏ ra lúng túng trong việc quản lý các thành phần này. Ông Trịnh Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh, cho biết có một nhóm người TQ thuê nhà ở địa phương. Công an xã đến kiểm tra thì do bất đồng ngôn ngữ nên không thể biết được họ thuê nhà để ở hay để làm gì. Khi hỏi chủ nhà thì người này cho biết chỉ hợp đồng với một người Việt thuê nguyên căn, còn người này dẫn người TQ về ở. "Có khả năng là người Việt Nam hoặc công ty du lịch đứng ra thuê hộ. Việc kiểm tra rất khó. Chúng tôi đã báo với công an TP, thời gian tới mới có thể kiểm tra, nắm lại được" - ông Tuấn giãi bày.

Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ, Trưởng Công an TP Nha Trang, cho biết đã cử một tổ công tác đi đến các xã, phường trên địa bàn, rà soát toàn bộ nhà nghỉ, khách sạn để quản lý việc cư trú. Qua đó, ghi nhận rất nhiều trường hợp người TQ cư trú ở xã Phước Đồng, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp… Mới đây, có 2 trường hợp người TQ ở phường Vĩnh Hòa có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng đang được công an xử lý.

Tại cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 2.3, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa - đã yêu cầu lập đoàn kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh.

Những nguy cơ hỗn loạn

Theo ông Thân, tình trạng mua nhà núp bóng của người nước ngoài, cụ thể là người TQ, báo chí trong mấy ngày qua, đặc biệt là Báo Người Lao Động, đã phản ánh.

"Báo chí còn phản ánh việc Văn phòng Thừa phát lại Nha Trang đứng ra lập vi bằng cho người Việt Nam mua nhà giùm người nước ngoài mà theo luật Việt Nam thì người nước ngoài không được phép mua. Nhưng đù không được phép mua mà lại lập vi bằng luôn và thu mỗi trường hợp như vậy là 7-10 triệu đồng. Như vậy, bây giờ nếu chúng ta không có biện pháp thì sẽ dẫn đến việc hỗn loạn trong giao dịch dân sự, nhà cửa, đất đai, an ninh trật tự" - ông Thân nêu ý kiến.

Theo ông Thân, sáng cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang cũng đã chỉ đạo thành lập ngay 1 tổ công tác liên ngành để xem xét, giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến người nước ngoài ở Nha Trang. Theo đó, vấn đề đầu tiên mà đoàn kiểm tra liên ngành cần kiểm tra để xử lý là việc mua bán nhà trái phép cho người nước ngoài.

Vấn đề thứ 2 cần làm rõ là việc lập vi bằng của Văn phòng Thừa phát lại Nha Trang. "Các dạng mua nhà này thì họ bao giờ chạy tới phòng công chứng đâu, vì phòng công chứng sẽ từ chối công chứng. Lý do rất rõ ràng là trái pháp luật. Thế nhưng, thừa phát lại đại diện văn phòng ở TP HCM ra đây, mới hoạt động 1-2 tháng thôi đã dám chứng nhận những trường hợp thế này thì sẽ dẫn đến sự bất ổn trên địa bàn. Thừa phát lại không được phép chứng những điều sai pháp luật" - ông Thân nói rồi đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa phải xem xét và có biện pháp xử lý.

Tồn tạinhiều vấn đề

Ông Thân cũng yêu cầu phải kiểm tra mọi mặt ở các công ty, cửa hàng, cửa hiệu chuyên phục vụ cho khách nước ngoài, nhất là khách TQ. Ông nêu thực trạng việc nhiều cửa hàng, cửa hiệu chỉ mở cửa để đón khách TQ.

"Khách TQ đến thì mới mở cửa bán, khách TQ đi thì đóng cửa. Việc này không chỉ diễn ra một nơi mà rất nhiều nơi. Cử tri phản ánh liên tục và điện thoại yêu cầu phải có biện pháp. Vậy chúng ta phải tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định. Kiểm tra mọi mặt từ việc kinh doanh trái phép, trốn thuế, phân biệt đối xử khách hàng và nhiều vấn đề khác" - ông Thân yêu cầu.

Riêng về vấn đề lao động phổ thông "chui" của người nước ngoài, chủ yếu là người TQ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ông Thân yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa phải vào cuộc. Ông Thân cho rằng việc này diễn ra ở nhiều nơi, từ cửa hàng, cửa hiệu đến công trình xây dựng.

"Sau khi nhập cảnh vào Khánh Hòa đi du lịch, visa hết hạn rồi vẫn bám trụ ở Nha Trang. Đối với người nước ngoài như vậy là vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh và rất nhiều vấn đề. Phải có một biện pháp liên ngành cùng làm mới chấn chỉnh được, chứ không sẽ dẫn đến nhiều việc rất bất ổn" - ông Thân nhấn mạnh.

Những dấu hiệu bất thường

Ngày 26.2, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đang rà soát lại 173 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động có thay đổi cổ đông do chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài. Sở đang chỉ đạo Phòng Đăng ký kinh doanh rà soát có bao nhiêu doanh nghiệp đã bán cổ phần cho người TQ, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh quản lý lao động nước ngoài.

Sở dĩ phải làm như vậy vì hiện nay, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa nhận thấy điều bất thường là người Việt đăng ký thành lập doanh nghiệp, sau đó trong thời gian rất ngắn đã chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài. Người nước ngoài tạo cớ lưu trú lâu dài tại Việt Nam mà không cần đăng ký visa và thực hiện các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu rà soát lại các thủ tục không phù hợp với thực tiễn, tạo kẽ hở cho người nước ngoài và doanh nghiệp trong nước lách luật và đề xuất trung ương điều chỉnh.

Tiếp tay người Trung Quốc gom đất: Lợi bất cập hại

Tình trạng người TQ gom đất thông qua người Việt Nam đứng tên giùm để hưởng "thù lao" trong các giao dịch kinh doanh bất động sản tại TP Nha Trang là vi phạm pháp luật và đây là giao dịch dân sự vô hiệu. Các cơ quan quản lý tại địa phương cần có biện pháp kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời để hạn chế những bất ổn về kinh tế, an ninh xã hội.

Trừ trường hợp người TQ kết hôn với công dân Việt Nam thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam, còn việc bán nhà ở hoặc đứng tên giùm cho người TQ gom nhà đất là lợi bất cập hại. Đây là hành vi tiếp tay cho các giao dịch trái pháp luật của người TQ. Khi xảy ra khiếu nại, tố cáo, tranh chấp… thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm các bên sẽ xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (thường là tội lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế …).

Vậy thì Thừa phát lại (TPL) có quyền lập vi bằng đối với việc đứng tên giùm người TQ mua nhà đất hay không? Theo Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP. HCM, đây là tổ chức được thành lập để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của nghị định và pháp luật có liên quan. TPL có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp quy định tại điều 6 Nghị định 61/2009/NĐ-CP; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm.

Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc người TQ gom mua nhà đất và nhờ người Việt đứng tên "giùm" là vi phạm điều cấm của luật pháp. Do đó, tôi cho rằng yêu cầu lập vi bằng phục vụ cho giao dịch không hợp pháp sẽ không được chấp nhận. Về nguyên tắc chung luật chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chứ không bảo vệ quyền lợi các bên trong giao dịch trái luật.

LSNguyễn Hồng Hà(Phó Chủ nhiệm Đoàn LS Khánh Hòa)

Lam An (tổng hợp từ Người lao động)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Trung Quốc lách luật 'bám' Nha Trang và những nỗi lo